Nhớ nhạc sĩ Hoàng Tạo và “Tên lửa về bên sông Đà”

08:15, 18/12/2014

Trong những năm chống Mỹ, nhạc sĩ Hoàng Tạo hay đến chơi với chúng tôi ở Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Thời đó có phong trào kết nghĩa Bắc Nam – một tỉnh miền Bắc kết nghĩa với một tỉnh ở miền Nam. Không hẹn mà nên, chúng tôi đều là hai người con của hai tỉnh kết nghĩa (Hoàng Tạo quê Quảng Ngãi, tôi quê Nghệ An).

Chúng tôi thân nhau, khi thì hát, khi thì kể chuyện quê hương cho nhau nghe. Tôi cũng đôi lần được mời làm giám khảo các cuộc hội diễn văn nghệ. Những lần đó lại được ngồi cùng Hoàng Tạo để chấm thi.

 

Nhớ nhất là năm 1985, chúng tôi cùng với nhạc sĩ Hoàng Kiều (bố của nữ nhạc sĩ Giáng Son) đi tàu hỏa vào Đông Hà, Quảng Trị để dự liên hoan “Đàn và hát Dân ca toàn quốc” - khu vực Miền Trung. Các buổi tối chấm thi xong, chúng tôi cùng nhau dạo cảnh đêm Đông Hà mà ngắm trăng, mà trò chuyện…

 

Năm 1953, Hoàng Tạo tham gia cách mạng khi vừa tròn 18 tuổi. Một năm sau đó, ông tập kết ra Bắc đi học sĩ quan tài chính. Tuy nhiên, lòng đam mê và năng khiếu âm nhạc đã đưa ông sang một lối rẽ khác, đó là con đường của một nhạc sĩ sang tác. Hoàng Tạo được quân chủng Phòng không - Không quân cử đi đào tạo tại trường nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và từ đó, anh trở thành cán bộ sáng tác của Đoàn Nghệ thuật Quân chủng Phòng không – Không quân (1965 – 1976).

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hoàng Tạo không quản gian khổ, bom đạn, sát cánh với lính canh trời để sáng tác. Trong những ngày đầu chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên chiến trường Hàm Rồng (Thanh Hóa), Hoàng Tạo bám sát trận địa nhiều ngày để sau đó có các ca khúc “Pháo thủ Hàm Rồng” và “Tôi trở thành chiến sĩ pháo”. Được chứng kiến lực lượng tên lửa ra quân đánh thắng trận đầu, ông cho ra đời ca khúc “Tên lửa về bên sông Đà”:

 

Đêm nay ta về bên sông Đà rừng phấp phới nở hoa

Gió vẫy lá rung bánh xe xích sắt

Nơi đây ta lập chiến công đầu người chiến sĩ tên lửa

Ta yêu sao ngàn xanh sông Đà chiều nắng ánh qua lá

Suối róc rách quanh lán vui chiến sĩ đón dân quân

Con sông sâu từng nổi sóng dậy vùi xác máy bay Mỹ

Đã tắm mát chúng ta qua gian lao mà đánh thắng thù

 

Sau khi Đài TNVN truyền ca khúc này đi trên sóng thì đã có rất nhiều thư gửi về đề nghị được nghe lại.

 

 Hình ảnh các chiến sĩ cứ hiện dần lên rõ nét trong mỗi tác phẩm của Hoàng Tạo. Từ “Bầu trời yêu thương”, “Tên lửa về bên sông Đà”, “Khúc ca mùa thu Thông tin”… đến “Quần đảo đồng đội”, “Mưa trên chốt”, “Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện”… Những hình ảnh quen thuộc ấy đã được đồng đội hát vang trong các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng của toàn quân.

 

Ngoài ra, Hoàng Tạo còn viết về tình yêu quê hương đất nước như “Bình Sơn yêu thương”, “Tằm ơi, tằm ở”, “Em ca Sơn La”, “Tuổi xuân Mộc Châu”… Đặc biệt, ca khúc “Đưa anh đi lấy măng rừng” là tác phẩm được công chúng yêu thích.

 

Trường Sơn khi nắng khi mưa rừng

Hành quân qua đây anh nghỉ lại

Cơm nước có bếp em sẵn đây

Các anh ưa thích món ăn măng

Em đưa đi hái cái măng non

Chúng em theo dấu cây măng mọc

Đưa anh đi hái cái măng rừng

 

Ngoài ca khúc là thế mạnh của Hoàng Tạo, ông còn viết các tiểu phẩm riêng cho Piano, bản Sonate viết cho Violoncelle và Piano. Hoàng Tạo còn đảm nhiệm phần âm nhạc cho các tiết mục múa của đơn vị mình. Các giọng hát Bích Lan, Bích Việt, Thanh Hòa, Lệ Thủy … cùng tốp ca nam nữ và dàn nhạc đã chắp cánh cho các tác phẩm của ông.

