Tháng 6-2020, Báo chí cách mạng Việt Nam tròn 95 tuổi. Với đội ngũ cầm bút chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, không kể “lão, ấu” đều có giây phút hoài niệm riêng. Tôi cũng như thế, nhưng lúc này, nhiều đồng nghiệp đang lăn xả vào các sự kiện chính trị, xã hội, thì tôi lại tìm về xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) - nơi một thời tờ Báo Cờ Giải phóng do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng phụ trách được bí mật in ấn, phát hành trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Tiên Phong nay đã phố hóa. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi trở lại vùng đất được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bởi bên các trục đường bê tông thoáng rộng, là liên tiếp các ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc hiện đại, bắt mắt. Và giữa hơi thở của vùng đất đang trở mình vươn vai thức dậy, tôi nhận ra một nét đẹp thuần Việt còn ém lại, khiêm nhường giữa trào lưu vươn lên đô thị hóa. Đó là 3 ngôi nhà cấp 4, lợp ngói của gia đình cụ Hoàng Thị Úc (tức bà Tỳ), xóm Yên Trung 2; ngôi nhà của cụ Ngô Hải Long, xómYên Trung 2 và ngôi nhà của cụ Lưu Thị Phận, xóm Ao Cả. Chị Đặng Quỳnh Hương, công chức văn hóa xã Tiên Phong cho biết: Từ cuối năm 1990, ngôi nhà của cụ Tỳ, cụ Long và nhà cụ Phận được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 1539-QĐ ngày 27/12/1990 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích và bảo đảm an toàn cho nhân dân, du khách đến tham quan, một số hạng mục bên trong các ngôi nhà đã được Nhà nước đầu tư kinh phí tôn tạo, tu sửa; còn phần bên ngoài các ngôi nhà được giữ nguyên hiện trạng.
Ngôi nhà của cụ Ngô Hải Long.
Tôi lặng lễ về thăm, lòng hoài cảm một nỗi niềm man mác: Nhà còn đây mà chứng nhân lịch sử đã về với thế giới người hiền. Ông Ngô Văn Mạc, cháu cụ Úc kể bằng một niềm tự hào: Hồi bấy giờ trong vùng có nhiều người đi theo cách mạng, nhưng nhà cụ Úc được tổ chức lựa chọn đặt làm cơ sở in ấn Báo Cờ Giải Phóng và nhiều các tài liệu quan trọng của Đảng… Là hậu sinh, tôi thường được nghe các cụ kể chuyện: Tờ Báo Cờ Giải Phóng in bài viết trong nước, quốc tế, có các bài viết vận động nhân dân xây dựng căn cứ địa; vạch trần âm mưu, thủ đoạn, chính sách tàn bạo của bọn phát xít Nhật, đế quốc Pháp; kêu gọi nhân dân đoàn kết, đứng dậy cứu nước và nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu phá hoại của địch.
Cho đến bây giờ, các bậc cao niên còn nhớ như in câu chuyện từ những năm trước ngày đất nước giành được độc lập. Hồi bấy giờ Tiên Thù là vùng đất hiểm trở, đời sống kinh tế khó khăn, nhưng lòng dân kiên trung theo Đảng. Đối diện với Tiên Thù ở bên kia dòng sông Cầu là xã Vân Xuyên (Hiệp Hòa, Bắc Giang), nơi đặt trạm liên lạc bí mật của Đảng. Chính vì thế mà Tiên Thù hội tụ được các yếu tố về địa lợi, nhân hòa nên Đảng lựa chọn làm ATK II trong suốt thời gian từ năm 1939 đến năm 1945.
