Lần đầu tiên khi Van Gogh đem trưng bày loạt tranh về hoa hướng dương tại một triển lãm, tranh của ông đã bị đồng nghiệp tẩy chay. Họ nói rằng nếu để tranh của họ treo cạnh “những bình hoa hướng dương nực cười” của Van Gogh, họ sẽ rút tranh về.
Hoa hướng dương từng bị coi là chùm tranh “nực cười”
Tháng 8/1888, Van Gogh đang sống ở thành phố Arles, Pháp - một nơi đầy nắng, ông bỗng có cảm hứng cao độ và thực hiện liên tiếp 4 bức tranh khắc họa hoa hướng dương chỉ trong 6 ngày. Đến năm 1889, ông thực hiện thêm 3 bức “chép lại”. Như vậy, loạt tranh Hoa hướng dương của Van Gogh có tổng cộng 7 bức.
7 bức tranh này đã tạo thành một chùm tác phẩm kinh điển, mang tính biểu tượng trong lịch sử hội họa, thể hiện sức mạnh sáng tạo mãnh liệt của Van Gogh ở thời điểm đỉnh cao sáng tác. Thế nhưng lần đầu tiên khi đem tham dự triển lãm, nó đã gây ra những sự vụ lùm xùm. Thoạt tiên, loạt tranh về hoa hướng dương của Van Gogh không được ai công nhận.
Được mời trưng bày tác phẩm trong một triển lãm tranh, Van Gogh đã nhờ tới sự tư vấn của em trai Theo xem nên gửi đi bức nào. Theo đã khuyên anh nên gửi một bức trong chùm tranh hoa hướng dương bởi “khi em treo một bức bên bệ lò sưởi trong phòng ăn, bức tranh tạo ra những hiệu ứng tuyệt vời, giống như một tấm vải sa tanh được thêu bằng chỉ vàng vậy, thật lộng lẫy”. Tuy vậy, vẻ đẹp trong tranh Van Gogh khi đó không được những người khác công nhận.
Một họa sĩ cũng tham gia trưng bày tại triển lãm - họa sĩ người Bỉ Henry de Groux - đã dọa sẽ đòi lại tranh nếu như ông phải trưng bày trong cùng một phòng với “bình hoa hướng dương nực cười của ông Vincent”.
Hai họa sĩ người Pháp là Toulouse-Lautrec và Paul Signac cũng có mặt khi Henry de Groux đưa ra những lời bình phẩm khiếm nhã về tranh của Van Gogh với nhà tổ chức triển lãm. Ngay lập tức, buổi gặp gỡ trở thành một cuộc ẩu đả lộn xộn và suýt thì các họa sĩ đã… đánh nhau to.
Những bức tranh vẽ hoa đẹp nổi tiếng có rất nhiều trong lịch sử mỹ thuật nhưng không có bức tranh hoa nào lại gắn chặt với tên tuổi một vị họa sĩ như loạt tranh hoa hướng dương của Van Gogh. Ông vẽ bức tranh hoa hướng dương đầu tiên ngay khi đến Paris hồi năm 1886.
Ban đầu, những bông hoa hướng dương xuất hiện như những chi tiết nhỏ trong tranh phong cảnh của Van Gogh. Đến năm 1887, ông thực hiện 4 bức tranh sơn dầu và đưa hoa hướng dương trở thành “nhân vật chính” trong tranh của mình.
Đối với Vincent Van Gogh, thiên nhiên và mỹ thuật là đôi bạn đồng hành. Vincent từng nói với em trai Theo rằng: “Anh luôn thích đi bộ, đi bộ thật nhiều và thêm yêu thiên nhiên. Đó thực sự là cách để hiểu hơn về nghệ thuật”.
Arles - nơi siêu phẩm ra đời và thiên tài gục ngã
Paris là nơi để Van Gogh bén duyên với hoa hướng dương còn Arles mới là mảnh đất giúp ông thực hiện những siêu phẩm hội họa về loài hoa này. Khi chuyển tới thành phố Arles ở miền nam nước Pháp, Van Gogh đã yêu cầu chủ nhà sơn lại tường căn phòng thành màu vàng tươi và sơn cửa chớp màu xanh lá. Cách trang trí này đã truyền cảm hứng cho sáng tác của ông.
Một động lực nữa khiến Van Gogh sáng tác chùm tranh hoa hướng dương chính là việc một người bạn - họa sĩ Pháp Paul Gauguin - sẽ sớm chuyển tới sống cùng Van Gogh. Muốn gây ấn tượng với bạn về những sáng tác mới, Van Gogh bắt đầu lao vào vẽ kể từ ngày 20/8/1888.
