Ðàn bầu - "đại sứ âm nhạc" độc đáo của Việt Nam

07:44, 29/11/2016

Ðàn bầu là một trong những nhạc cụ tiêu biểu nhất của kho tàng nhạc cụ dân tộc Việt Nam, có xuất xứ lâu đời từ dân gian, được nhiều thế hệ nghệ sĩ dày công cải tiến. Ðến nay, đàn bầu không chỉ độc tấu mà có thể hòa tấu cùng nhiều nhạc cụ khác, trình diễn trên sân khấu lớn; tiếp tục lan tỏa giá trị trong đời sống văn hóa nước nhà, được nhiều bạn bè quốc tế biết đến và hâm mộ.

Trong số các nhạc cụ dân tộc ở Việt Nam, đàn bầu là nhạc cụ thu hút sự chú ý, quan tâm của nhiều nhạc sĩ sáng tác và những người nghiên cứu, cải tiến nhạc cụ. Trong các chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam phục vụ du khách quốc tế, khách ngoại giao hoặc các sự kiện lớn trong nước cũng như chương trình của các nhóm, đoàn đi biểu diễn ở nước ngoài, luôn có tiết mục đàn bầu. Tiếng đàn bầu đã gợi lên tình cảm sâu thẳm trong tâm hồn con người bằng những âm thanh thánh thót, dạt dào, sâu lắng. Khi xa quê, nghe một tiếng đàn bầu, chúng ta như được về với quê hương; với bờ tre, gốc lúa, dòng sông, bến nước, con đò,…

 

PGS, TS Nguyễn Bình Ðịnh, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam phân tích: "Trong số các đàn một dây trên thế giới, đàn bầu Việt Nam được đánh giá là độc đáo bởi là loại đàn duy nhất phát ra âm bồi; chỉ có một dây, không có phím bấm nhưng có thể chơi được tất cả các độ cao; có khả năng trình diễn các kỹ thuật rung, nhấn, nhất là các dạng luyến láy, tô điểm âm khác nhau nên rất phù hợp với giai điệu âm nhạc của Việt Nam. Do sử dụng kỹ thuật uốn vòi đàn, tạo ra sự căng chùng khác nhau của dây đàn, nên đàn bầu là nhạc cụ duy nhất trên thế giới với một lần kích âm có thể cho một âm cơ bản và các âm khác có độ cao hoặc thấp hơn hẳn âm cơ bản ấy".

 

Cùng với thời gian, cây đàn bầu luôn được cải tiến, qua sự nghiên cứu, tìm tòi của nhiều nghệ sĩ. Thuở ban đầu, đàn chỉ đơn giản làm từ một ống bương hoặc vầu, mai; ngựa đàn là mảnh sành, sứ hoặc một miếng gỗ cứng; vòi đàn là một que tre dài; dây đàn làm bằng dây móc, gai, tơ; bầu đàn bằng vỏ quả bầu nậm khô hoặc vỏ gáo dừa khô. Ðến nay, đã có những thay đổi với thân đàn làm bằng gỗ tiện theo hình quả bầu nậm; dây đàn bằng hợp kim… Việc áp dụng khoa học công nghệ giúp âm thanh được phóng to, tiếng đàn còn có thể ngân được độ dài gấp nhiều lần trước đây. Ðàn bầu có thể biểu diễn trên sân khấu lớn, với tất cả các loại nhạc cụ của dàn nhạc dân tộc, bộ gõ, dàn nhạc điện tử, dàn nhạc giao hưởng. Ðiều này đã giúp các nhạc sĩ thuận lợi hơn trong việc sáng tác cho đàn bầu.

