Trụ sở UBND phường Tiên Phong (TP. Phổ Yên) hôm ấy rất đông vui. Ô tô, xe máy để kín sân, phông sân khấu treo dòng tiêu đề trang trọng: “Lễ ra mắt tiểu thuyết Lửa thiêng của tác giả Phan Thức”. Trong thành phần khách mời, chúng tôi thấy ngoài cán bộ đang làm việc tại đây, đại diện 36 chi bộ của Đảng bộ phường, nhiều văn nghệ sĩ của Hội Văn học nghệ thuật Phổ Yên, của tỉnh, thành… còn có một số nhân chứng, con cháu của nhân vật lịch sử bước vào sách. Họ háo hức đón nhận những trang viết về chính ông cha họ.
Các đại biểu chúc mừng tác giả Phan Thức tại Lễ ra mắt tiểu thuyết Lửa thiêng. |
Khoảng 2 năm trước, tôi đã nghe tác giả Phan Thức nói đến ý tưởng viết cuốn sách về vùng đất ATK2 Tiên Phong này. Sinh sống ở Phổ Yên hơn 50 năm, ông Phan Thức mê đắm vùng đất giàu truyền thống lịch sử và đã bước đầu gặt hái thành công khi xuất bản cuốn “Thượng thư Đỗ Cận”, nói về cuộc đời và sự nghiệp vị Tiến sĩ đầu tiên của Thái Nguyên dưới thời vua Lê Thánh Tông trị vì (1460-1497), ở thôn Thống Thượng, xã Minh Đức.
“Lửa thiêng” là cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ hai của ông, viết về vùng An toàn khu (ATK 2) Phổ Yên, ra mắt đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập ATK 2 (1943-2023).
Theo đánh giá của Nhà văn Hồ Thủy Giang thì với 17 chương của cuốn sách này, tác giả Phan Thức đã vượt qua nhiều thách thức về thể tài, về tư liệu. Các nhân vật chính trong tiểu thuyết như Hải Long, Duy Phương, Hoàng Quốc Việt, Tổng Bí thư Trường Chinh được tái hiện sinh động và để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc.
Tuy nhiên, điều để lại ấn tượng đẹp trong tôi không chỉ ở cuốn sách được viết ra bởi tình cảm và tài năng của tác giả Phan Thức, mà còn ở thái độ ứng xử văn minh, trách nhiệm, trân trọng truyền thống của đội ngũ cán bộ xã (nay là phường) Tiên Phong.
Tôi được biết, đội ngũ lãnh đạo ở đây đã tích cực tổ chức thu thập các chứng cứ và làm thủ tục đề nghị cấp trên xét duyệt công nhận Tiên Phong là ATK2. Vì vậy năm 1990, bốn địa điểm có liên quan đến ATK2 đã được Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Đó là nhà ông Ngô Hải Long (nơi đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt đến ở và làm việc những năm 1941-1945; nhà bà Hoàng Thị Úc (bà Tỳ), nơi Xứ uỷ Bắc Kỳ đặt cơ sở in báo Cờ Giải phóng năm 1942; nhà bà Lưu Thị Phận (nơi đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, chủ trì Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương VIII, tháng 10-1941) và Soi Quýt (nơi đồng chí Trường Chinh hoạt động cách mạng).
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm bên cây đa do đồng chí Hoàng Quốc Việt trồng năm 1988. |
Năm 2003, xã Tiên Phong được công nhận là ATK2. Đặc biệt, năm 2017, Đảng uỷ xã Tiên Phong đã phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật và Ban Tuyên giáo Thị uỷ Phổ Yên biên tập, xuất bản cuốn sách “Tiên Phong - Vùng đất địa linh”. Cuốn sách được phát hành đến nhiều vùng, miền cả nước.
Tác giả Phan Thức cho biết: Từ khi lên ý tưởng đến khi hoàn thành tác phẩm, tôi được các đồng chí lãnh đạo phường Tiên Phong đặc biệt quan tâm. Đồng chí Nguyễn Văn Giáp, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND phường Tiên Phong và đồng chí Nguyễn Hữu Chinh, nguyên Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Tiên Phong (thời kỳ trước và sau năm 2000), đã trao đổi, cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quý. Mặc dù tôi nghiên cứu tư liệu công phu, dành nhiều thời gian đi thực tế, gặp gỡ nhân chứng trước khi bắt tay vào viết, nhưng hai đồng chí đã trực tiếp đọc bản thảo, tham gia một số chi tiết cho cuốn sách xuất bản chính xác, chất lượng nhất. Tập thể Thường trực Đảng uỷ, UBND phường Tiên Phong cũng họp nhiều lần, thống nhất giúp đỡ tác giả kinh phí để xuất bản sách và tổ chức ra mắt sách, cũng như phương thức phát hành sách đến các chi bộ trong Đảng bộ.
Trao đổi với tôi, đồng chí Nguyễn Văn Giáp khẳng định: Giữ gìn và tôn vinh truyền thống tốt đẹp là quan điểm xuyên suốt của các thế hệ lãnh đạo ở đây. Vùng đất này luôn đón chào và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các văn nghệ sĩ, các nhà báo đến tìm hiểu.
Riêng tôi nghĩ, không hẳn chỉ là buổi lễ ra mắt sách, mà những gì Tiên Phong đang làm là cách ứng xử với lịch sử thật đáng trân trọng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin