Thứ 3, 13/05/2025, 00:49

Tháng Năm trên quê hương các dân tộc mang họ Hồ ở A Lưới

09:20, 18/05/2008

Muối Cụ Hồ, gạo Cụ Hồ là hạt muối, hạt gạo nghĩa tình và cán bộ, bộ đội Cụ Hồ là hình ảnh đẹp, gần gũi thân thương với đồng bào các dân tộc ở miền núi cao A Lưới. Nhiều người đã xin được lấy họ Cụ Hồ làm họ của mình.

 A Vai là người dân tộc Pacô ở miền núi cao A Lưới, bên sườn đông dãy Trường Sơn hùng vĩ. A Vai kể: Lớn lên đã thấy đồng bào mình khổ rồi. Toàn ăn củ mài, củ mì thay cơm; đốt cỏ tranh ăn thay muối... Cuộc sống đã vậy lại còn thêm 2 tròng áp bức nên càng cực khổ. Chính vì vậy, nối tiếp cha anh, A Vai đi theo Cách mạng khi mới 12-13 tuổi.

 

 A Vai được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1968 khi mới 25 tuổi. Và cũng năm đó ông được ra miền Bắc học tập và gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Con người trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, giặc phải khiếp sợ ấy lại không cầm được nước mắt sung sướng khi được gặp Bác, khi kể cho Bác nghe đời sống của bà con ở quê hương mình...  

 

Từ những năm chống Pháp, hình ảnh Bác Hồ đã in đậm trong tâm trí nhân dân các dân tộc A Lưới.  Muối Cụ Hồ, gạo Cụ Hồ, là hạt muối, hạt gạo nghĩa tình và cán bộ, bộ đội Cụ Hồ  là hình ảnh đẹp, gần gũi thân thương. Chính vì vậy, từ những năm 1957, nhiều thanh thiếu niên các dân tộc A Lưới đã tự nguyện lấy họ Bác để làm họ cho mình. Điều đó thể thể hiện tấm lòng biết ơn của mình với Bác Hồ kính yêu.

 

Đặc biệt vào ngày 5/9/1969, trong buổi lễ truy điệu Bác, cán bộ và nhân dân các dân tộc Pacô, Pahy, Kơtu, Tà Oi ở A Lưới đã tự nguyện mang họ của Bác Hồ làm họ của mình. Điều này thể hiện niềm tin tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ.

 

Vâng lời Bác dạy, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới không tiếc xương máu, đóng góp sức người sức của cho cách mạng, cùng cả nước giành thắng lợi cuối cùng, thống nhất đất nước.

 

Toàn huyện có hơn 550 người con hy sinh cho cách mạng; 10 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 14 trong tổng số 21 xã được phong tặng danh hiệu anh hùng và có 8 anh hùng lực lượng vũ trang như Hồ Vai, Hồ Kan Lịch, Hồ A Nun... Nữ anh hùng Hồ Kan Lịch giờ đây rất vui khi được kể chuyện về Bác Hồ cho bọn trẻ trong làng.

 

Trong những năm đổi mới, những người vinh dự mang họ Hồ ở A Lưới bắt tay vào làm kinh tế phát triển trồng cây lúa nước, vườn, rừng. Đến nay, diện tích gieo trồng mùa vụ toàn huyện đạt hơn 5.000 héc ta, chính vì vậy, từ chỗ nhiều vùng thiếu ăn phải chờ Nhà nước trợ cấp, đến nay A Lưới đã đảm bảo đủ lương thực với bình quân lương thực đầu người đạt gần 320kg/năm. Cây cà phê, cao su, cây chuối xuất khẩu tìm được chỗ đứng trên mảnh đất này với diện tích hơn 1200 ha. Huyện tranh thủ được nhiều chương trình, dự án hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con.

 

Nhận xét về sự đổi thay của quê hương mình sau hơn 20 năm đổi mới, ông Hồ Văn Lên, người dân tộc Pa Cô ở xã Hồng Kim, huyện A Lưới nói: Đồng bào  các dân tộc thiểu số ở A Lưới rất tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ. Nhờ ơn Đảng, ơn Bác nên cuộc sống của chúng tôi ngày càng được cải thiện. Hiện nay, gia đình tôi đã có đủ gạo, đủ muối để ăn, được hỗ trợ xoá nhà tạm, có điện thắp sáng, nước sạch.

 

Từ khi có đường Hồ Chí Minh mở qua, đời sống của nhân dân huyện A Lưới được cải thiện rõ rệt do thuận lợi trong giao lưu, mua bán hàng hoá. Con đường mang tên Bác đã góp phần mở mang dân trí, phát triển đời sống tinh thần cho bà con... Tuy nhiên, là một vùng đất chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, mà di chứng để lại là chất độc da cam nên trong những năm qua, tình hình kinh tế xã hội của huyện phát triển chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn tới 27%.

 

Để thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2020 xoá được đói, giảm được nghèo, đặc biệt là nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện A Lưới chú trọng mở rộng diện tích cây cao su, cà phê, tranh thủ các chương trình, dự án cho dân vay vốn phát triển sản xuất. Đồng chí Hồ Văn Trừ, Bí thư huyện uỷ A Lưới cho biết: “Cùng với phát triển kinh tế, A Lưới phấn đấu hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, mở thêm nhiều trường phổ thông trung học và dân tộc nội trú để con em đồng bào các dân tộc có điều kiện học hành, nâng cao dân trí”.

 

 Những ngày này, trong câu chuyện với cán bộ và nhân dân A Lưới, ai cũng phấn khởi với chủ trương xây dựng Nhà lưu niệm Bác Hồ trên quê hương A Lưới để mỗi dịp Lễ, Tết và đặc biệt ngày 19/5, ngày 2/9 những người con dân tộc các bản làng A Lưới mang họ Hồ được về bên Bác, để khắc sâu thêm lời Bác dạy Đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng A Lưới giàu mạnh để "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".