Chủ động phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển y tế

10:00, 25/02/2009

Năm 2008, tình hình dịch bệnh trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tâm lý của ng­ười dân, nhưng trên địa bàn tỉnh ta không có dịch lớn xảy ra.

Để đạt kết quả trên, ngành Y tế đã chủ động phòng, chống dịch và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các hoạt động chỉ đạo, giám sát dịch, tập huấn, truyền thông phòng, chống dịch bệnh được triển khai rộng khắp và duy trì thường xuyên nên không có trường hợp nào tử vong do dịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những vụ dịch nhỏ như cúm, quai bị, thủy đậu - zona, tiêu chảy, lỵ xảy ra rải rác ở các địa phương.

 

Đặc biệt, trong năm đã xảy ra 2 vụ dịch tả với 16 người mắc. Ngành Y tế đó kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ những biện pháp tích cực như cách ly điều trị bệnh nhân, xử lý môi trường, tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp liên ngành khống chế kịp thời, không để lây lan ra cộng đồng. Qua đó cho thấy hệ thống dự phòng từ tỉnh xuống cơ sở đã hoạt động có hiệu quả và đi vào nền nếp nên dịch bệnh không có biến động lớn so với những năm tr­ước.

 

Chương trình phòng, chống sốt rét, HIV/ AIDS, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em-kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng, chống bệnh phong, bệnh lao… được triển khai đồng bộ theo đúng kế hoạch đã đề ra và đạt hiệu quả cao. Số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế Nhà nước ngày một tăng. Tổng số lượt bệnh nhân điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viên đa khoa tuyến huyện là 120.709 lượt (năm 2007 là 114.412 lượt). Hầu hết các bệnh viện đều đạt và vượt kế hoạch giường bệnh. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân toàn tỉnh đạt 157,53%, trong đó tuyến tỉnh đạt 154,67%, tuyến huyện đạt 160,40%. Số lượt người dân được chăm sóc y tế tăng từ 1,67 lần/người/năm 2007 lên 1,91 lần/người/năm 2008, trong đó tuyến tỉnh là 0,38 lần/người/năm, tuyến huyện 0,56 lần/người/năm, tuyến xã 0,97 lần/người/năm. Một số bệnh viện như: Bệnh viện A, Bệnh viện Gang thép, Bệnh viện C, bệnh viện các huyện Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai, Phú Bình... luôn trong tình trạng quá tải. Nhưng chất lư­ợng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế đã đư­ợc nâng lên rõ rệt.

 

Nhiều bệnh viện đã áp dụng các kỹ thuật chuyên môn sâu vào khám, chữa bệnh như­: Phẫu thuật sọ não, phẫu thuật các bệnh về tiết niệu, phẫu thuật nội soi thuộc các lĩnh vực phụ sản, tai-mũi-họng, phẫu thuật chấn thương cột sống có chèn ép tủy nặng, vá sọ trong trường hợp khuyết xương sọ bằng xương tự thân hoặc nhân tạo (titan), phẫu thuật mắt, chạy thận nhân tạo…

 

Công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi được quan tâm đúng mức. Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho các đối tượng trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế Nhà nước trong và ngoài tỉnh. Nhiều người bệnh nặng phải chi phí cao, điều trị lâu dài đã được Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo và BHYT chi trả. Năm 2008, đã có 106.058 lượt người nghèo và 109.619 lượt trẻ em dưới 6 tuổi đi khám, chữa bệnh được chi trả với tổng số tiền ước tính trên 50 tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, ngành Y tế còn thực hiện tốt Đề án xã hội hóa công tác y tế tại các đơn vị trực thuộc, đồng thời có kế hoạch đầu t­ư phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo Chỉ thị số 06-CT/ TW ngày 15/11/1999 của Ban Chấp hành Trung ư­ơng Đảng cũng như­ chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001- 2010. Trên cơ sở đó, các trạm y tế được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị bằng nhiều nguồn vốn để từng b­ước hoàn thiện đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Nhờ đó tính đến hết năm 2008 toàn tỉnh đã có 84/180 xã đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã, đạt 46,67%. Đội ngũ y, bác sĩ tại tuyến xã cũng ngày càng đ­ược nâng cao về trình độ chuyên môn nghiêp vụ, đảm bảo về số lư­ợng và chất lư­ợng, phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân các dân tộc trên địa bàn...

 

Qua tổng kết đánh giá cuối năm 2008, hầu hết các đơn vị đều đạt cơ quan văn hóa, các tổ chức Đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh và trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Công đoàn ngành, Đoàn thanh niên vững mạnh, 7 bệnh viện xuất sắc toàn diện. Ngoài ra còn có nhiều tập thể, cá nhân đ­ược khen thưởng.

 

Phát huy những kết quả đã đạt đ­ược, trong thời gian tới ngành Y tế tỉnh tiếp tục quy hoạch phát triển mạng lưới để nâng cao khả năng điều trị theo định h­ướng chuyên khoa sâu, nhằm xây dựng Thái Nguyên trở thành một trung tâm y tế khu vực vùng các tỉnh Đông Bắc theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Triển khai xây dựng 33 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế vào năm 2009 và nâng lên 31 xã vào năm 2010 theo kế hoạch đã đề ra; phấn đấu đến hết năm 2010 có 100% số trạm y tế xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn, hoàn thành Đề án chuẩn Quốc gia về y tế xã đã được phê duyệt. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về công tác Dân số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009 - 2015. Mở rộng các loại hình dịch vụ theo yêu cầu trong các bệnh viện và khuyến khích xây dựng các bệnh viện t­ư nhân. