Tìm về Hà Nội xưa qua những bức ảnh tư liệu

09:31, 11/09/2018

Trong tiết thu những ngày đầu tháng 9, triển lãm Hoài niệm Hà Nội phố do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức được khai mạc tại Hà Nội đã trở thành điểm đến để công chúng ngược dòng thời gian tìm về một Hà Nội xưa cổ kính, trầm mặc.

Trải qua lịch sử hơn một nghìn năm hình thành, phát triển, Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục lớn của cả nước, trở thành biểu tượng cho các giá trị văn hóa dân tộc và là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Hơn 130 phiên bản tài liệu, hình ảnh, bản đồ, bản vẽ kỹ thuật được trưng bày tại triển lãm đã mang đến cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử, văn hóa, đất và người Thăng Long - Hà Nội những năm đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Hoài niệm Hà Nội phố thu hút bởi điểm mới trong phương thức biểu hiện triển lãm.

Nghệ thuật sắp đặt trong thiết kế kiến trúc không gian đậm chất hoài cổ kết hợp những tài liệu, hiện vật phiên bản, hình ảnh công nghệ hiện đại, những thước phim chất lượng được trình chiếu trên màn ảnh lớn khiến triển lãm không đơn thuần chỉ là nơi trưng bày, giới thiệu các tài liệu lưu trữ mà thực sự trở thành một không gian sinh động, chân thực, nơi mỗi khách tham quan có thể hòa mình để chiêm ngưỡng, cảm nhận.

Được bố cục theo ba chủ đề: Từ Nhượng địa Pháp đến khu phố Tây, Phố cổ Hà Nội, Thành Hà Nội và phụ cận; triển lãm tái hiện đời sống sinh hoạt, văn hóa, tôn giáo của người dân Hà Nội xưa với những dấu ấn về một Hà Nội 36 phố phường, về Thành cổ Hà Nội với quy mô và kiến trúc độc đáo, về Văn Miếu Quốc Tử Giám - trường đại học lâu đời nhất Việt Nam, thắng cảnh Hồ Tây cùng nhiều di tích lịch sử bao quanh, hồ Hoàn Kiếm với cầu Thê Húc, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn và nhiều công trình mang đậm phong cách kiến trúc Á - Âu thời Pháp thuộc.

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước: Đây là những tài liệu, tư liệu lưu trữ quý, trong đó có một số tài liệu lần đầu được công bố, rất hữu ích đối với việc nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Thủ đô; đồng thời cung cấp thông tin lưu trữ gốc giúp các nhà quản lý đô thị, quản lý văn hóa đưa ra những biện pháp cải tạo, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống trong quá trình xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Bên cạnh đó, khách tham quan triển lãm còn được tìm hiểu về kỹ thuật cũng như chế độ bảo quản các tài liệu lưu trữ quốc gia và các di sản tư liệu thế giới đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, nơi trưng bày không gian triển lãm. Mở cửa đón khách từ nay đến hết năm, triển lãm là sự tiếp nối các hoạt động phối hợp giữa Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam với Đại sứ quán Pháp trong việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ về một giai đoạn lịch sử đặc biệt giữa hai dân tộc suốt gần một thế kỷ. Đây cũng là sự kiện văn hóa nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973 - 2018).

Chị Đỗ Hoàng Anh, Trưởng phòng công bố và giới thiệu tài liệu thuộc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho biết: Xuất phát từ tình trạng tài liệu và yêu cầu bảo vệ an toàn, cho nên ban tổ chức chỉ trưng bày các phiên bản tài liệu trong triển lãm, nhưng vẫn đủ khắc họa chân thực hình ảnh Hà Nội xưa. Ba chủ đề của triển lãm là những không gian độc lập được phân chia theo khu vực địa lý, khách tham quan có thể xem từng phần mà không cần theo thứ tự. Ở mỗi phần trưng bày, bên cạnh hệ thống chú thích, thuyết minh viên đều có những câu chuyện đi kèm, gắn với từng địa danh, di tích trong dòng chảy quá khứ - hiện tại để công chúng cảm nhận sâu sắc hơn sự thay đổi của Thủ đô qua nhiều thăng trầm lịch sử.

Đến với Hoài niệm Hà Nội phố, sẽ không khỏi thấy lòng mình lắng lại khi bắt gặp những hình ảnh vọng về từ quá khứ: Ấy là cảnh tấp nập người mua, kẻ bán ở khu vực phố Hàng Than, Hàng Chiếu đầu thế kỷ 19; người bán hàng rong với đôi quang gánh và bàn chân trần dưới nắng hè Hà Nội; hình ảnh đơn sơ của cảnh Ô Quan Chưởng xưa...