Đã có rất nhiều sử liệu nói về Dương Tự Minh, vị thủ lĩnh Phú Lương có công lớn trong việc đoàn kết các dân tộc để đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia; phát triển kinh tế - xã hội hưng thịnh ở thế kỷ XII.
Để ghi nhận công trạng, vua Lý Nhân Tông gả công chúa Diên Bình và vua Lý Anh Tông đã gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh. Điều đó minh chứng cho thấy vị trí đặc biệt của Dương Tự Minh, xứng với tên của Người nghĩa là “người họ Dương tự tỏa sáng” hoặc “người họ Dương thông sáng chữ nghĩa”.
Ông Dương Văn Lợi, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp là người dành nhiều tâm sức tìm hiểu về truyền thống dòng họ mình. Từ nhiều năm nay ông cùng nhiều người khác trong dòng họ sưu tầm, nghiên cứu công phu, kết hợp với các chứng cứ khoa học, lập được sơ đồ hệ phả họ Dương. Theo đó, từ đời thứ nhất là cụ Dương Đình Thiện (quê Long Vĩ, Cổ Pháp, Bắc Ninh) đến Dương Tự Minh là đời hậu duệ thứ 7. Khi còn sống, Dương Tự Minh là Anh hùng bảo vệ chủ quyền đất nước, khi thác đi ông linh nghiệm, đáp ứng cầu xin của nông dân cho mùa màng bội thu, nhân dân no đủ. Riêng ở Núi Đuổm (huyện Phú Lương) được truyền thuyết cho là nơi ông “cưỡi ngựa trắng, lên núi mà hóa” thờ chính Dương Tự Minh của cả vùng núi phía Bắc, mỗi năm mở lễ hội vào ngày 6 tháng Giêng, hàng vạn người tụ về dâng hương.
Được tôn làm thánh, làm thần nông, nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang… lập đền thờ Dương Tự Minh. Riêng trên địa bàn Thái Nguyên có tới 102/253 công trình thờ Dương Tự Minh. Một số đền, đình thờ được xếp hạng di tích cấp Quốc gia như: Đền Đuổm (xã Động Đạt, huyện Phú Lương); Đình Hộ Lệnh (làng Hộ Lệnh, xã Điềm Thuỵ), Đình Đông (xóm Vàng, xã Tân Đức), Đình Phương Độ (làng Phương Độ), Đình Xuân La (làng Xuân La, xã Xuân Phương) ở huyện Phú Bình; Đền Lục Giáp (xã Đắc Sơn, huyện Phổ Yên); Đình - đền Đồng Tâm (xóm Đồng Tâm), huyện Đồng Hỷ.
Không chỉ lập đền, miếu thờ phụng, có địa phương còn tôn Dương Tự Minh làm thành hoàng. Tấm bia “Quang Vinh phúc thần sự lục bi ký” được lập cách đây 2 thế kỷ, tìm thấy ở ngôi đình xã Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) thể hiện tập tục thờ cúng thành hoàng. Văn bia có đoạn ca ngợi Dương Tự Minh: “Thần, sinh thời làm danh tướng, khi chết làm Thần thiêng. Thần là bậc chính trực và mênh mông, ngự tại chốn cao vòi vọi vậy”.
Tự hào là nơi thờ chính Dương Tự Minh từ thế kỷ XII, người dân xóm Đuổm (xã Động Đạt, huyện Phú Lương) luôn dành cho Thánh Đuổm tình cảm nồng hậu. Không chỉ Ban Quản lý Đền Đuổm ngày đêm coi sóc nhang đèn, lo toan các ngày cúng lễ, mà bà con quanh vùng luôn có ý thức bảo vệ khu Đền, coi Thánh Đuổm như vị thần bảo trợ tinh thần cho làng bản yên vui.