Khánh thành hai tranh gốm ở Trường Sa

14:44, 13/05/2014

Trước sự chứng khiến của gần 200 đại biểu đến thăm đảo Trường Sa trên tàu HQ 561 và đông đảo sỹ quan, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo, 2 bức tranh gốm đã được ra mắt.

1. Bức tranh do nhóm hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ, Nguyễn Hoàng Tùng, Trịnh Bá Quát và Đỗ Như Điềm thiết kế và thực hiện trong 5 tháng, là một món quà của Hội cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và các đơn vị thành viên (PVFCCo, Vietsovpetro, PTSC, PVEP) gửi tặng đảo Trường Sa, góp phần cổ vũ động viên tinh thần các chiến sĩnơi đầu sóng

 

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thượng tá Phạm Văn Hoà, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa nhấn mạnh: “Hai bức tranh mới này được các chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa vui mừng đón nhận và đánh giá cao. Hai bức tranh tạo thêm nét văn hoá nghệ thuật mới cho đảo Trường Sa, đồng thời như một lời chào mừng đối với các đoàn đại biểu ra thăm đảo. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thị trấn Trường Sa quyết giữ gìn như một biểu tượng tinh thần của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hiện diện hiên ngang giữa quần đảo Trường Sa”.

 

Tại lễ khánh thành, ông Đinh Văn Sơn, đại diện Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tặng bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghép gốm mosaic cho đảo Trường Sa.

 

 

2. Trường Sa - Sức mạnh Việt Nam, gồm 9 nhân vật, đại diện cho các tầng lớp nhân dân với những ngành nghề khác nhau, những lực lượng vũ trang cùng kề vai sát cánh tạo nên một sức mạnh đoàn kết dân tộc, được hun đúc từ tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Trung tâm bức tranh là em bé trai với nụ cười tươi, ôm chim bồ câu trắng tung cánh bay. Hình ảnh tượng trưng cho khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam.

 

Năm 2012, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy (tác giả Con đường gốm sứ Thăng Long - Hà Nội) đã ba lần tới Trường Sa để thực hiện công trình Lá cờ Tổ quốc bằng gốm sứ lớn nhất (rộng 312m2).

Hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ, tác giả ý tưởng của bức tranh chia sẻ: “9 nhân vật với nụ cười tươi, gương mặt ánh mắt rạng ngời niềm tự hào dân tộc dưới lá quốc kỳ Việt Nam đỏ thắm với ngôi sao vàng năm cánh. Bên cạnh họ là tài nguyên biển giàu có, trong đó nổi bật là những dàn khoan dầu khí, cùng các tàu nổi tàu ngầm hiện đại của hải quân. Bảo vệ vững chắc vùng biển vùng trời của Tổ quốc, không chỉ là bảo vệ lãnh thổ mà còn là bảo vệ quyền lợi kinh tế sống còn của đất nước. Nhiệm vụ hết sức thiêng liêng và cao cả không chỉ được đặt lên vai những chiến sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc, mà cả hàng chục triệu người con đất Việt”.

 

Trước đó, để thực hiện bức tranh, Công ty Tân Cảng đã xây bức từng cao 4,8m dài 20m vào tháng Giêng năm nay. Các hoạ sĩ và nhân viên công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã chế tác và gắn tranh gốm tại Hà Nội. Mỗi mét vuông tranh gốm được ghép công phu từ 250.000 viên gốm nhỏ 2x2cm. Tổng cộng hai bức tranh được ghép từ gần một triệu viên gốm nhỏ được nung ở nhiệt độ trên 1200 độ C. Mức nhiệt này tạo nên độ bền vững của bức tranh gốm trong nắng gió biển Đông. Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã chuyển tranh gốm ra đảo Trường Sa theo các chuyến tàu của hải quân và có mặt tại đảo Trường Sa Lớn từ ngày 19/4 để ghép tranh lên hai bức tường bên cầu cảng Trường Sa và hoàn thiện bề mặt.

 

Đến với Trường Sa lần thứ 4, hoạ sĩ Thu Thuỷ chia sẻ: “Mỗi lần trở lại Trường Sa, tôi lại được truyền thêm những cảm hứng sáng tạo mới. Càng yêu Trường Sa, tôi càng yêu đất nước, yêu con người Việt Nam, càng cảm phục những người chiến sĩ đang thầm lặng bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc. Tôi vẫn luôn khát khao được mang những sáng tạo nghệ thuật góp phần vào công cuộc khẳng định và giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

 

Nhân dịp ra Trường Sa lần này, họa sĩ Thu Thủy và Hoàng Tùng đã chỉnh sửa gương mặt, tư thế và trang phục của các nhân vật trong bức tranh cổ động cũ ở đảo cho đẹp hơn, sắc nét hơn, đồng thời thay thế bằng chất liệu gốm sứ để trường tồn với thời gian. Đó là bức tranh cổ động với hàng chữ lớn: Quân dân huyện đảo Trường Sa quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc.