Đọc sách là cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy tri thức, tăng cường khả năng tư duy, sáng tạo. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới văn hóa đọc của người dân, nhất là thế hệ trẻ.
Công nghệ phát triển, sự xuất hiện của nhiều kênh thông tin giải trí qua internet đã hình thành thói quen đọc tin tức trên mạng. Sự phong phú của vô số kênh thông tin, truyền hình, mạng xã hội… khiến không ít trẻ bị “cuốn” theo, dần xa rời thói quen đọc sách. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn cho rằng, đọc sách mất thời gian và chậm cập nhật kiến thức xã hội.
Sinh viên Đàm Đình Hoàng, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) cho biết: Chỉ cần một chiếc điện thoại kết nối mạng, khi muốn tìm hiểu một thông tin gì đó, tôi chỉ cần vài phút truy cập internet là có thể có đầy đủ tài liệu mình muốn, không nhất thiết phải ngồi hàng giờ để tìm đọc tại các thư viện.
Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng ghi nhớ tin tức, thông tin trên mạng thì Hoàng cũng như nhiều bạn trẻ khác lại bối rối, ngập ngừng. Bởi những tin tức, thông tin mà họ đọc được ở đó thường ngắn gọn, thậm chí sơ sài nên thiếu độ sâu về cảm xúc, không những không giúp ích cho việc sáng tạo, mà còn làm mất dần khả năng chủ động tư duy.
Mặt khác, tính đa chiều, không chính thống của nhiều thông tin trên mạng cũng làm cho bạn đọc hoang mang, rơi vào những “ma trận” về thông tin. Một bộ phận bạn trẻ thích đọc sách thì lại thiếu kỹ năng đọc, dẫn đến khó khăn trong lựa chọn các đầu sách phù hợp; hay chỉ đọc theo trào lưu rồi sau đó lại không đủ kiên nhẫn để đọc hết hoặc không hiểu được nội dung từ cuốn sách đó...
Nhằm khơi dậy và phát triển văn hóa đọc trong thanh, thiếu nhi, học sinh, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp giúp các bạn trẻ khơi dậy niềm đam mê đọc sách. Nổi bật là xây dựng mô hình “Tủ sách thanh niên”, “Tủ sách học đường” được triển khai tới 100% cơ sở Đoàn, Đội trực thuộc; duy trì mô hình sinh hoạt liên đội dưới cờ “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”, các công trình “Thư viện xanh”, “Thư viện ngoài trời” ở các nhà trường…
Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Thành đoàn Thái Nguyên, một trong các đơn vị thực hiện tích cực, hiệu quả mô hình “Tủ sách thanh niên” với đủ các đầu sách đa dạng về các lĩnh vực chính trị, pháp luật, kỹ năng sống… Đặc biệt, nhiều cuốn sách giá trị viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được các đoàn viên, thanh niên tìm đọc và gìn giữ cẩn thận. Hiện, Thành đoàn đã xây dựng 32 tủ sách thanh niên tại các xã, phường và trên 50 tủ sách học đường, thư viện thân thiện tại các trường học trên địa bàn.
Anh Nguyễn Thế Anh, Bí thư Đoàn phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) cho hay: Mô hình “Tủ sách thanh niên” của phường hiện có trên 300 đầu sách, được sắp xếp một cách khoa học, dễ tìm, dễ thấy. Các bí thư chi đoàn và đoàn viên đều có thể thoải mái lựa chọn những cuốn sách hay để nghiên cứu về công việc chuyên môn, kiến thức pháp luật, các mô hình, cách làm hay, tấm gương điển hình tiên tiến trong học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác...
Chia sẻ về thực trạng văn hóa đọc trong thanh, thiếu nhi hiện nay, chị Nguyễn Mỹ Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn nói: Thực tế phần lớn giới trẻ ngày nay chưa thực sự quan tâm và dành nhiều thời gian cho văn hóa đọc. Nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa đọc, không chỉ tổ chức Đoàn mà các cấp, ngành cần phải quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, cổ động, quảng bá sách đến cộng đồng. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường cũng có vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường cho thế hệ trẻ tiếp cận với những cuốn sách hay, ý nghĩa. Qua đó sẽ góp phần không nhỏ hướng các em đến nguồn tri thức vô giá từ sách.