Tắc xình – điệu dân vũ độc đáo

09:40, 07/10/2014

Tắc xình (múa cầu mùa), một nét đẹp văn hóa dân gian độc đáo, đặc sắc được đồng bào người dân tộc Sán Chay, xóm Đồng Tâm (Phú Lương) gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Vũ điệu như hơi ấm của ngọn lửa lòng thổi bừng nơi rừng núi hoang sơ, và hồn nhiên bước vào cộng đồng nghệ thuật thông qua những nghệ nhân chân lấm tay bùn. Ngày 25-8-2014, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã có Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL, công nhận vũ điệu Tắc xình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tháng Mười, dưới tiết Thu ấm nắng, những cánh đồng: Ao Mon, Cà Thế, Khe Si, Ông Mót… của xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh (Phú Lương) lúa vàng rộm khoe bông. Bên các triền núi: Cắm Mốc, núi Cao, núi Đình… tiếng chim ríu ran gọi bạn. Từ những ngõ nhỏ trong xóm, bước chân người hối hả cùng tiếng í ới thúc giục - Mùa gặt về.

 

Từ chân ruộng đâu đó, tiếng đập lúa: Phụp phụp phum đều đặn vọng lại, gợi không khí phấn chấn của người nông dân sau một năm cấy trồng được trời cho mưa thuận, gió hòa, con người mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Anh Vũ Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tôi là người xóm Đồng Tâm. Người Sán Chay Đồng Tâm tự hào có dân vũ Tắc xình (múa cầu mùa). Điệu múa được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành một nét đẹp văn hóa mang bản sắc riêng, không bị lai căng, pha tạp với các dân tộc khác, lại càng không bị ảnh hưởng của dòng nhạc hiện đại.

 

Đồng chí Trần Văn Hải, Bí thư chi bộ xóm Đồng Tâm tự hào: Kể từ ngày lập làng (năm 1926), 7 gia đình mang các dòng họ: Hầu, Trần, Lý, Bế bên xã Khe Mo (Đồng Hỷ) chạy loạn về khai khẩn ruộng, nương tra hạt mố, lấy tên làng là Đồng Báng. Sau năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công, tên làng được đổi thành Đồng Tâm. Cùng thời gian, các dòng họ sinh sôi, đông con, nhiều cháu, làng xóm rộng dần… nhưng dân vũ Tắc xình và câu ví Xình ca luôn là hồn cốt của người Sán Chay. Đến nay, xóm Đồng Tâm có 147 hộ, người dân tộc Sán Chay chiếm 95%. Thu nhập của người dân chủ yếu trông vào việc trồng cấy lúa, ngô và chăn nuôi gà, lợn. Hiện trong xóm chỉ còn 8 hộ nghèo và Đồng Tâm đã vinh dự được đón nhận Bằng: “Làng Văn hóa” cấp huyện và cấp tỉnh.

 

Bên bàn trà ở gian chính giữa của nhà Trưởng xóm, ông Hầu Văn Nhân, chúng tôi thấy ngay bên kia đường là cánh đồng lúa ngả vàng. Xa hơn chút nữa là ngôi nhà sàn chắc chắn do bà con dựng lên từ năm 2007 làm nơi sinh hoạt chung. Vui nhất là những buổi bà con tổ chức nhảy Tắc xình và ví Xình ca. Từng bước nhảy, lời hát được thực hiện trên nền nhạc mang đậm hơi thở của núi rừng. Trong số các già làng ở Đồng Tâm, cụ Hầu Thái Vinh và cụ Hầu Văn Đạo là người thông hiểu âm luật, vũ điệu và lời ví Sình ca hơn cả. Qua những cuốn sách bằng chữ Nho của gia tiên để lại, các cụ đã dày công dịch lại từng câu ví, điệu múa, chép vào vở viết, rồi truyền dạy lại cho người cháu ruột là Hầu Thanh Tĩnh và cháu dâu là Trần Thị Thắng.

 

Sau nhiều năm gần như bị lãng quên, giai điệu: Tắc, tắc, xình… bắt đầu được phục dựng, tôn tạo lại đúng bản sắc gốc. Ông Tĩnh nhớ lại: Đó là vào đầu năm 1996, trước ngôi nhà sàn của gia đình đào, mận vừa độ khoe sắc, chè bắt đầu nảy chồi non, lúa ngoài đồng vào kỳ bén rễ, rừng chò trước nhà hồi xanh sau tháng ngày Đông giá, đám con trai là Trần Văn Sáng, Hầu Văn Huy… đám con gái là Trần Thị Lịch, Trần Thị Vàng bẽn lẽn đến nhà học Xình ca và nhảy Tắc xình. Thấy nhà ông Tĩnh vui như hội, người già, em nhỏ trong xóm đến xem, rồi máy môi học theo. Qua những mùa lúa chín, đến nay người xóm Đồng Tâm hầu như ai cũng biết hát ví và nhảy Tắc xình.