 

Những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, các tác phẩm viết cho đàn bầu đã nở rộ và trở thành kinh điển như: Nhớ miền Nam (Nguyễn Xuân Khoát), Dòng kênh trong (Hoàng Ðạo), Vì miền Nam (Huy Thục), Một dạ sắt son (Văn Thắng), Cung đàn đất nước (Xuân Khải), Trông cây lại nhớ đến Người (Ðỗ Nhuận), Hà Nội - Huế - Sài Gòn (Hoàng Vân), Vũ Khúc Tây Nguyên (Ðức Nhuận)… Nhiều nghệ sĩ đàn bầu thành danh được công chúng mến mộ, được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT như: Mạnh Thắng, Xuân Ba, Hồ Khắc Chí, Thanh Tâm, Ðức Nhuận, Nguyễn Tiến, Ðoàn Anh Tuấn, Hoàng Anh Tú…

 

Ngay từ năm 1956, đàn bầu đã được đưa vào giảng dạy chính quy tại Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (Học viện). Từ đây đã dần hình thành hệ thống các trường âm nhạc chuyên nghiệp trong cả nước tạo điều kiện cho âm nhạc truyền thống, nhất là đàn bầu, ngày càng phát triển mạnh mẽ, có vị trí xứng đáng. Việc đưa cây đàn có nguồn gốc dân gian, khởi đầu từ những người hát xẩm vào một cơ sở đào tạo chính quy, cho thấy tầm nhìn của công tác quản lý văn hóa và giá trị rất lớn của bản thân cây đàn. Từ đây, nhu cầu học hỏi để hiểu và biểu diễn ngày càng mở ra hướng phát triển mới cho đàn bầu. Nhiều học sinh nước ngoài cũng đến xin học đàn bầu tại Học viện.

 

Năm 1978, Nhạc hội đàn bầu lần thứ nhất và Hội thảo đàn bầu do Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức được đông đảo nghệ nhân, nghệ sĩ nhiều lứa tuổi tham gia. Tháng 12-2014, Câu lạc bộ "Nghệ thuật đàn bầu Việt Nam" ra đời, phối hợp Học viện tổ chức Nhạc hội đàn bầu năm 2014-2015, quy tụ được nhiều nghệ sĩ đàn bầu chuyên nghiệp và không chuyên trong và ngoài nước tham dự. Là người phục chế cây đàn bầu mộc đầu tiên từ năm 1990, mấy năm gần đây, NSND Xuân Hoạch đưa đàn bầu trở lại biểu diễn tại chiếu xẩm Hà thành ngay phố cổ, được khán giả Thủ đô và du khách hưởng ứng.

 

Cuối tháng 10 vừa qua, Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Ðàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam"; tiếp tục khẳng định nguồn gốc, vị trí cây đàn trong đời sống âm nhạc, xã hội của nước nhà. NSND Thanh Tâm kiến nghị: Ðã đến lúc chúng ta phải nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị công nhận cây đàn bầu của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bởi: Thứ nhất, đàn bầu là nhạc cụ của người Việt Nam, có mặt và có vị thế trong đời sống xã hội Việt Nam; có gốc gác, lai lịch, truyền thống từ các truyền thuyết, giai thoại dân gian.

 

Thứ hai, đàn bầu trong đời sống đương đại có giá trị vững chắc, được thừa nhận và đưa vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp như một nhạc cụ dân tộc không thể thiếu trong một thế kỷ qua.

 

Thứ ba, đàn bầu có mặt ở nhiều dàn nhạc, nhà hát trong khắp cả nước và luôn có vị trí riêng. Thứ tư, đàn bầu với tư cách là một giá trị văn hóa Việt Nam thường xuyên được giới thiệu ở nước ngoài như một "Ðại sứ âm nhạc"; trên thực tế, nhiều người nước ngoài yêu quý Việt Nam cũng từ tiếng đàn bầu. Thứ năm, với sự diễn tấu độc đáo của mình, cây đàn bầu Việt Nam đủ tư cách đóng góp cho sự phong phú của nhạc cụ thế giới. Thứ sáu, công nhận cây đàn bầu với giá trị văn hóa độc lập là để có kế hoạch, cách thức bảo tồn các giá trị cổ điển của cây đàn; đồng thời hòa nhập vào dòng chảy của đời sống âm nhạc đương đại.