Lễ cấp sắc - một nét đẹp văn hóa của người Dao

17:46, 17/10/2014

Lễ cấp sắc là một nét đẹp văn hóa được đồng bào dân tộc Dao duy trì bền vững từ nhiều đời nay. Đây là một nghi lễ mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, có tính chất giáo dục đối với thế hệ trẻ về cội nguồn quá trình thiên di của người Dao.

Thày Bàn Đức Báo, ở xóm Chiểm, xã Quân Chu (Đại Từ) đã nhiều năm làm thày cúng, trực tiếp tham gia làm nghi lễ cấp sắc cho nhiều người trong vùng. Thày cho biết: Đồng bào dân tộc Dao có quan niệm con người phải biết thờ cúng, biết thực hiện các nghi lễ để cầu xin ma lành, thần linh ban phúc cũng như một số pháp thuật để phòng trừ các loại ma làm hại. Để làm được điều đó, đàn ông người Dao phải được cấp sắc mới có đủ tư cách cầu cúng xin ma lành ban âm binh, pháp thuật để diệt trừ ma ác.

 

Người Dao có nhiều nhóm, gồm: Dao Đỏ, Dao Lô Gang và Dao Quần Chẹt, Dao Tuyển và Dao Họ... Nhưng, dù ở nhóm nào thì người đàn ông cũng đều phải trải qua Lễ cấp sắc mới được cộng đồng làng bản công nhận đã trưởng thành, được tham gia các việc trong làng bản. Trình tự của nghi lễ cấp sắc được thực hiện gồm các bước cơ bản là: Lễ trình diện của người thụ Lễ; Lễ cấp đèn và hạ đèn; Lễ đặt pháp danh; Lễ giao âm binh và gạo nuôi quân; Lễ qua cầu; Lễ cấp dụng cụ cúng bái; Lễ truyền pháp lực; Lễ cúng thần mặt trời. Cúng Bàn Vương là lễ chung cho Lễ cấp sắc ở các cấp bậc 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Trong trường hợp làm Lễ cấp sắc từ 7 đèn trở lên, thì tiếp tục làm các nghi lễ tiếp theo: Lễ tơ hồng; Lễ cúng hồn lúa; Lễ thăm thiên đình và Lễ thăng đàn.

 

Với người dân tộc Dao, trong thời gian làm Lễ cấp sắc là ngày hội của dòng họ và của cả làng bản. Anh Bàn Sinh Đạt, ở xóm Hàng Sơn, thị trấn Quân Chu cho biết: Ngày 25-9 âm lịch (tức ngày 18-10 này), gia đình, dòng họ Bàn sẽ mời thày về làm Lễ cấp sắc cho tôi. Sắp tới ngày hành lễ, tôi rất hồi hộp, vì đây là một ngày trọng đại đối với bản thân mình.

 

Bàn Sinh Đạt sinh năm 1982, đã xây dựng gia đình riêng và có 2 con. Năm nay, 32 tuổi Đạt mới có điều kiện thuận lợi để mời thày về làm Lễ cấp sắc cho mình. Để Lễ cấp sắc diễn ra suôn sẻ, đúng nghi thức, Đạt phải chuẩn bị các đồ lễ cần thiết từ cả tháng trước, như: gạo nếp làm bánh, làm oản; 2 con lợn, 2 chai rượu, 2 con gà lễ, vàng tiền… và không thể thiếu bộ quần áo của người đàn ông dân tộc Dao. Tuy nhiên, ngoài các lễ vật, Đạt còn chuẩn bị thêm lương thực, thực phẩm và vài mươi lít rượu ngon để khao họ mạc, bạn bè và mọi người.

