Đúng vào những ngày trời thu, hai con đường lãng mạn nhất Hà Nội đã được gắn biển mang tên hai nhạc sĩ từng có những tác phẩm để đời về Hà Nội, đặc biệt là Hà Nội mùa thu. Đó là đường Nguyễn Đình Thi và đường Trịnh Công Sơn, nằm trên địa bàn quận Tây Hồ.
Lễ gắn biển tên đường được thành phố Hà Nội, quận Tây Hồ tổ chức trang trọng sáng 26-8 tại hai địa điểm: vườn hoa Lý Tự Trọng trên đường Mai Xuân Thưởng, nơi bắt đầu của đường Nguyễn Đình Thi, và Nhà văn hóa phường Nhật Tân, nằm sát đầm sen Hồ Tây, nơi con đường Trịnh Công Sơn đi qua.
Rất nhiều văn nghệ sĩ, ca sĩ, bạn bè, người thân, gia đình của hai nhạc sĩ đã có mặt tại lễ gắn biển tên đường. Em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – đã bay từ Mỹ về dự lễ. Cũng rất nhiều người hâm mộ, khán giả, những người yêu mến hai nhạc sĩ, đã dừng chân tại nơi tổ chức lễ gắn biển, vừa để lắng nghe những ca khúc của hai ông được hát lên giữa không gian Hồ Tây mùa thu lãng mạn, vừa để ngắm nhìn những con đường mang tên hai ông.
Đường Nguyễn Đình Thi dài 2.200m, chạy vòng quanh Hồ Tây, nối từ vườn hoa Lý Tự Trọng đến ngã ba giao cắt Trích Sài, đối diện nhà số 2. Còn đường Trịnh Công Sơn dài 900m, nối từ ngõ 612 Lạc Long Quân (cổng công viên nước Hồ Tây), đi qua đầm sen, chạy vòng hồ ra dốc đê đường Âu Cơ, cạnh trường THPT Phan Chu Trinh.
Tại lễ gắn biển tên đường, nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam nhấn mạnh: “Việc đặt tên đường cho hai nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi và Trịnh Công Sơn là một việc làm hình tượng hóa, vĩnh cửu hóa những gì hai ông đã cống hiến…”
Có mặt tại lễ đặt tên đường, ca sĩ Tùng Dương chia sẻ: “Hai nhạc sĩ đều là những người đã cống hiến rất nhiều cho nền âm nhạc Việt Nam, được nhiều người ngưỡng vọng, yêu mến. Cả hai nhạc sĩ đều là những bậc cha chú mà tôi rất mực yêu mến, và ngày hôm nay tôi có mặt ở đây để chứng kiến một sự ra mắt rất ý nghĩa. Trên thế giới cũng từng có nhiều nhạc sĩ, thậm chí cả ca sĩ nữa được đặt tên cho đường phố bởi vì những gì họ đã làm được cho xã hội, cho cộng đồng. Tôi cũng mơ mộng rằng sau này mình sẽ được nối gót các ông, để lại cho đời không chỉ lời ca tiếng hát mà cả những điều thiết thực như thế này. Nhạc sĩ, ca sĩ hay nhà khoa học, làm ngành nghề nào nhưng có những cống hiến cho xã hội đều xứng đáng được ghi nhận”.
Tùng Dương hát "Nhớ mùa thu Hà Nội" trong tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn trên con đường mang tên tác giả.
Lễ gắn biển tên đường Trịnh Công Sơn diễn ra sát đầm sen Hồ Tây, đầy ắp không khí ấm cúng, gần gũi khi rất nhiều bạn bè, người thân của nhạc sĩ tề tựu. Trong tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, Tùng Dương đã thể hiện rất phiêu ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đã không thể giấu được sự xúc động. Bà chia sẻ: “Gia đình chúng tôi vô cùng cảm kích tấm lòng của người Hà Nội dành cho anh trai tôi, một tình cảm rất đặc biệt. Tôi nghĩ rằng, với bài hát “Mùa thu Hà Nội”, con đường này vô cùng phù hợp với anh trai tôi. Anh Sơn là người ra Hà Nội nhiều lần và rất yêu Hà Nội. Không có gì tả được cảm giác hạnh phúc của tôi lúc này khi đi giữa con đường mang tên anh mình giữa mùa thu”.
Như vậy, sau Huế, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, Hà Nội là thành phố thứ 4 đặt tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho đường phố. Tuy nhiên, theo ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, đường Trịnh Công Sơn tại quận 9, TP Hồ Chí Minh nằm trong một khu đất gần như thuộc về tư nhân, cho nên mỗi khi người quen, bạn bè của gia đình nhạc sĩ muốn qua tham quan con đường thì phải xin phép rất khó khăn, điều này không phù hợp với tính cách gần gũi với mọi người của nhạc sĩ”.
Về con đường Trịnh Công Sơn ở Hà Nội, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh chia sẻ: “Điều đặc biệt nhất ở đây là con đường có những màu sắc trong bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” của anh tôi, đó là hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi”.