Biết mọi so sánh đều là khập khiễng, vậy mà tôi cứ tiếc, tiếc cho trẻ nhỏ bây giờ không biết nhiều đến một hoạt động tập thể sáng tạo, rèn nhân cách tao nhã đó là chế và hát đồng dao. Đã đành thời hiện đại là không gian mạng, trò chơi, học tập trên điện thoại, máy tính cũng rất hấp dẫn con trẻ, nhưng…
Thế hệ ông bà của lũ trẻ bây giờ lớn lên từ đồng dao, chơi mà học, học mà chơi. Triết lý cuộc đời, phương châm ước vọng sống, xử lý tình huống, thế sự một phần cũng từ những câu đồng dao... dạy cho. Tôi đã rong ruổi nhiều làng quê đồng bằng và trung du Bắc bộ hay nông thôn miền Trung; các làng quê phía Nam Thái Nguyên thuộc Phú Bình, Thị xã Phổ Yên - một trong những vùng đất hình thành ca dao, dân ca, đồng dao nhưng không thấy trẻ thơ biết đồng dao và cũng không thấy có nhiều sinh hoạt tập thể, trò chơi của trẻ nhỏ. Cũng thưa vắng các bậc ông bà, các ông bố, bà mẹ ru con bằng đồng dao, dạy con trẻ bằng đồng dao...
Đồng dao, diễn nghĩa là lời hát của nhi đồng, có mặt theo chiều dài lịch sử của đất nước thuần nông, tầm tang canh cửi. Mặc dù là sáng tác dân gian nhưng không chỉ là trò chơi con trẻ, nó phản ánh cách nhìn thời cuộc, gửi gắm trong lời hát tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng. Lên án hay ca ngợi đều có ý giáo dục, không nặng nề, trói buộc, giáo điều. Đồng dao là một bộ phận của văn học dân gian, gần gũi với ca dao, tính chất là truyền miệng, mang tính tập thể và là trò chơi, phù hợp tâm sinh lý trẻ con. Chức năng của đồng dao bao gồm: Nhận thức, thẩm mỹ và giáo dục. Nội dung mà đồng dao hàm chứa là: Thiên nhiên tươi đẹp dưới đôi mắt trẻ thơ; cuộc sống thôn dã gần gũi, thân thương; môi trường chơi mà học; nơi khởi nguồn tình cảm, hình thành dần đạo đức và nhân cách con người... Ngôn ngữ cuả đồng dao là ngôn ngữ trẻ thơ với kết cấu đơn giản. Có lẽ do tác nhân người lớn nên nhiều câu đồng dao mà chúng ta nghe được khi còn thơ nghĩ lại thấy ý tứ cuộc sống rất rõ: Ai mong gì thì cầu thứ ấy. Người mong mưa thì: "Lạy trời nắng lên/ Cho trẻ nó chơi / Cho gà bắt rận/ Cho tôi đi làm". Còn những người, những lúc mong mưa thì ngược lại: "Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy bát cơm đầy/ Với khúc cá kho"...
Chủ điểm thiên nhiên vận hành theo quy luật được nhiều thế hệ quan sát và đúc kết thành quy luật rồi không biết tự bao giờ là tờ lịch của nhân gian về thay đổi của mặt trăng: "Mồng một lưỡi trai/ Mồng hai lá lúa/ Mồng ba câu liêm/ Mồng bốn lưỡi liềm/... Còn hát về sự biết ơn, luân lý, đạo lý sống có trước, có sau ở đời là: "Ăn một bát cơm/ Nhớ người cày ruộng/Ăn một đĩa muống/ Nhớ người làm ao”.
Đồng dao cũng dạy con người thì phải chịu khó, chịu thương không thể lười nhác: "Ve vẻ vè ve/ Cái vè thằng nhác/ Trời đã phú thác/ Tính khí anh ta/ Thủa còn mẹ cha/Theo đòi việc học/ Anh ngồi anh khóc/ Chữ nghĩa ích chi/ Cho anh học cày/ Rằng nghề đầy tớ/ Cho đi làm thợ/ Nói nghề ấy buồn/ Cho đi học buôn/ Ấy nghề ngồi chợ/ Việc làm tránh chớ/ Chỉ biết ăn chơi/ Cha mẹ qua đời/ Không ai nuôi dưỡng ". Hát Đồng dao luôn đi kèm các trò chơi, như nốt nhạc thăng trầm: Nu na nu nống, Thả đỉa ba ba, Tập tầm vông, Cái mốt cái mai; Kéo cưa lừa xẻ...
Tôi dừng bài viết ở đây và bằng ký ức xin phục vụ độc giả bài Đồng dao rất phổ biến “Thằng Bờm”. Thằng Bờm là nhân vật dân gian, mang những đặc trưng của người nông dân thật thà, cần kiệm. Thằng Bờm có cái quạt mo/Phú ông xin đổi ba bò chín trâu/Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu/Phú ông xin đổi một xâu cá mè/Bờm rằng:Bờm chẳng lấy mè/Phú ông xin đổi một bè gỗ lim/Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim/Phú ông xin đổi con chim đồi mồi/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi/ Phú ông xin đổi nắm xôi: Bờm cười.
Chuyện về đồng dao còn dài và chính mảng văn nghệ dân gian này qua chiều dài lịch sử đã góp phần hình thành, bồi đắp nhân cách và văn hóa Việt Nam... Và chúng ta đều phải có trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị của đồng dao.