 

Đạt thuộc nhóm người Dao Quần Chẹt. Ở huyện Đại Từ, nhóm Dao Quần Chẹt sinh sống nhiều ở các xã Quân Chu, Hoàng Nông, Phú Xuyên, và chủ yếu mang các dòng họ: Bàn, Triệu, Đặng, Phùng, Dương, Lý, Trịnh… Theo thày Báo: Nhóm Dao Quần Chẹt chỉ cấp sắc cho người đàn ông đã có vợ, có con. Với những người không có vợ, không có con hoặc do điều kiện kinh tế quá nghèo, hoặc do bản thân bị tật nguyền, không thể tham gia nhảy múa khi hành lễ thì không cấp sắc. Với những người khi sống không làm Lễ cấp sắc, sau này con, cháu họ trưởng thành, đủ điều kiện được làm Lễ cấp sắc thì trước tiên phải làm Lễ cấp sắc cho người đã chết.

 

Thày Báo kể: Tháng 11-2013, tôi làm Lễ cấp sắc cho anh Bàn Sinh Việt, xóm Chiểm; ngày 2-11-2014, tôi làm Lễ cấp sắc cho anh Triệu Hồng Tiến, xóm Hòa Bình. Ngày làm Lễ được tính theo lịch âm… Giây lát suy nghĩ, thày Báo cho biết thêm: Tôi đã tham gia làm Lễ cấp sắc cho người trẻ nhất khi đó mới 25 tuổi, nhưng ấn tượng nhất là dịp làm Lễ cấp sắc cho ông Triệu Phúc Thái, xóm Vụ Tây, cùng xã Quân Chu. Tại thời điểm làm Lễ (năm 2012), ông Thái đã gần 70 tuổi. Tuy nhiên, khi làm Lễ cấp sắc thì với người già hay người trẻ đều được tôn trọng như nhau, tức là phải làm đầy đủ các thủ tục, nghi lễ cần thiết.

 

Theo phong tục, người được làm Lễ cấp sắc, trong năm đó gia đình không có tang hoặc gặp điều xui xẻo. Mọi người trong nhà phải kiêng ăn những vật cúng trong Lễ cấp sắc, như: Cơm nếp, thịt lợn, thịt gà… cho tới khi làm lễ xong. Vì nếu ăn các thức ăn này, thần thánh và gia tiên sẽ chê trách là phải ăn của dở, việc thực hành nghi lễ sẽ không còn linh thiêng. Và trước khi làm Lễ, gia đình phải cúng, xin phép gia tiên, thần thánh. Sau Lễ, người thụ lễ nhận người làm Lễ cấp sắc cho mình là cha. Từ nhiều năm nay, nghi lễ cấp sắc trong đồng bào người Dao đã có sự cải biến phù hợp. Bản sắc gốc được gìn giữ, lưu truyền, song cách làm được thực hiện phù hợp hơn với tâm lý, tình cảm của mọi người trong cộng đồng. Trước đây, việc hành lễ được kéo dài 3 ngày 2 đêm; đến nay, việc hành lễ được thực hiện liên tục, chỉ trong 2 ngày, 1 đêm. Trong suốt thời gian diễn ra nghi lễ, từng “hoạt cảnh” linh thiêng, huyền bí được các thày và người được thụ lễ diễn xướng trong tiếng chuông, trống, tiếng kèn đồng, có lúc còn có thêm các đạo cụ như gậy, kiếm, đao… Các thày cúng thay nhau đọc về lịch sử, cội nguồn, quá trình thiên di của người Dao, những khó khăn khi vượt sông, biển tìm về miền đất mới.

 

Bà Kim Thị Thành, cán bộ Phòng Di sản (Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch) cho biết: Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao Thái Nguyên còn giữ được bản sắc gốc, gồm nhiều nghi thức liên quan đến lĩnh vực văn hóa, tinh thần, đó là các lĩnh vực tâm linh, văn học nghệ thuật, tập quán sinh hoạt và giáo dục, tập quán liên kết và giúp đỡ lẫn nhau trong cộng động, kể cả múa, nhạc, hội họa và kiến trúc. Vì thế, Lễ cấp sắc của người Dao tỉnh Thái Nguyên được coi là một di sản văn hóa phi vật thể cần được quan tâm, gìn giữ.