Năm 2017, du lịch Thái Nguyên tiếp tục có sự khởi sắc. Minh chứng là tại các điểm tham quan, nghỉ dưỡng, mua sắm trên địa bàn tỉnh đã đón tiếp hơn 2,3 triệu lượt du khách, tăng 111% so với năm 2016; tổng doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch đạt trên 293 tỷ đồng, tăng 20%...
Ông Hoàng Văn Quý, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết: Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm, các ngành, cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong lĩnh vực này. Nhằm bảo đảm an toàn và quyền lợi cho du khách, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị làm du lịch ký cam kết nâng cao chất lượng phục vụ du khách, như đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở vật chất; cử nhân viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về lễ tân khách sạn; phục vụ buồng; nghiệp vụ hướng dẫn viên - thuyết minh viên du lịch do cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức.
Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ: Trong lĩnh vực du lịch, các thành viên Hiệp hội đã có sự đổi mới tư duy về liên kết hợp tác. Đó là việc từng thành viên Hiệp hội chủ động liên kết, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong toàn bộ quá trình thực hiện tua, tuyến. Đặc biệt, các đơn vị tham gia làm du lịch đều có cam kết giảm giá, không “chặt chém” du khách; tích cực tham gia xây dựng hình ảnh đẹp về du lịch Thái Nguyên trong mắt du khách...
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, trong phát triển du lịch, tỉnh ta có lợi thế là trung tâm vùng, hạ tầng cơ sở phát triển, trên địa bàn có hơn 800 điểm đến là các di tích lịch sử, danh thắng, di tích khảo cổ học, kiến trúc nghệ thuật và di tích tín ngưỡng đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hoá. Cùng với đó là hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể đã được cơ quan chức năng kiểm kê, khôi phục, bảo tồn, trong đó có nhiều di sản được xếp hạng cấp quốc gia.
Ngoài các điểm đến trên, Thái Nguyên còn “sở hữu” gần 80 lễ hội xuân, chủ yếu tại các đền, đình, chùa, khu di tích lịch sử. Mỗi lễ hội thu hút được hàng vạn lượt người tham gia. Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết thêm tin vui: Năm 2017, trên địa bàn tỉnh có thêm một số điểm du lịch mới được UBND tỉnh quyết định phê duyệt, gồm: Làng Văn hóa du lịch bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa); Trung tâm Thương mại Du lịch Dũng Tân (T.P Sông Công). Đặc biệt có 5 di sản văn hóa phi vật thể, gồm: Lễ hội Lồng Tồng của người Tày (Định Hóa); Nghi lễ Tết nhảy của người Dao (Đại Từ); Lễ cấp sắc của người Nùng (Đồng Hỷ); Hát Sấng cọ của người Sán Dìu (Phú Lương); Nghệ thuật khèn của người Mông (Phú Lương và Đồng Hỷ) được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Nhằm quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch đến đông đảo du khách, Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiết thực, như: Tham gia Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ IX được tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn; tổ chức khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên với chủ đề “Thái Nguyên - Điểm đến trải nghiệm văn hoá các dân tộc Việt Nam”; Hội chợ du lịch - ẩm thực, làng nghề thủ công, thương mại với chủ đề “Hội tụ tinh hoa văn hóa ẩm thực dân tộc các vùng miền”với trên 100 gian hàng tiêu chuẩn. Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh chia sẻ: Hai năm gần đây, Trung tâm xây dựng, duy trì hoạt động trang web có địa chỉ: http://thainguyentourism.vn. Trang web này được cập nhật nhanh các thông tin liên quan đến du lịch, trong đó có thông tin giới thiệu về các nhà hàng, khách sạn, điểm đến... Đặc biệt từ hơn 1 năm nay, trang website được nâng cấp, có thêm bản dịch tiếng Anh. Vì thế du khách trong nước, quốc tế có thể tìm hiểu về Thái Nguyên bằng cách nhắp chuột, mọi thông tin cần thiết sẽ hiển hiện trên màn hình.
Du lịch Thái Nguyên đang từng ngày đẹp lên trong mắt du khách. Đó là câu nhận xét chân tình của nhiều du khách trong nước, quốc tế khi được hỏi về cảm nhận của mình trước lúc rời Thái Nguyên. Trong số họ, nhiều người mong muốn có dịp trở lại thăm Thái Nguyên cùng người thân. Để quảng bá rộng rãi về quê hương, con người Thái Nguyên, các cơ quan chức năng của tỉnh còn thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm du lịch, như việc giới thiệu điểm tham quan; nét đẹp văn hóa độc đáo của một dân tộc, lễ hội đầu năm… trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vào các dịp lễ hội và tại các hội chợ du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh cung cấp hàng nghìn tài liệu, ấn phẩm, hình ảnh, đĩa DVD có nội dung quảng bá về du lịch Thái Nguyên đến du khách.
Quan điểm tôn trọng du khách, bảo đảm quyền lợi cho du khách và thái độ phục vụ chân thành. Đó là sự hấp dẫn đối với du khách trong phát triển của du lịch Thái Nguyên.