Mải nghĩ, ngôi nhà của cụ Ngô Hải Long, xómYên Trung 2 đã ở ngay trước mặt. Chúng tôi bước vào, gặp ông Ngô Văn Thọ đang lúi húi lau dọn bên ban thờ. Ông Thọ là cháu bên nội của cụ Long, nên nghiễm nhiên trở thành người thờ tự ngôi nhà di sản Quốc gia này theo lệ tục. Ông Thọ chia sẻ: Chính ngôi nhà này, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ đã ở và làm việc trong thời kỳ hoạt động bí mật, như đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng; đồng chí Hoàng Quốc Việt, Thường vụ Trung ương Đảng. Các đồng chí trong Xứ ủy là Nguyễn Hải Lục, Nguyễn Trọng Tỉnh… Tôi đứng lặng người khi nhìn thấy ở gian chính giữa ngôi nhà, lá thư viết tay của Tổng Bí thư Trường Chinh và đồng chí Hoàng Quốc Việt gửi cho gia đình được treo trang trọng.
Còn vinh dự nào lớn hơn khi được tổ chức Đảng, Nhà nước tin tưởng, lựa chọn ngôi nhà của mình làm nơi chốn cho cán bộ Việt minh ở, làm việc - Ông Nguyễn Văn Công, cháu của cụ Lưu Thị Phận, xóm Ao Cả xúc động… Những người dân có quan hệ với cán bộ cách mạng có thể bị giặc Pháp và bọn tay sai ác ôn chặt đầu bêu chợ. Nhưng vì lòng căm thù giặc sâu sắc, cụ Phận và nhiều người dân Tiên Thù bấy giờ vượt nên nỗi sợ hãi, sẵn lòng mở cửa đón cán bộ cách mạng về ở, làm việc. Vì thế ngôi nhà của cụ Phận được Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ tin tưởng, chọn làm địa điểm bí mật đưa, đón cán bộ, phát hành Báo Cờ Giải Phóng, các tài liệu quan trọng. Cũng ngôi nhà này, các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng đã bí mật tổ chức một số cuộc họp quan trọng. Ghi nhận công lao của gia đình, Chính quyền Nhà nước đã gắn bia di tích, trên đó ghi rõ: “Nhà bà Lưu Thị Phận, nơi họp triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì, tháng 5-1941”.
Dưới tán đa cổ thụ do đồng chí Hoàng Quốc Việt trồng, tặng cán bộ, nhân dân xã Tiên Phong cách nay 32 năm trước, đồng chí Nguyễn Văn Giáp, Bí thư Đảng ủy xã tự hào: Hiện toàn xã có 27 xóm, với 3.999 hộ, 18.044 nhân khẩu; tổng số đảng viên đến nay có 490 đồng chí. Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, hầu hết các đảng viên đều phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu, xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân. Về phát triển kinh tế, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã ví von: Tiên Phong luôn đi đều bằng “2 chân” là nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Cả “2 chân” đứng chắc, đi khỏe bởi Đảng ủy xã luôn có chủ trương đúng đắn, chính quyền nhân dân vào cuộc bằng các giải pháp cụ thể, nên mỗi năm nông dân trong xã “làm ra” hơn 7.552 tấn lương thực, đáp ứng được yêu cầu về lương thực tại chỗ, với bình quân 418kg lương thực/người/năm. Tiểu thủ công nghiệp được xác định là khâu kinh tế đột phá mũi nhọn, do đó các làng nghề được mở rộng, từng bước tách khu vực sản xuất ra khỏi khu dân cư để sản xuất không gây ô nhiễm môi trường. Hiện, trên địa bàn xã có 1.108 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất kinh doanh dịch vụ khác, với giá trị mang lại đạt gần 460 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân đạt 46,1triệu đồng/người/năm 2019.
Cái dáng vẻ bình lặng của vùng đất Tiên Thù xưa được khỏa lấp bởi sự nhộn nhịp, bận rộn của cháu con xã Tiên Phong hôm nay. Ngay trên các trục đường trải nhựa từ trung tâm xã ra phố thị, tôi gặp những chuyến xe hối hả mang xi măng, sắt thép về xã. Rồi từ các làng nghề Tiên Phong, những sản phẩm mỹ nghệ được xếp ngay ngắn trên các thùng xe về phố. Tôi biết trong nhịp sống của thời hội nhập, dù có ồn ào hơn, thì người Tiên Phong vẫn có thói quen dành cho mình một khoảng lặng để nghiền ngẫm, đúc kết, vươn lên, không làm hổ danh truyền thống cách mạng cha ông mình tạo dựng.