Đối ẩm với nghệ nhân trà

08:15, 04/02/2022

Cuộc gặp gỡ giữa tôi và Hoàng Anh Sướng tưởng chỉ phút chốc thoáng qua như bao người tôi gặp trong đời, vậy mà không ngờ chúng tôi lại trở thành bạn thân thiết, có thể tâm tình chuyện đời và chuyện… trà.

“Uống” từng khoảnh khắc bình an

Là truyền nhân đời thứ 6 của thương hiệu trà Trường Xuân (Hà Nội), Hoàng Anh Sướng từng ra nước ngoài nói về trà Việt, đã tiếp hàng trăm đoàn khách quốc tế đến trà thất của anh hay mở nhiều lớp dạy về trà đạo và chế tác yêu thương bên chén trà. Tham dự một số buổi thiền trà, nghe nói chuyện về thưởng trà theo phong cách cung đình do anh tổ chức, tôi nhận thấy Hoàng Anh Sướng - một nghệ nhân trà nổi tiếng của Hà Nội - có nhiều quan điểm độc đáo về trà và cách thưởng trà.

Hoàng Anh Sướng cho tôi xem hỏa lò (bếp than) và chiếc ấm đồng nhỏ xíu chạm trổ tinh xảo anh được thừa kế. Đây là những vật dụng cơ bản cho một buổi uống trà theo phong cách đế vương xưa. Ngoài hỏa lò và ấm còn chiếc thuyền (bát hình thuyền nông lòng để giữ nóng cho ấm trà trong suốt thời gian uống); bát to sâu lòng (đựng nước khử trùng chén uống trà); cái cặp gỗ (dùng để cặp/gắp tráng chén), thìa xúc chè khô và tăm gỗ (để chọc miệng ấm nếu bị tắc). Tùy khách nhiều hay ít mà chọn ấm (tích) to hay nhỏ, mỗi ấm dùng pha một loại chè để không lẫn vị…

Nhìn Sướng ngồi trước bàn trà cụ sắp xếp đẹp mắt, chuẩn bị tâm thế pha trà, tôi thấy vị trí của khách (là tôi) được tôn lên đỉnh cao và trà Thái Nguyên tôi sắp uống không còn là chén trà bình thường. 

- Tất cả các công đoạn phải nhẹ tay, chị ạ - Sướng nói - Vì pha trà là nghi lễ dâng hiến tấm lòng thành thực với người đối diện, nên gương mặt phải tươi, miệng hơi cười mỉm, phong thái ung dung…

Sau khi trà từ chén tống “chia” vào chén con, Sướng nâng chén bằng năm ngón của bàn tay phải, bàn tay trái đỡ phía dưới, xoay nhẹ phần hoa văn đẹp nhất của chén ra phía trước, mời tôi cùng nụ cười thật tươi. 

Thấy tôi lúng túng đỡ chén trà, Sướng hướng dẫn:

- Chị đỡ lấy chén bằng tay trái, tay phải khum nhẹ che thân chén. Đưa chén trà ra trước mặt, cho mắt thưởng thức nét hoa văn xinh đẹp, ngắm miệng chén xinh xinh. Sau đó, đưa chén trà ngang mũi, cảm nhận hương trà thơm mùi sen tươi hay nhài quý. Rồi chị từ từ đưa chén trà lên, ngón tay ý tứ che khuôn miệng, nhấp một ngụm nhỏ, giữ vài giây cho mùi và vị trà tỏa trong vòm miệng rồi mới chậm rãi nuốt xuống… 

Câu chuyện của chúng tôi lúc này lại nói về bàn tay. Bàn tay người lao động chai sần gân guốc, đâu có mềm mại thuôn dài để khoe bên chén đẹp? Vâng, bàn tay có thể không đẹp nhưng chắc chắn phải sạch để không gây cảm giác khó chịu cho người đối diện - Sướng nói. Chén trà sẽ mất ngon nếu chủ nhân mời khách bằng bàn tay nhem nhuốc, móng tay dài và đen nhẻm. Cả ấm chén cũng vậy, có thể không đẹp, không sang trọng, nhưng dứt khoát phải sạch.

