Hiếm có một cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ Thành cổ Quảng Trị với nhiều tư liệu phong phú, sống động về chiến dịch 81 ngày đêm như tiểu thuyết Hương của Nguyễn Thụy Kha. Tác giả chọn tên Hương cho cuốn tiểu thuyết, không chỉ là tên người con gái người lính mang tên Lĩnh yêu suốt cuộc đời mà còn là một nén hương thơm tưởng nhớ bao lớp người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Từ sau 1975, đề tài chiến tranh cách mạng vẫn vô cùng cuốn hút các cây bút văn xuôi, dẫn đến sự ra đời của nhiều tiểu thuyết gây tiếng vang như: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ăn mày dĩ vãng, Nắng đồng bằng (Chu Lai), Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán)... Nhưng có lẽ hiếm có một cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ Thành cổ Quảng Trị với nhiều tư liệu phong phú, sống động về chiến dịch 81 ngày đêm như tiểu thuyết Hương của Nguyễn Thụy Kha. Điều thú vị hơn nữa, đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên với đề tài lịch sử - chiến tranh - cách mạng của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, được ra đời đúng dịp kỷ niệm tròn nửa thế kỷ chiến dịch Thành cổ.
Cuốn tiểu thuyết dày 350 trang, được tác giả viết với một bút pháp khá đặc biệt. Đó là sự trộn lẫn giữa hư cấu và phi hư cấu, giữa tự sự và đồng hiện. Một cốt truyện được xây dựng khá ly kỳ, độc đáo.
Lĩnh - nhân vật chính của tác phẩm là một giáo viên trẻ đã nhanh chóng rời giảng đường để xung phong vào chiến trường ác liệt khi Tổ quốc cất lên tiếng gọi. Mối tình lãng mạn, bất ngờ đã ập đến giữa Lĩnh và Hương - một cô gái mở quán bán hàng ngay giữa lòng thị xã trong những ngày Quảng Trị giải phóng.
Nhưng rồi Lĩnh nhận được lệnh phải rút ra Đông Hà và tiếp đó là những ngày quân đội Việt Nam cộng hòa tái chiếm Thành cổ. Truyện đi đến một bước ngoặt quan trọng và cực kỳ táo bạo, đó là Lĩnh quyết định “đào ngũ ngược”, quay trở lại vùng tái chiếm để tìm người yêu. Không những không tìm được Hương, Lĩnh còn bị bắt làm tù binh và sau Hiệp định Paris mới được trả tự do bên dòng Thạch Hãn.
Mạch truyện không đi theo thời gian tuyến tính mà được kể lại rất tự do, vừa theo dòng thời gian hiện tại, vừa đan xen những hồi tưởng và lời kể của các nhân vật. Bên cạnh lời kể của Lĩnh là lời kể của Bao - người bác sĩ đã thăm khám và chữa trị, giúp Lĩnh sớm bình phục sau khi bị thương và bị bắt làm tù binh. Cũng chính Bao sau đó vô tình gặp Hương, khi Hương đang mang trong mình giọt máu của Lĩnh. Bao quyết định cưới Hương và sau đó hai người bay sang Mỹ trong ngày di tản lịch sử 29/4/1975.
Phải đến hơn 40 năm sau, Lĩnh trong chuyến công tác sang Mỹ mới bất ngờ gặp lại Bao và biết thông tin về Hương (Hương khi ấy đã qua đời vì bệnh ung thư), cũng là lần đầu gặp đứa con gái của Lĩnh và Hương là Thơm, nay đã là một phụ nữ trưởng thành.
