Trăn trở “bài toán” vốn trùng tu di tích

10:21, 14/01/2019

Huyện Phú Bình hiện có 65 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, trong đó, có 7 di tích đã được xếp hạng Quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Trải qua thăng trầm lịch sử, nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được trùng tu. Tuy nhiên, nguồn vốn đang là rào cản lớn đối với công tác này.

Chùa Túc Duyên, xã Úc Kỳ được xây dựng năm Hoàng Triều Lê Vĩnh Thịnh thứ X. Đến nay, ngôi chùa này vẫn giữ nguyên được kiến trúc xưa với những cột đá được đẽo gọt cầu kỳ, nghệ thuật tinh xảo. Trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá thuộc các niên đại khác nhau, như: chuông đồng; tượng gỗ sơn son thếp vàng; bia đá… Với những giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, năm 2010, chùa Túc Duyên đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, nhiều hạng mục của chùa Túc Duyên đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Một số dui, kèo, quá giang đã bị mối, mọt, hư hỏng nặng. Năm 2017, do ảnh hưởng của thiên tai, toàn bộ bức tường hậu cung Tam Bảo đã bị sụt, đổ làm xô mái ngói, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa khu di tích. Mặt khác làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhân dân đến sinh hoạt tâm linh tại đây.

Ông Dương Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ cho biết: Sau khi chùa Túc Duyên xảy ra sự cố do mưa bão, lãnh đạo xã cùng nhân dân đã họp bàn, xin ý kiến huyện cho lập dự án trùng tu, tôn tạo chùa Túc Duyên. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay công trình vẫn đang trong giai đoạn chờ phân bổ kinh phí. Chính quyền địa phương cũng như nhân dân trong xã rất mong công trình sớm được tu bổ, tạo điều kiện cho người dân có điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng.

Cũng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2011, chùa Nga My, xã Nga My là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh không chỉ của người dân địa phương mà nhiều du khách thập phương cũng thường ghé thăm chùa vào những ngày lễ lớn trong năm. Đây là ngôi chùa mang những nét kiến trúc cổ theo lối “nội công, ngoại quốc”, dưới có các cột đá, trên có các vì gỗ, chạm khắc tinh xảo theo lối tứ quý “Long, Ly, Quy, Phượng”. Hiện nay, ngôi chùa này cũng đang trong tình trạng bị xuống cấp. Với sự linh thiêng, cổ kính của chùa Nga My, chính quyền địa phương và người dân trong xã rất mong được các cơ quan chức năng quan tâm trùng tu di tích để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa lịch sử và lưu truyền cho thế hệ mai sau.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Ban Quản lý di tích đình chùa Nga My thông tin: Phần lớn các hoành, dui, cột trụ của ngôi chùa đều đã bị mối mọt, mục nát, cá biệt có một số hoành, dui bị mối mọt làm cho gãy đôi. Trên tường, những vết nứt, vỡ sâu được vá tạm bợ bằng xi măng trông rất mất thẩm mỹ, phần mái ngói đã bị xô lệch nên hễ trời mưa to là dột khắp nơi. Để khắc phục, hàng năm, Ban Quản lý di tích chùa Nga My đã xin phép chính quyền địa phương thay tạm một số thanh dui đã gãy do mối mọt, lợp lại một phần góc mái chùa, căng phủ bạt che mái nhằm chống dột song mới chỉ khắc phục được phần nào sự xuống cấp của di tích. Hơn nữa, việc cải tạo được toàn bộ di tích cũng nằm ngoài khả năng của nhân dân và theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì di tích đã được xếp hạng muốn trùng tu, tôn tạo cần phải được sự cho phép, hướng dẫn trực tiếp của các cơ quan chức năng.

Ông Dương Quang Xuân, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Phú Bình cho biết: Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của các di tích lịch sử văn hóa, việc quản lý, bảo tồn các di tích đã được huyện Phú Bình hết sức quan tâm. Bằng các nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, xã hội hóa, nhiều di tích trên địa bàn đã, đang được trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp như: Chùa Diệm Dương, xã Nga My; đình, chùa Phương Độ, xã Xuân Phương; Đình Hoài, xã Hà Châu… Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, chưa được tôn tạo. Huyện Phú Bình tự hào khi có nhiều di tích nhưng đó cũng là khó khăn, thách thức khi điều kiện để bảo tồn các di tích hiện rất khó khăn do thiếu kinh phí, đây là bài toán chưa có lời giải từ nhiều năm nay. Mỗi một di tích cần tu bổ phải sử dụng nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng, thậm chí có thể lên tới hàng tỷ đồng, do vậy, so với nhu cầu tu bổ, kinh phí được phân bổ mới đáp ứng được một phần nhỏ, chỉ có thể ưu tiên cho những di tích cấp thiết và quan trọng nhất.

Ông Dương Quang Xuân cũng cho rằng: Nguồn vốn để trùng tu di tích cần sự hỗ trợ bằng nhiều nguồn khác nhau như ngân sách Nhà nước, nguồn lực của địa phương, nguồn xã hội hóa, sự tài trợ của các tổ chức… Tùy tình hình mỗi di tích mà có chính sách huy động nguồn vốn sao cho phù hợp. Trong đó, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.