Ông giữ cảm xúc và sự tỉnh táo bằng cà phê và rượu. Chỉ trong 6 ngày, Van Gogh đã vẽ xong 4 bức tranh hoa hướng dương mà sau này sẽ trở thành những siêu phẩm hội họa.
4 bức tranh sơn dầu vẽ hoa hướng dương được thực hiện khi Van Gogh sống ở Arles, năm 1888. Bức đầu tiên thuộc bộ sưu tập cá nhân, bức thứ hai đã bị thiêu rụi trong Thế chiến II, chỉ có hai bức cuối được trưng bày tại các viện bảo tàng.
Tính cho tới thời điểm sáng tác ra loạt tranh hoa hướng dương nổi tiếng, Van Gogh mới bắt đầu cầm cọ được 7 năm, từ năm 27 tuổi. Trước đó, ông từng thử giảng dạy, truyền giáo, bán tranh, bán sách… Chỉ cầm cọ 7 năm nhưng Van Gogh đã có sự say mê cuồng nhiệt đối với hội họa, ông nắm rất rõ ngôn ngữ của màu sắc.
Cảm thấy hài lòng với những bức tranh vừa thực hiện, Van Gogh đã treo hai bức trong phòng của Gauguin để chào mừng bạn tới sống cùng. Tuy vậy, sự làm việc điên cuồng của Van Gogh đã không được đền đáp xứng đáng khi phải tới 2 tháng sau Gauguin mới dọn tới.
3 bức tranh về hoa hướng dương được vẽ lại vào năm 1889, tạo thành bộ 7 bức tranh huyền thoại về hoa hướng dương của Van Gogh.
Cuộc sống của Van Gogh hóa ra không tươi đẹp hơn khi có thêm người bạn tới sống cùng. Van Gogh từng nói về những lần tranh cãi giữa hai người giống như “những cuộc thảo luận điện giật” khiến cả hai đều “mệt mỏi đầu óc và giống như cục pin hết năng lượng”. Quan điểm nghệ thuật và tính cách của họ đều mâu thuẫn.
Bức “Tĩnh vật với bảng vẽ, tẩu thuốc, hành tây và xi dán”, vẽ năm 1889, hiện đang treo ở Viện bảo tàng Kröller-Muller, Otterlo, Hà Lan.
Cuộc tranh cãi cuối cùng của đôi bạn được cho là đã dẫn tới việc Van Gogh cắt tai trái của mình nhưng thực tế người ta đã tìm ra một nguyên nhân sâu xa hơn. Trong bức tranh trên, chiếc phong bì được đề gửi tới cho Vincent Van Gogh, nét chữ trên chiếc phong bì đặt trên bàn được khắc họa theo chữ viết tay của Theo - em trai Van Gogh.
Địa chỉ người gửi trùng với khu căn hộ mà Theo sinh sống. Dấu bưu điện trên tem đề “Jour de l’an” (nghĩa là Ngày đầu năm) thường được dùng trong bưu điện Pháp vào cuối tháng 12. Ngoài ra còn có một chữ “R” viết tắt của “Recommandé” (thư bảo đảm).
Đây chắc chắn là chiếc phong bì chứa số tiền 100 frăng Pháp - tiền tiêu vặt mà Theo thường gửi tới cho anh trai. Lá thư được gửi đi vào tháng 12 nghĩa là một thời gian ngắn trước khi xảy ra bi kịch tự cắt tai của Van Gogh. Đây cũng là thời điểm ngay sau khi Theo đính hôn.
Tin em trai đính hôn đã thực sự khiến Van Gogh suy sụp vì lo sợ em sẽ không còn quan tâm và giúp đỡ mình nữa, trong khi tình cảm anh em và sự hỗ trợ kinh tế của Theo lại rất quan trọng đối với đời sống tinh thần và vật chất của Van Gogh.
Van Gogh quá nhạy cảm trước mọi chuyện, ông là con người tội nghiệp. Ông từng viết trong một lá thư rằng: “Tranh tôi là tiếng khóc bật ra từ nỗi thống khổ, nó tượng trưng cho lòng biết ơn ẩn sâu trong những bông hoa hướng dương mộc mạc”.
Lòng biết ơn đó chính là tình yêu và lòng kính Chúa mà Van Gogh thầm thể hiện trong tác phẩm của mình. Dù cuộc đời ông bi đát thế nào, Van Gogh vẫn luôn cảm thấy biết ơn.