Trong bài “Chùa”, nhà thơ Tế Hanh viết: “In rõ rệt chân trời quá khứ/ Chùa không thôi tình tự thuở xa xăm/ Tuổi thơ tôi là cả một đêm rằm/ Trăng tỏ rạng sáng chầu quang đức Phật/ Hồn thanh thoát chưa hề vương vật chất/ Đồng vọng xa cùng nhịp tiếng chuông bay”. Với nhiều người dân nước Việt, ngôi chùa là một khoảng lặng của tâm hồn - một thế giới bình an và đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp thẳm sâu trong tiềm thức.
Cõi an trong tâm thức người Việt
Không biết từ bao giờ, con người hướng tâm hồn vào nơi cửa Phật, tới giáo lý nhà Phật, còn những ngôi chùa đã có từ lâu lắm, không ai biết ngôi chùa đầu tiên được dựng ở đâu, vào thời gian nào trên dải đất hình chữ S bên bờ Biển Đông này. Nhưng cứ có làng là có chùa, chùa được hưng công xây dựng khắp mọi nơi. Ngôi chùa trong quá khứ hay hiện tại đều là những thực thể sống động mà ở đó, mỗi người có thể tự tìm và hiểu thêm về những ẩn sâu chất chứa trong bản sắc văn hóa Việt Nam.
“Hà Nội là một ngôi làng lớn”, có nhà nghiên cứu đã viết như vậy, trước khi thành phường, thành phố, Kinh kỳ là những làng, những xóm và trong mỗi người Việt Nam đều có một làng quê, nơi “chôn nhau cắt rốn”, nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nơi trú ngụ của những miền ký ức. Nơi ấy có ngôi chùa, là một phần không thể thiếu cùng với đình làng làm nên một không gian văn hóa, không gian tâm linh chất chứa hồn quê.
Khác với đình nơi thờ Thành hoàng làng “hộ quốc tỳ dân” (hộ nước giúp dân) được xây cất bề thế ở nơi cao ráo, phong quang thuận phong thủy, chùa làng thường ở nơi thanh vắng, tĩnh mịch, có thể ở một góc nhỏ nhoi cuối hay rìa làng. Nhưng dẫu có ở đâu thì chùa vẫn hiện diện trong tâm thức người làng như một góc khuất mà đủ sức lay động, vừa thân thiết gần gũi, vừa huyền ảo hư vô.
“Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”, theo Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán - Nôm), đình làng là ngôi “nhà chung của làng” - nơi tổ chức những ngày sóc vọng, lễ tiết, hội hè và cũng là nơi quan viên, chức dịch, cánh mày râu bàn việc, từ xét xử các vụ tranh chấp, phạt vạ, khao vọng đến thu tô, bắt lính… phân rõ thứ bậc, chiếu trên, chiếu dưới rõ ràng. Đàn bà con gái, nếu không có việc, chả mấy khi bén mảng. Còn chùa làng là nơi chất chứa những triết lý nhân sinh, tinh thần hòa hợp và cửa từ bi luôn rộng mở với mọi người. Tìm một cõi an, người làng đến chùa uống vài bát nước vối, chuyện với sư trụ trì, quét mấy cái lá rơi… Người xưa nói “trẻ vui nhà, già vui chùa” một phần cũng là vậy. Theo Đại đức Thích Nguyên Long (chùa Tảo Lâm, Sóc Sơn, Hà Nội), Phật giáo hướng con người tới những giá trị chân - thiện - mỹ, do đó chùa còn là nơi gửi gắm niềm tin, ước vọng của dân làng.
Với nhiều người Việt, ngôi chùa là một không gian tâm linh, không gian văn hóa, nhiều người lên chùa để tìm trong giáo lý nhà Phật những tín điều phù hợp với tư duy, ý niệm của riêng mình mà gợi mở tâm thức hướng thiện. Cũng có người lên chùa chỉ để chiêm bái những bức tượng thờ được tạc từ tâm hồn và những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo hay nhìn ngắm những mái chùa vút cong, những đầu đao được chạm trổ sinh động hoặc thả hồn trong một không gian tĩnh lặng, thanh khiết của hương trầm, của cỏ cây hoa lá.
Không gian và kiến trúc Phật giáo không chỉ làm tâm hồn con người dịu lắng mà còn khơi dòng suy nghĩ cho những ý tưởng tốt đẹp. Cũng vì vậy, bên những ngôi chùa ven Hồ Tây, bất chợt mỗi chiều đều có thể gặp những nhà văn, nhà nghiên cứu, võ sư...
Người dân nước Việt tiếp nhận Phật giáo không phải vì những giáo lý cao siêu, kinh viện mà chủ yếu là tư tưởng từ bi, bác ái, ứng xử hài hòa. Giữa vòng xoay của xã hội hiện đại, nhiều người hướng tâm hồn đến gần hơn nơi cửa Phật - vẫn là tín ngưỡng, là niềm tin - nhưng trong đó đã có những sự “dịch chuyển” rất đáng để nghĩ.