Cuộc gặp mặt giữa Lĩnh - Bao - Thơm trở thành cuộc hội ngộ trùng phùng nghẹn ngào với biết bao cảm xúc về những năm tháng đã qua. Những kỷ niệm với Hương từ ngày đầu gặp gỡ như một cuốn phim quay chậm cứ hiện dần trong trí nhớ của Lĩnh, từ bài hát Diễm xưa anh được nghe cô hát, cho đến những bài hát anh dành tặng cho cô, những bài thơ anh viết tặng cô, những bài anh dạy cô hát, những buổi chiều lang thang đi dạo cùng nhau, những đêm ân ái mặn nồng…
Thêm một bất ngờ nữa khi Lĩnh phát hiện ra Thiện, chồng Thơm chính là con trai của sĩ quan Lê Hữu Thân, một người lính phía bên kia nhưng đã hết lòng che chở cho Lĩnh qua suốt các trại giam ở Huế và Đà Nẵng cho đến ngày trao trả tù binh. Phải chăng có một liên kết tâm linh kỳ lạ đã kéo những con người có duyên phận trở lại và tìm lại bên nhau.
2. Không khó để nhận ra Lĩnh là một hóa thân của chính tác giả Nguyễn Thụy Kha, người đã có nhiều sáng tác được công chúng biết đến rộng rãi trên cả hai lĩnh vực thơ và nhạc. Nhiều bài thơ, ca khúc hiện ra trong những câu chuyện của Lĩnh và Hương, chính là các sáng tác của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha trong đời thực: Em thoáng hiện một làn gió nhẹ/ Thanh mảnh như đất nghèo Quảng Trị/ Nhưng giọng hát tràn ra/ Chẳng chối từ cũng chẳng kịp quay đi/ Muốn trốn chạy cũng không kịp nữa/ Ai đem men say ủ vào làn gió/ Giọng hát em rượu chảy trong ta.
Quảng Trị luôn là một nỗi nhớ thương day dứt khôn nguôi trong lòng Lĩnh - nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, cũng là nỗi nhớ thương trong lòng người cựu binh Nguyễn Thụy Kha, bởi ông chính là một trong những người lính đã tham gia chiến dịch này với vai trò của một chiến sĩ thông tin liên lạc.
Rất nhiều bài thơ về Quảng Trị của một Nguyễn Thụy Kha trong đời thực đã ra đời, hòa quyện nhuần nhuyễn trong dòng tâm trạng cảm xúc của nhân vật Lĩnh: Đo trên bản đồ hơn cây số vuông/ Mà gặp ở đây tan tành bao miền đất/ Nhưng nơi nào? Nơi nào đau nhất/ Để suốt đời tôi không gặp lại Cổ Thành/ Để suốt đời không gặp lại các anh/ Một mùa hè nung nấu/ Mùa hè ấy gạch chảy ra như máu/ Máu dựng lên che chở những căn nhà (Nhớ nắng).
Bài hát Lĩnh viết tặng Hương cũng là bài hát của Nguyễn Thụy Kha trong đời thực: Nắng phai vàng nhạt dần/ Màu tím loang về ngập tràn/ Làn gió rì rào thì thầm/ Sóng sông Thạch Hãn xanh miên man/ Cớ sao trời về chiều/ Niềm nhớ thương lại càng nhiều/ Hình dáng yêu kiều/ Của người tôi mới thầm yêu (Chiều về).
Với bút pháp trộn lẫn hư cấu và phi hư cấu, độc giả còn được gặp lại trong tiểu thuyết một loạt các ca khúc đã trở thành kinh điển trong lịch sử tân nhạc và dòng ca khúc cách mạng, dòng phản chiến cũng như nhiều tác phẩm tiêu biểu khác trong suốt thế kỷ 20 của Việt Nam, như: Thiên Thai (Văn Cao), Bài ca hy vọng (Văn Ký), Chiếc lá cuối cùng (Tuấn Khanh), Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao), Tình hoài hương (Phạm Duy), Người mẹ Ô Lý, Vết lăn trầm (Trịnh Công Sơn), Ngôi sao ban chiều (Đinh Tiến Hậu)…
Nhiều nhân vật nổi danh trong làng văn nghệ, thực chất đều là chỗ thân tình với nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã đi vào tiểu thuyết để trở thành những người bạn của Lĩnh. Đó là nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, ca sĩ Minh Hải... Có những nhân vật đã được “ảo hóa” về tên gọi, những độc giả vẫn có thể dễ dàng nhận ra nguyên mẫu. Đó là nhà thơ Lê (nguyên mẫu là Du Tử Lê), giám đốc Quang (nguyên mẫu là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều).