 

Từ ngoài cửa, ông Trần Văn Nhần cất câu ví thay lời chào.

“Nình dầu mần làng làng pao chăn

Lang sì thin ca thìn ốc nhăn”

Tạm dịch: “Em muốn hỏi anh anh nói thật

Anh là thiên nga hay người trời”

 

“Vù tàu sính sìn hồng hình tàu

Tông slằm tí lươợc mòi trừng slằm”

Tạm dịch: Em có hỏi thì anh trả lời thật

Anh không phải người trời, anh chỉ là người làng”

 

Hát xong, ông lấy trong túi áo ra cuốn sổ tay, trong đó có chép lại 364 câu ví. Ông Nhần cho biết: Lớp cao tuổi ở xóm thuộc nhiều câu ví và am hiểu vũ điệu Tắc xình gồm có tôi (Nhần), Hầu Văn In, Trần Văn Định, Nịnh Thị Thậm… Đặc biệt có cụ Trạc Thị Căm, năm nay 90 tuổi nhưng thỉnh thoảng vẫn cất câu ví.  

 

Ví Sình ca thường được cất lên ở hội làng, lúc trai - gái “say đắm” sau vũ điệu Tắc xình. Lối hát ví Xình ca cũng như như người Bắc Ninh hát quan họ. Nhưng quan họ day dứt lời hò hẹn vì liền anh, liền chị không lấy được nhau. Còn Xình ca và dân vũ Tắc xình cho trai - gái nên duyên. Chuyện cụ Hầu Văn Toòng ngày còn trai trẻ đi bộ mất ngày đường mới đến xóm Đồng Dong (La Hiên, Võ Nhai), hát ví  liền mấy đêm và đã tìm được bạn đời là cụ Dương Thị Hòa. Dạo đó, tiếng hát của anh Toòng đã làm chị Hòa mê mẩn, mang quần áo theo về Đồng Tâm làm vợ anh Toòng. Sau đó 2 gia đình mới làm thủ tục cưới hỏi cho 2 người theo phong tục.

 

Sau mỗi mùa thu hoạch, bà con lại rủ nhau đào đất làm trống, nhảy Tắc xình. Ông Trần Đức Nguyên, một trong những người thuộc nhiều lời Xình ca của xóm giải thích: Sau khi gặt xong lúa, ruộng chỉ còn trơ lại gốc rạ, ở một góc ruộng, cái hố được đào giống như hình chiếc chum, trên miệng hố bịt lại bằng vỏ cây trẹo (loại cây vỏ dai), sau đó dùng 1 sợi dây rừng (cây thau thăng) căng trên mặt. Khi gõ vào sợi dây, âm thanh sẽ được tạo ra: Trống lớn, trống nhỏ, trống nứa (náy trooc); quả chuông, chiêng, chập xeng (sắm sẹ); nhạc cụ hơi, gồm: Kèn tổ sâu làm bằng lá cây; kèn Pó lè. Tùy thuộc vào số người tham gia nhảy Tắc xình để làm trống lớn hay trống nhỏ, song ít nhất phải có từ 3 đôi trở lên, và càng nhiều đôi tham gia càng vui.

 

Theo ông Hầu Văn Nhân: Vào ngày 2-2 âm lịch, người dân xóm Đồng Tâm sắp lễ lên đình, miếu ở rừng chò để tạ ơn trời - đất, tạ ơn thần linh đã cho mưa gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi, bản làng no ấm và cầu khẩn sự che chở trong vụ tiếp theo. Sau nghi lễ, mọi người tham gia hát ví và nhảy múa Tắc xình. Đó là vũ điệu thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất - trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau. Điệu múa thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động. Trong nghi lễ cầu mùa, múa Tắc xình gồm 9 điệu cơ bản: Thăm đường; Lập làng; Bắt quyết; Đánh, mài dao; Phát nương, dọn rẫy; Tra mố; Hái lượm; Mừng mùa vụ và điệu Chim câu. Theo nhịp trống: Tắc thì dơ chân lên, xình thì hạ chân xuống. Giản đơn như vậy, nhưng cũng phải để tâm học nhiều ngày mới có thể thuần thục các động tác múa Tắc xình.

