Hàng năm, vào mùa hè nước sông Nile lại dâng cao, tràn bờ và đem phù sa cho đồng bằng quanh sông. Chính cơn lũ thường niên này giúp đất đai màu mỡ cho người dân trồng trọt, tạo cơ sở cho nền văn minh tồn tại.
Từ thời cổ, người Ai Cập đã sống dựa vào những cơn lũ của sông Nile, nhưng chúng rất khó đoán biết. Nếu nước dâng quá cao, mùa màng và các cơ sở hạ tầng xây dựng trên đồng bằng sẽ bị cuốn trôi. Nếu nước không lên, hạn hán và nạn đói sẽ xảy ra.
Cơn lũ cũng có vai trò quan trọng trong chính trị và chính sách trị vì, do sản lượng mùa màng sẽ quyết định mức thuế của dân chúng. Người Ai Cập bắt đầu đo mực nước sông Nile để dự đoán mùa màng.
Ban đầu, đó chỉ là những vết khắc trên vách đá cạnh bờ sông, sau đó cầu thang, cột, giếng và các công trình khác được xây dựng. Thầy tế có nhiệm vụ theo dõi, ghi chép mực nước hàng ngày và thông báo về cơn lũ mùa hè.
Khả năng dự đoán cường độ lũ trở thành một trong những bí ẩn của thầy tế Ai Cập cổ. Những thước đo đơn giản nhất là cột thẳng cắm xuống sông, với các vết khắc thể hiện độ sâu của nước. Sau đó cột được đặt trong các công trình phức tạp và lộng lẫy hơn, như trên đảo Rhoda ở trung tâm Cairo.
Một thước đo quan trọng khác nằm trên đảo Elephantine ở Aswan, có cầu thang dẫn xuống mặt nước và các dấu khắc mực nước trên tường. Elephantine nằm ở biên giới phía nam của Ai Cập, nơi đầu tiên nhận biết được các dấu hiệu của cơn lũ. Thiết kế phức tạp nhất gồm một con kênh hay lạch dẫn nước từ sông vào một giếng hoặc bể nước.
Những thước đo này thường nằm trong một ngôi đền, nơi chỉ các thầy tế và hoàng gia được phép vào. Một ví dụ điển hình của kiểu thiết kế này là ở đền Kom Ombo, phía bắc Aswan. Các thước đo của người Ai Cập cổ vẫn còn được sử dụng tới thế kỷ 20, cho tới khi đập Aswan được xây dựng, chấm dứt cơn lũ thường niên của sông Nile./.