Nhiều tư liệu sống động về cuộc chiến Thành cổ từ các cuốn hồi ký, nhật ký đã xuất bản được Nguyễn Thụy Kha sử dụng rất thành công, như các cuốn Khúc tráng ca Thành cổ (Trần Lê An chủ biên), thơ và nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn, nhật ký của cựu binh Đào Chí Thành… Tất cả những trang tư liệu quý giá ấy cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến khốc liệt Thành cổ mà những người chiến sĩ phải giành giật từng thước đất, khi mỗi mét đất là mỗi mét máu, khi lượng bom đạn mà Mỹ đổ xuống tương đương với 7 quả bom nguyên tử đã từng ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Đã có biết bao người lính ngã xuống, mỗi người hy sinh trong một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều bất khuất kiên cường đến giây phút cuối cùng.
Mạch truyện đi từ quá khứ xa đến quá khứ gần rồi về đến hiện tại, trong những câu chuyện của Lĩnh với Xuân, với Nam, với Bao. Tình bạn hiếm có của Lĩnh và Bao trở thành một biểu tượng về hòa hợp và hòa giải dân tộc, khi giữa hai con người ở hai bên chiến tuyến tìm được nhiều sự đồng điệu trong tâm hồn, từ việc quan tâm đến lịch sử dân tộc cho tới tình yêu với văn chương, nghệ thuật.
Bóng dáng nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu của thế kỷ 20 lần lượt hiện lên với các khắc họa đậm nhạt khác nhau. Ngoài những nhân vật chúng tôi đã kể ở phần trên, còn có nhiều bậc tài danh khác cũng hiện lên trong các trang văn của tiểu thuyết Hương, như: nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Chu Hoạch, nhà thơ Lê Huy Quang, họa sĩ Lê Thiết Cương… Tất cả các nhân vật được nhắc tới, được miêu tả đều nằm trong một tinh thần chung của tác phẩm: đó là sự tôn vinh tình yêu, tình bạn, là khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước, khát vọng tự do trong sáng tạo nghệ thuật, khao khát cháy bỏng về hòa hợp hòa giải dân tộc.
Nhân vật Lĩnh trong tiểu thuyết Hương, vì mối tình sâu nặng với người con gái anh yêu, đã nguyện lựa chọn cuộc sống độc thân suốt cuộc đời mình. Trở về đời thường, Lĩnh làm một công việc khá đặc biệt, đó là nghề “đánh mối” để cứu sống những quyển sách ở từng gia đình. Nghề của Lĩnh có lẽ được tác giả gửi gắm những ngụ ý quan trọng về mặt tư tưởng, đó là sự lưu giữ lại các giá trị lịch sử, văn hóa, văn tự, cũng đồng thời mang một ý nghĩa giáo dục cho cả cộng đồng phải biết trân trọng những giá trị tinh thần, trân trọng từng trang vàng lịch sử của dân tộc mà các thế hệ cha anh đã đổ biết bao xương máu.
Tiểu thuyết Hương kết thúc với chi tiết vợ chồng Thiện - Thơm (con gái Lĩnh) cùng bay về Hà Nội thăm Lĩnh và cùng ông đi vào Quảng Trị để tưởng nhớ Hương bên dòng sông Thạch Hãn. Bao cũng bí mật bay thẳng về Quảng Trị để vợ chồng Thiện - Thơm bất ngờ. Đoạn cuối của tiểu thuyết vì thế tạo được không khí lắng đọng, sâu nặng, tràn đầy lòng thành kính biết ơn, sự thủy chung tình nghĩa.
Chọn tên Hương cho cuốn tiểu thuyết, không chỉ là tên người con gái Lĩnh yêu suốt cuộc đời mà còn là một nén hương thơm tưởng nhớ bao lớp người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Những câu hát bài Tình em (Huy Du) nhẩm trên môi Lĩnh tạo một dư âm vang vọng ngân nga cho tác phẩm: Có gì đâu em ơi/ Tình yêu là sự sống/ Nên nắng hừng trong lòng/ Mạch đời căng máu nóng.
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin