Trong khuôn khổ Festival Huế 2018, nhiều chương trình nghệ thuật trong và ngoài nước biểu diễn thu hút đông khác giả đến xem.
Mãn nhãn với những chương trình nghệ thuật đương đại
Tối 28/4, tại thành phố Huế, Phái đoàn Wallonie - Bruxelles của Bỉ, đã có màn trình diễn nghệ thuật thị giác vô cùng độc đáo mang tên “Miệng núi lửa số 6899”. Màn trình diễn thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, du khách đến với Festival Huế 2018, nhất là khán giả trẻ.
Lấy cảm hứng từ khoa học, đặc biệt là thiên văn học và địa chất, "Miệng núi lửa số 6899" đề cập đến một yếu tố liên quan tới cả vũ trụ và trái đất, đó là nước; tìm kiếm những gì kết nối con người với thế giới của các vì sao và đại dương thông qua mối quan hệ với nước; tái hiện sự hình thành, sắp xếp của đất đá, núi non...
Chỉ trong khoảng 30 phút, nghệ sĩ Gwendoline Robin đưa người xem vào hành trình khám phá bí ẩn của bầu trời và trái đất thông qua hình ảnh và âm thanh. Một chiếc sao chổi rơi vào trái đất, một miệng núi lửa đã hình thành. Những biến đổi khác nhau diễn ra, cảnh quan tiến triển theo nhịp điệu của từng hoạt động…
Khán giả tại sân khấu Công viên Tứ Tượng, thành phố Huế cũng có cái nhìn mới khi thưởng thức nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc, qua những tiết mục đầy tính sáng tạo và độc đáo từ sự kết hợp giữa đoàn múa Yun Myung Hwa và nhóm nhạc E-sang. Yun Myung Hwa được thành lập năm 1998 với 20 nghệ sĩ thực hiện sứ mệnh bảo tồn và phát huy các điệu múa truyền thống Hàn Quốc, đồng thời sáng tạo nên các tiết mục mới lấy cảm hứng từ những điệu múa cổ.
Trong khi đó, E-sang là nhóm nhạc Gugak lại năng động và sáng tạo, góp phần đưa âm nhạc của Hàn Quốc ra thế giới. Lựa chọn phong cách World Music, nhóm luôn tìm kiếm sự hài hòa trong cách thể hiện các thể loại âm nhạc khác nhau, biểu diễn nhạc truyền thống kết hợp với phong cách trình diễn đương đại và múa. Các tiết mục trong chương trình là sự giao thoa giữa nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật đương đại, giúp khán giả đến gần hơn với nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc.
Tiết mục mô phỏng đám cưới Hoàng cung. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Đêm nhạc chủ đề “Nguồn cội” của Trịnh Công Sơn thu hút đông khán giả
Đêm 28-4, tại Phu Văn Lâu (thành phố Huế) đã diễn ra Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Nguồn cội” thu hút hơn 20 vạn khán giả từ nhiều tỉnh thành và du khách quốc tế.
Trịnh Công Sơn (28/2/1939 - 1/4/2001) là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của âm nhạc đại chúng Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Đêm nhạc quy tụ nhiều ca sĩ, nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam trình diễn 22 ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như nữ diva Hồng Nhung với ca khúc “Diễm xưa”, “Này em có nhớ”; Đức Tuấn với “Em hãy ngủ đi”; Lệ Quyên với ca khúc “Ướt mi”, “Sóng”; Lân Nhã (Thần tượng âm nhạc 2010) với “Phôi pha”, “Mưa hồng”... Đêm diễn còn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ SaxophoneTrần Mạnh Tuấn, An Trần; nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh, Phi Phi; nhóm múa The Lyricist và ban nhạc Music One.
Tại đêm nhạc Trịnh Công Sơn, em gái cố nhạc sĩ, Trịnh Vĩnh Trinh đã gửi lời cám ơn những tình cảm nồng nhiệt của khán giả và các nghệ sĩ tham gia dành cho cố nhạc sĩ sau không chỉ 17 năm kể từ ngày mất của Trịnh Công Sơn.
45 tiết mục đoạt giải tại Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2018
Trong khuôn khổ Festival Huế 2018, tối ngày 28/4, tại thành phố Huế, Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao giải 45 tiết mục của 16 đoàn tham dự Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2018; trao chứng nhận cho 25 tiết mục đặc sắc mang giá trị nghệ thuật của các loại hình hát Văn, hát Chầu văn trong "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, Tam phủ của người Việt". Ngoài ra, phần thưởng dàn nhạc dân tộc trình diễn xuất sắc tại Liên hoan đã được trao cho đoàn Nghệ thuật quần chúng Thành phố Hồ Chí Minh; Cung văn trình diễn xuất sắc được trao cho đoàn Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Công Trung, Cục phó Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Liên hoan đã tạo ra một không gian đậm tính nghệ thuật đã góp phần thăng hoa, nâng bước cho sự sáng tạo, thỏa mãn yêu tố tâm linh, đem lại cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, tất cả nhưng yếu tố đó tạo nên bầu không khi thưởng lãm nghệ thuật vui tươi, phấn khởi thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Hầu hết các nghệ nhân, thanh đồng đã bám sát mục đích, yêu cầu, quy chế do Ban tổ chức đề ra để xây dựng chương trình, đảm bảo vê nội dung, phong phú về hình thức và chất lượng nghệ thuật. Một tín hiệu vui tại Liên hoan là bên cạnh các nghệ nhân lớn tuổi, có sự tham gia tiếp lửa của các nghệ nhân trẻ tuổi để cùng chung tay giữ gìn văn văn hóa truyền thống.
Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2018 có sự tham gia của 16 đoàn trong cả nước với khoảng 450 nghệ nhân, nghệ sĩ và diễn viên. Liên hoan lần này là dịp nhằm tôn vinh, quảng bá và phát huy các giá trị nghệ thuật của loại hình Hát Văn, hát Chầu văn, góp phần nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn, kế thừa, giới thiệu về những giá trị nghệ thuật của loại hình Hát Văn và Hát Chầu văn trong “Thực hành Tín ngưỡng và Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại...