Trong nỗi nhớ của người đô thị hôm nay còn vẹn nguyên những dấu ấn của Tết xưa. Cái còn vương lại, cái đã phôi phai, cái “biến hóa” trong lối sống thời hiện đại, nhưng tất cả còn in dấu rất rõ nét về một lối sống đi kèm với văn hóa ứng xử của người Hà Nội.
Tết sum họp
Còn nhớ những năm 60, 70, thậm chí đầu những năm 80 của thế kỷ trước, rất nhiều gia đình phải chấp nhận cảnh mỗi người đón Tết một nơi do công việc. Bây giờ, chuyện đó không hẳn đã hết. Nhiều năm, người ta tìm mọi cách “hợp lý hóa gia đình” bằng cách xin cho vợ (hoặc chồng) về công tác ở cùng một địa phương mong giảm bớt chuyện chia sẻ kinh tế, thiệt thòi về tình cảm và khắc phục chuyện không có điều kiện để chăm sóc lẫn nhau, chăm lo con cái. Thế nên, những ngày nghỉ phép năm thường được dồn cho Tết vì ngày Tết mà không được sum họp bên người thân, tưởng nhớ tổ tiên, vấn an cha mẹ, ông bà, thăm hỏi họ hàng, bè bạn… là một thiệt thòi lớn.
Thời ấy đi lại khó khăn vô cùng. Tàu hỏa ngày Tết thường là tàu chợ, các xe chở khách tăng chuyến, nhưng chuyến nào cũng kín người. Ga Hàng Cỏ, các bến ô tô rải rác ở khắp TP từ 25 tháng Chạp đổ ra, lúc nào cũng đặc người từ các nơi đổ về, từ Hà Nội tỏa đi. Vất vả là thế, nhưng người ta ít tính toán, so đo vì mua được vé, bước được lên tàu xe là niềm vui đã được một nửa.
Đặt chân vào nhà, nhìn thấy không khí Tết đầy ắp, đem chút quà đã dành dụm, sắm sửa cho dịp trọng đại này về cho người thân, thì mọi mệt nhọc của chuyến đi như chả còn dấu vết. Tết là sum họp, Tết là đoàn viên, Tết là chồng chất nhớ nhung, khát vọng, dự định… gom góp suốt cả năm, đến lúc này mới được toại nguyện. Cái thiêng liêng của Tết là vậy.
Nó trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, một nét văn hóa ứng xử của mọi người. Đêm giao thừa, bất cứ ai được dâng nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên, được mở cửa đón Xuân vào nhà, sáng ngày đầu năm được nói lời chúc thêm tuổi, thêm lộc, sức khỏe, bình an với người thân là hạnh phúc. Nó là sự gắn kết không chỉ trong gia tộc mà còn với cả cộng đồng. Nét đẹp ấy ngày nay đã phôi pha ít nhiều do những điều kiện sống đổi khác. Tiếc nuối lắm thay!
Chơi Tết
Chơi Tết thôi thì muôn hình vạn trạng, đủ thứ vui chung, vui riêng: Đi thăm hỏi bà con, họ hàng, dự những cuộc vui. Dân gian bảo tháng Giêng là tháng “ăn chơi” là nói vậy, chứ một đất nước nông nghiệp, tiền của không sung túc, thì cái sự chơi cũng chỉ là những lễ hội dân gian để tưởng nhớ các đấng bậc có công với dân làng.
Nhưng người Hà thành có những thú chơi Tết rất độc đáo, sang trọng: Tỉa một dò thủy tiên thật đẹp, chọn một cành đào hoặc một gốc đào thế thật ưng, một chậu quất thật chuẩn, một chữ thật ý nhị nói lên khát vọng hay ý chí của gia chủ được trình bày như một bức tranh… không phô phang mà tinh tế, đúng chất người kinh kỳ.
Nói thế không có nghĩa rằng bảo người xứ khác không hào hoa, tinh tế, nhưng nói gì thì nói, cái chất tinh túy của văn hóa Việt được chắt lọc, kết tinh trong những thú chơi ở đất kinh kỳ tiêu biểu cho nhiều vùng miền ở chỗ tinh chứ không thô, khoe mà không phô, đạm mà không nồng, kiêu sa nhưng không xa cách… Vẫn là sắm một bộ cánh để diện Tết, nhưng lứa tuổi nào, mức sống nào, nghề nghiệp gì đều có cách lựa chọn riêng từ màu sắc, kiểu dáng cho đến giá cả.
Người Việt nói chung, người Hà Nội nói riêng, Tết đến thường chọn giờ lành để xuất hành. Đi thăm chùa, lễ Phật, cầu mong điều lành sẽ tới cho gia đình, người thân. Đó là một nét đẹp trong tâm thức luôn hướng thiện. Người ta còn kiêng cả nói to, nếu có gì không hài lòng với nhau thì cũng vì đầu năm, chín bỏ làm mười.
Đó không phải là mê tín mà là đức tin; không phải đức tin tôn giáo mà là đức tin vào sự tử tế, vào điều tốt đẹp. Nó là sự hướng thiện từ đáy lòng được thể hiện ra trong một hành vi nhân văn. Ngày Tết gặp gỡ người thân, bạn bè, trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe của nhau, chúc nhau năm mới sức khỏe, hạnh phúc, bình yên hơn là cầu chúc tài lộc. Truyền thống ấy nay cũng bị cái xô bồ, thực dụng, pha tạp của những nhu cầu thời thượng làm nhạt nhòa đi. Tiếc nuối lắm thay!
Ăn Tết
“Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” - câu nói ấy đúc kết một trải nghiệm sống không phải không có lý của một xã hội thuần nông. Ngày Tết, dù có khó khăn, cũng phải cố gắng sắm sửa những thứ cần dùng để tạ ơn tổ tiên, trời đất. Đó là chuyện của ngày xa xưa, còn bây giờ, ăn uống không còn là chuyện quan trọng vì “ngày nào mà chả như Tết”.
Đời sống khấm khá, bánh chưng, giò chả, nem mọc… lúc nào cũng có, nên cái sự sắm Tết không còn mất nhiều thời giờ như cái thời bao cấp.
Nhưng dù thế nào thì đêm Ba mươi cúng Giao thừa cũng là một nghi thức không thể thiếu với mọi gia đình. Người Hà Nội bây giờ đang có xu hướng trở lại những lựa chọn tinh tế, nhưng cầu kỳ hơn. Gà luộc phải được mổ moi, trống hay mái thì cũng vậy, cánh buộc xòe ra, cổ vươn cao, miệng ngậm bông hồng. Đĩa xôi dù nhà nấu hay đặt người ta làm cũng phải là loại gạo nếp cái hoa vàng, chọn kỹ, hạt đều. Giò lụa hay giò xào, đĩa chả quế, bát măng, đĩa thịt đông, bát dưa hành… thứ nào cũng bắt mắt, vừa miệng.
Tất nhiên, đã là tiệc (đây là tiệc gia đình) thì không thể thiếu rượu bia, nhưng hết thảy đều nhẹ nhàng, vui vẻ. Vẫn có trái cây, mứt Tết, trà sen hoặc trà ngâu, trà nhài… nhưng cách thưởng trà ngày Tết của người đất văn vật có cái ung dung, tự tại mà có người đã nói nó như một thứ triết lý sống, một nét văn minh, một thái độ của con người biết hưởng thụ đời sống một cách lịch lãm. Nét văn hóa ứng xử ấy không phải ngày một ngày hai có được, mà nó được sàng lọc với thời gian, qua những trải nghiệm và đọng lại như một cách bày tỏ phong cách sống của con người ở vùng đất này.