Cốt ở sự thành tâm hướng thiện
Từ làng lên phố không còn không gian “cây đa, giếng nước, sân đình”, chùa làng không còn như ngày xưa và không phải làng nào cũng có chùa. Không gian văn hóa tâm linh mang đậm chất làng Việt chỉ còn đọng lại ở những miền quê xa, nơi có ngôi chùa nhỏ bảng lảng khói hương, trầm mặc dưới bóng cây già. Nhiều chùa mới được xây cất, nhiều chùa được trùng tu, tôn tạo, có những ngôi chùa giữ được “khuôn vàng, thước ngọc” của kiến trúc chùa Việt Nam nhưng cũng có nhiều chùa đã đánh mất cái không gian vừa gần gũi, vừa hư vô nơi cửa Thiền, đất Phật. Và câu chuyện lễ chùa - lễ chùa đầu năm vẫn rất đáng để bàn dẫu vẫn là “biết rồi, khổ lắm…”.
Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, trong mỗi con người đều có tâm Phật, vào chùa là để nuôi dưỡng thiện tâm, ngày xưa người ta lễ chùa với trái cam, trái bưởi, cành hoa vườn nhà, có chăng chút tiền “giọt dầu” bỏ hòm công đức hay đưa tận tay trụ trì, cúng tổ cũng đơn giản, xôi oản nhà chùa tự làm…
Và “xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng”, mùa xuân trong quan niệm của người Việt gắn với sự khởi đầu nên lễ chùa đầu năm không chỉ nguyện cầu bình an mà còn để tìm về với chốn tâm linh sau một năm mưu sinh vất vả, nên rất được xem trọng. Sau bữa cơn tất niên, trà quả, trầu cau, xôi oản được bày biện tươm tất, trước Giao thừa, các cụ khăn áo chỉnh tề, đưa lễ ra chùa thắp nén nhang thơm thành kính dâng lên Tam Bảo.
Giờ đây, không nhiều làng quê còn giữ được nếp xưa, tính chất đô thị được phổ biến rộng hơn, không gian tâm linh cũng đa chiều hơn. Và sự “dịch chuyển” trong tâm thế con người hiện tại đã, đang biến chùa chiền thành nơi chất chứa những hỉ nộ ái ố, những tham vọng trần tục.
Trong thời khắc trời đất vào xuân, những xúc cảm thiêng liêng như dâng trào từ tâm thức mỗi người khi tất cả cùng thành kính hướng về một không gian tâm linh ngào ngạt khói hương. Thế nhưng trong không gian linh thiêng, dường như còn có nhiều điều khiến người ta chưa thể tìm được sự an nhiên, thanh thản. Những rì rầm to nhỏ xin cho lộc tài thăng tiến, quan lộ thênh thang, xin cho mua may bán đắt, mua một bán mười, những mâm cao lễ đầy, những tờ tiền cầu may rải khắp mọi nơi..., tất cả cho thấy, nhiều người Việt hiện nay đang thiếu những tri thức tín ngưỡng mà ông cha đã tích lũy, định hình.
Giá trị vật chất không tồn tại trong không gian tâm linh. Nhà Phật mang đến những kiến giải về cuộc sống an hòa, lòng từ bi độ lượng, cho con người sự thanh thản trong không gian thiền tịnh khi được giải thoát khỏi bon chen cuộc sống đời thường và hướng tới những giá trị luân lý của cái thiện, cái đẹp. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, mỗi con người cần có cái nhìn chuẩn mực khi đến chùa chiền, thành tâm tín ngưỡng không đồng nghĩa với việc biến cửa chùa thành nơi mua bán tài lộc.
Bất cứ điều gì làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn đều được trân trọng. Người Việt hướng đến cửa Phật để gửi gắm những ước vọng, để lắng dịu lòng mình mà chiêm nghiệm cuộc sống sau những toan lo, ưu phiền, mệt mỏi. Cửa chùa rộng mở yêu thương với bất kể sang hèn, không khiến ai phải ngại ngùng e sợ.
Cũng vì vậy, Phật đạo rất xa mà cũng rất gần. Và, ngôi chùa từ xa xưa đã đi vào tâm thức của người dân một cách bình dị, trở thành nơi nuôi dưỡng tinh thần thiện nguyện, sự bao dung, là một biểu tượng của văn hóa tâm linh trong tâm hồn Việt. Vậy nên lễ Phật cốt ở lòng thành, tâm hướng thiện là điều quan trọng nhất.
Chùa của người Việt là một không gian văn hóa thể hiện triết lý nhân sinh, tinh thần khoan dung và sự hòa hợp trong đời sống tín ngưỡng. Gắn với cư dân của nền văn minh lúa nước, từ xa xưa, Phật giáo và tín ngưỡng dân gian đã có quan hệ mật thiết. Bốn vị thần được thờ nhiều nhất là Tứ pháp (mây - mưa - sấm - chớp): Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện được điêu khắc theo phong cách tượng Phật. Người Việt cũng đưa các vị thánh, thần, mẫu, anh hùng dân tộc… vào thờ trong chùa. Và hệ thống thờ tổng hợp tạo nên các ngôi chùa “tiền Phật, hậu Thần” hay “tiền Phật, hậu Mẫu” như một nét riêng có.