 

Tiếng trống đất của đồng bào người dân tộc Sán Chay mang 2 âm điệu cơ bản là: Tắc và xình. Tắc (thanh cao) và xình (thanh trầm). Trải qua nhiều thế hệ, từ 2 âm thanh Tắc và xình được đồng bào biến hóa linh hoạt, tạo ra những nhịp điệu vui nhộn. Và trong âm hưởng của tiếng trống còn hội tụ đầy đủ những âm, dương, ngũ hành (kim, mộc, thổ, thủy, hoả). Ở một góc độ khác, tiếng trống và vũ điệu Tắc xình biểu trưng sự phồn thực, âm dương giao hòa. Khi tiếng trống cất lên, ai nấy cảm nhận như có một luồng sinh khí, hối thúc vào cuộc. Âm hưởng tiếng trống đất của đồng bào Sán Chay ở Đồng Tâm đã không dừng lại ở một vùng sơn dã, mà vượt cánh rừng chò, ra huyện, lên tỉnh và hội nhập nền văn hóa thế giới.

 

Sự hấp dẫn của vũ điệu Tắc xình đã hút hồn những người đam mê sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể. Từ năm 1996, ông Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Lương đã cùng những cộng sự của mình tìm đến nhà nghệ nhân Vi Văn Cài; nghệ nhân Trần Văn Thảo, xóm Pháng 3, xã Phú Đô. Qua 2 nghệ nhân xóm Pháng, ông Sơn lần đường tìm về xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh để gặp nghệ nhân Hầu Văn Đạo, Hầu Văn Tĩnh để khảo sát, thu thập các nét cơ bản của múa Tắc xình. Khi đã có trong tay những tài liệu quý về dân ca, dân vũ Tắc xình, ông Sơn không quản thời gian, kể cả ngày nghỉ cuối tuần, thậm chí có buổi trời rét như cắn vào da thịt, ông về Đồng Tâm, đến nhà các nghệ nhân, ngồi hong tay bên bếp lửa nhà sàn, trò chuyện, ghi chép, nảy vần, gõ nhịp rồi cùng bà con xóm Đồng Tâm đến rừng chò, vào đình, đền dâng lễ, xin phép thành hoàng, tổ tiên người Sán Chay được phục dựng, hoàn chỉnh lại các động tác của điệu múa. Chừng 3 tháng, “bước nhảy” nhuần nhuyễn, người Đồng Tâm mạnh dạn mang “trình làng” nhân các hoạt động văn nghệ quần chúng của tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn). Ngay lần đầu lên sàn diễn, vũ điệu Tắc xình mang hơi thở hồn nhiên của rừng xanh đã tạo được một ấn tượng lạ, hấp dẫn đối với giới chuyên môn và đông đảo công chúng.

 

Không dừng lại ở hội diễn trong tỉnh, năm 1998, người Đồng Tâm mang vũ điệu rừng xanh của dân tộc mình tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông - Bắc tại Lạng Sơn; năm 2005, vũ điệu có mặt tại Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam và tham gia giao lưu văn hóa Việt Nam- Thụy Điển; năm 2008, vũ điệu được trình diễn tại Khai mạc liên hoan dân ca toàn quốc; năm 2013, vũ điệu tham gia Liên hoan Dân ca - Dân vũ Việt Nam tại Hà Nội, được Ban tổ chức trao giải A.

 

Chuyện nhảy Tắc xình và hát ví Xình ca của bà con Đồng Tâm dành cho chúng tôi chảy dài như dòng suối Cái qua xóm. Tay vuốt chòm râu bạc, ông Trần Đức Nguyên nảy câu ví:

“Nhịt thau lậc lềnh nhịt thau tạy

Trí trạu kít mụng cú làng thạy

Dín tháng làng là mò sú lình

Lang là sú lình sí làng xày

Tạm dịch: “Mặt trời xuống núi mặt trời thấp

Con nhện chăng tơ qua cầu thang nhà anh

Oán thán mẹ anh không lấy em

Mẹ anh lấy em thì em cũng là vợ anh”.

 

Hát xong, ông thả lời: Ở xóm Đồng Tâm, người già, em nhỏ đều biết ví Xình ca và nhảy Tắc xình. Để quảng bá nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình, Đội văn nghệ của xóm đã thường xuyên luyện tập, đi biểu diễn giao lưu với các địa phương khác và tham gia hội diễn của tỉnh, khu vực và toàn quốc. Đi đến đâu, Tắc xình và ví Xình ca cũng được người xem cổ vũ nồng nhiệt. Đó là phần thưởng lớn nhất đối với người Sán Chay Đồng Tâm rồi.