Là người Thái Nguyên “chính hiệu”, mỗi ngày pha và uống không ít hơn một ấm trà, mà lần đầu tôi biết cách cầm và trao chén trà. Hóa ra, tôi không chỉ đang uống trà mà đang “uống” cả văn hóa giao tiếp và khoảnh khắc bình an quý giá.

Hoàng Anh Sướng nói chuyện về trà đạo.

Hương trà mỏng manh nhưng mạnh mẽ

Mấy năm gần đây, trà sen được nhiều người ưa chuộng. Cũng đơn giản thôi, chỉ là “nhồi” chè búp vào trong đóa sen, gói lại bằng lá sen, vài ngày sau sẽ được “món” trà sen. Cũng có người cầu kỳ hơn, sau khi “ép” sen ngậm trà, họ để nguyên bông sen hồng tươi mà hút chân không rồi cho vào tủ bảo ôn. Mỗi bông sen pha được 2-3 ấm trà (tùy lượng khách), kể cũng tiện cho người làm và người ghiền trà sen. Nhưng Hoàng Anh Sướng lắc đầu với cách làm này. Từ nhiều năm nay, vào mùa sen, anh ra Hồ Tây từ mờ sáng để đón đợi giây phút ngắt những đóa sen mới nở mang về làm trà.

Vừa nhẹ tay “phẩy” lớp gạo sen cho rơi vào lòng lá sen, Sướng nhỏ nhẹ: - Ướp chè sen rất lắm công phu, đòi hỏi ở người ướp chè sự nhẫn nại, đôi tay tinh tế và diệu nghệ. Đặc biệt, tâm hồn phải sạch trong, nhân hậu, thuỳ mị, đoan trang. Bởi hương sen rất cao quý, tinh khiết, một chút bụi nhơ cũng làm vẩn đục hương hoa. Khi ướp, người ta rải một lớp trà rồi một lớp mỏng gạo sen, rồi lại một lớp trà, một lớp gạo sen, cứ thế cho đến khi hết trà. Thời gian ướp tuỳ thuộc vào độ ẩm của gạo sen nhiều hay ít, thường từ 18 đến 24 giờ.

Sau đó, đem sàng để loại bỏ những hạt gạo sen. Trà đã sàng xong cho vào một chiếc túi bằng giấy chống ẩm để giữ lấy cả hương sen lẫn hương trà rồi sấy cho đến khi cánh chè khô, hương sen quyện vào trà. Mỗi cân chè ướp cần từ 1.000 đến 1.200 bông hoa sen. Cho nên, mỗi cân chè sen được đổi bằng 2-3 chỉ vàng mà người sành chè vẫn nao nức tìm mua bằng được.

Lần nào đến nhà của Hoàng Anh Sướng, tôi cũng được mời trà sen. Chén trà trên tay lúc này với tôi lúc này là sự thiền định tĩnh tâm để lắng nghe và chia sẻ. Nhiều chuyện thú vị chúng tôi đã trao đổi quanh chén trà sen. Ví như xuất xứ của từ “trà nô”, về thiền trà, hay đơn giản như cách dùng từ “chè” và “trà” sao cho hợp cảnh.

Nói về chè Thái Nguyên, Hoàng Anh Sướng băn khoăn bày tỏ: - Loại chè đắt tiền và ngon nhất của Thái Nguyên tại sao lại đặt tên là chè Đinh? Đó không phải một cái tên đẹp. Có lẽ người làm chè đặt ra cái tên mộc mạc này dựa theo hình dáng của sản phẩm, nhưng người quản lý, phân phối, quảng bá nên tinh tế hơn, cho nó cái tên hấp dẫn và thu hút khách hàng hơn. “Phát hiện” của Hoàng Anh Sướng khiến tôi “giật mình”. Phải chăng đó là cách ứng xử còn thiếu nhạy cảm của người Thái Nguyên với sản phẩm trứ danh mà ta luôn tự hào?

Không chỉ đam mê trà đạo, Hoàng Anh Sướng và những người bạn còn giúp đỡ các em nhỏ ở vùng cao, vùng sâu bằng cách xây trường học, tặng bàn ghế, máy tính... Phân trường Tiểu học Dương Tự Minh (xóm Đồng Niêng, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) là một công trình như thế. Hương trà mỏng manh nhưng mạnh mẽ đã gắn kết những trái tim thiện nguyện vì cộng đồng như thế.