Người lái đò trên sông đời

10:00, 14/11/2015

Có lẽ ít quốc gia nào như Việt Nam, trong mỗi tháng đều có một đến vài ngày kỷ niệm. Tháng 11 cũng có nhiều ngày kỷ niệm, nhưng có lẽ Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) có ý nghĩa đặc biệt nhất bởi đó là ngày cộng hưởng cho tất cả mọi người.

Muốn sang thì bắc cầu kiều/ muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy, chẳng biết tự bao giờ, lời ru ngọt ngào ấy đã ăn vào tiềm thức người Việt. Thầy, ấy là danh từ được dùng để chỉ nhiều nghề: thầy cúng, thầy bói, thầy mo, thầy phong thủy... nhưng chỉ có Thầy giáo và Thầy thuốc là được xã hội mọi thời trân trọng: trọng việc và trọng người làm công việc ấy.

 

Thầy giáo, nét nghĩa đầu tiên của danh từ này, dành chỉ người được đào tạo, có năng lực sư phạm, dạy ở trường các cấp phổ thông và lên trên đại học, trường nghề. Không phải ngẫu nhiên mà nghề dậy học được coi là nghề cao quý trong những nghề cao quý. Và để tôn vinh nghề giáo Ngày nhà giáo Việt Nam là ngày lễ hội của ngành Giáo dục Ngày để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn với những người thầy.

 

Ngày Nhà giáo Việt Nam có từ 1982, nhưng truyền thống trọng thầy đã vài ngàn năm, là một giá trị của văn hiến Việt Nam. Ơn cha, nghĩa mẹ, công thầy là đạo lý căn bản của đạo làm người. Từ xa xưa, tục ngữ lưu truyền: “Không thầy, đố mày làm lên”. Khi chưa có ngày nhà giáo, người Việt đã biết đáp nghĩa thầy bằng công sức lúc nhà có việc, có đám, khi ốm đau, hay trong dịp Tết sum vầy: Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy. Thời phong kiến, nhà giàu có, quyền thế có điều kiện nuôi thầy đồ trong nhà, dạy chữ cho con. Và cũng trong thời phong kiến ấy không hiếm trò nghèo, được thầy cho ở trọ, thiếu tiền đóng học thì làm lụng trả ơn. Thầy xem sự học, nết ăn, nết ở ưng cái bụng nhận làm con nuôi, có khi còn gả con gái cho. Trò dùi mài kinh sử, thi đỗ làm quan, về làng thăm thầy, vẫn xuống ngựa từ đầu làng, lễ nghĩa như ngày xưa cũ, nghe thầy dạy như khi về nhà.

 

Người đời ví nhà giáo như người lái đò đưa khách sang sông, mỗi môn học một thầy, một đời học, ta có hàng trăm thầy “chèo đò”. Đưa trò sang bờ kia, bờ kiến thức, thầy trở về bắt đầu chuyến đò khác - niên khóa mới. Cả một đời dậy học với bao chuyến đò thầy chẳng bao giờ nhớ hết lớp học trò mình đã chèo lái qua sông, có chăng chỉ là những trò đặc biệt. Cả một đời cống hiến cũng chẳng thầy nào nghĩ đến chuyện học trò đến tạ ơn mình, chỉ mong sao sự học như những nấc thang tri thức mà mỗi trò, tùy sức học, hoàn cảnh, qua được, lên cao làm người có ích cho bản thân cho xã hội. Ấy là sự đền đáp thiết thực nhất mà người thầy nào cũng mong mỏi ở mỗi học trò của mình.

 

Lịch sử dân tộc ta đã lưu danh những bậc thầy “đức cao vọng trọng” - tấm gương sáng ngời về cốt cách thanh cao; không bị cám dỗ bởi tiền tài và danh vọng. Tên tuổi những nhà giáo nổi tiếng ấy đã làm rạng danh nền giáo dục nước nhà, khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Dân tộc ta không bao giờ quên hình ảnh nữ nhà giáo đầu tiên vào thế kỷ XV là bà Ngô Chi Lan, quê ở Phù Lỗ, Kim Hoá, Sóc Sơn đã được vua Lê Thánh Tông mời vào cung dạy học. Thầy Đỗ Năng Tế là thầy giáo của hai Bà Trưng - những phụ nữ đầu tiên của dân tộc dựng cờ khởi nghĩa, chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Các thầy Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Thiếp, Lê Đình Diên, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Sinh Sắc… đều là những tấm gương tiêu biểu về nhân cách ngời sáng của người thầy mẫu mực, tài giỏi, ngay thẳng, cương trực, không màng danh lợi.