 

Là cán bộ của Phòng Văn nghệ, Cục Chính Trị Bộ tư lệnh Phòng không – không quân, Hoàng Tạo kể: “Tôi có nhiều chuyến đi thực tế chiến đấu tại các đơn vị không quân, tên lửa, cao xạ. Kỷ niệm nhớ nhất của tôi là lần đầu gặp mẹ sau 21 năm xa cách. Đó là vào mùa xuân năm 1975, đoàn nghệ sĩ của Quân chủng được lệnh hành quân cấp tốc vào miền Nam, theo bước chân của quân giải phóng. Khi đi qua tỉnh Quảng Ngãi, tôi muốn ghé thăm nhà, liền xin phép cả đoàn cho về thăm mẹ.

 

Ngôi nhà gỗ của mẹ ẩn dưới những tán dừa xanh, xung quanh còn bao bọc bởi chuối, xoài và mít. Vừa vào đến sân, tôi đứng sựng lại, từ trong nhà, một cụ già gầy gò bước ra hỏi: “Ai đấy?”. Tôi trả lời: “Má ơi, con Tạo đây mà!”. Tôi ôm chầm lấy mẹ. Mẹ nghẹn ngào, ôm chặt con trai vào lòng mà khóc, giữa lúc bà con lối xóm kéo đến mỗi lúc một đông và xúc động trước cảnh sau 21 năm, mẹ mới được gặp con nơi quê nhà. Bởi tôi là con trai độc nhất, ba tôi lại mất từ khi tôi còn nhỏ… Sau hơn hai giờ gặp mẹ, tôi lại xin phép lên đường, hẹn gặp lại mẹ và bà con quê hương sau khi Sài Gòn giải phóng”.

 

Âm nhạc và lời ca của Hoàng Tạo nhiều khi gập ghềnh, khúc khuỷu, nét giai điệu không bao giờ bằng phẳng, có những quãng nhảy khá xa, nhưng lại rất trữ tình tha thiết. Ông mang tinh thần ấy vào cả trong Dân ca và nhạc cổ truyền. Lúc viết xong ca cảnh chèo “Kỷ niệm lên chùa”, ông đem đến cho chúng tôi đề nghị được sử dụng. Sau khi đọc kịch bản và hát cho ông Phạm Tuân (Trưởng Ban Văn nghệ Đài TNVN) nghe, ông Tuân không đồng ý, vì nghe Chèo mới quá. Hoàng Tạo vui vẻ dành thời gian sửa chữa lại để “ai nghe cũng biết đó là hát Chèo”. Ông Phạm Tuân duyệt luôn sau khi đã sửa và cho thu thanh. Ca cảnh này cũng chiếm được cảm tình của thính giả sau khi phát sóng.

 

Hoàng Tạo định dàn dựng để phát trên truyền hình, nhưng không thực hiện được vì anh ốm nặng. Qua “Kỷ niệm lên chùa”, tôi học thêm ở ông tính kiên trì cầu thị, biết lắng nghe tiếp thụ để sửa chữa tác phẩm của mình từ bạn bè đồng nghiệp.

 

Một lần khác, chúng tôi cùng lên nhà sáng tác Đại Lải (Vĩnh Phúc) để viết về “Kế hoạch hóa gia đình” do Đài TNVN tổ chức. Chỉ sau một ngày, Hoàng Tạo đã có ngay bài hát “Lời khẩn cầu của trái tim”. Mấy anh em nhà Đài xúm lại hát, tôi mở máy thu thanh luôn. Thu xong nghe lại, Hoàng Tạo phát hiện vài chỗ chưa ưng ý, ông liền ngồi sửa “tại trận” và tôi tiếp tục thu thanh lại. Đợt ấy Hoàng Tạo sáng tác 3 bài, càng khẳng định thêm tài năng của một nhạc sĩ quân đội “từ nhân dân mà ra”.

 

Năm 1992, ông báo tin cho tôi biết là đã nghỉ hưu và chuyển vào sống ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Năm 2004, tôi hay tin Hoàng Tạo không còn nữa.

 

Nhạc sĩ Hoàng Tạo đã đi xa, song những tác phẩm âm nhạc của ông được người đời nhớ mãi, nhất là đối với những người lính canh giữ bầu trời của Tổ quốc thân yêu. Năm 2007, nhạc sĩ Hoàng Tạo được truy tặng “Giải thưởng Nhà nước” với chùm tác phẩm “Đưa anh đi hái măng rừng”, “Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện”, “Em ca Sơn La”, “Những mùa bay đôi”…/.