 

Lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã từng dạy học ở trường Dục Thanh - Phan Thiết. Dù thời gian thầy Thành dạy học ở đây rất ngắn nhưng đã khai sáng tâm hồn học trò về đạo lý, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc qua mỗi bài giảng. Người cũng chính là người thầy đầu tiên truyền lý tưởng cộng sản, con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Các thế hệ học trò của thầy không những cùng thầy sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người thầy - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kỳ vọng, tin tưởng vào thế hệ trẻ Việt Nam, vì vậy, trong lễ khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có trở nên vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ công học tập của các cháu”.

 

Tiếp tục con đường người thầy đã chọn, những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Trường Chinh… trước khi trở thành nhà lãnh đạo tài ba của đất nước đã từng làm nghề “ươm mầm xanh” ở một số trường học. Họ tiếp tục sự nghiệp mà người thầy vĩ đại của dân tộc để lại, không chỉ cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân viết nên những chiến công chói lọi ở thế kỷ XX mà còn từng bước đưa nền giáo dục nước nhà sánh vai cùng bạn bè năm châu. Nhà giáo Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Ngọc Ký… và biết bao tấm gương người thầy đã trở thành thần tượng, làm rung động triệu triệu trái tim, khối óc các thế hệ học sinh, sinh viên trong và ngoài nước. Họ đã cống hiến hết mình không chỉ cho sự nghiệp giáo dục mà còn cống hiến suốt cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, đưa dân tộc ta đến bến bờ vinh quang. Tên tuổi nhiều nhà giáo đã được dùng đặt tên cho các trường học, đường phố, công trình, giải thưởng của các cuộc thi và trở thành biểu tượng sáng ngời về trí tuệ, nhân cách người thầy!

 

Trong kháng chiến vĩ đại của dân tộc, lớp lớp thầy giáo trẻ theo tiếng gọi của lý tưởng cách mạng cao đẹp đã ra trận, cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cùng các thế hệ cha anh viết nên bản hùng ca bất tử, khắc ghi tên mình vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Ở lại hậu phương, các thế hệ người thầy tiếp tục truyền lửa đến học trò, để rồi từ bục giảng, chính các thầy cô khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc, nuôi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên. Mỗi bài giảng của thầy như thôi thúc học trò tiếp bước cha anh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xếp bút nghiên lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thực hiện lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

 

Đất nước hòa bình, thống nhất, vượt lên bao vất vả, lo toan của cuộc sống thường nhật, hình ảnh người thầy vẫn hiện lên sáng ngời, kiên trì thắp lửa, truyền đạt tri thức, sưởi ấm tâm hồn thế hệ tương lai với nghĩa cử cao đẹp “tất cả vì học sinh thân yêu”. Nhiều thầy, cô giáo đi theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước cũng là lương tâm, trách nhiệm không quản ngại nắng mưa, tình nguyện mang ánh sáng của con chữ đến với học sinh và kiến thức xây dựng kinh tế đến đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giúp họ vượt lên rào cản hủ tục, thoát khỏi cái nghèo, cái đói. Họ là những người thầy kiên trì, miệt mài và tảo tần, quyết tâm gieo chữ trên ngàn để ươm trồng, tưới bằng những dòng nước hy vọng và niềm tin mãnh liệt vào tương lai thoát khổ, thoát nghèo của đồng bào ở vùng khó khăn nhất đất nước. Không ít các thế hệ giáo viên đã cống hiến và gắn bó cả quãng đời thanh xuân của mình ở vùng biên giới, hải đảo xa xôi và đã trở thành “hoa của núi rừng!”.

 

Ai nâng cánh ước mơ cho em/Là thầy cô không quản ngày đêm/Ai dậy dỗ chúng em lên người/Là thầy cô em ghi nhớ suốt đời…Vâng, thầy giáo, những người không quản ngày đêm nâng cánh ước mơ cho bao thế hệ học trò, họ đã và đang lặng lẽ là người lái đò trên dòng sông cuộc đời.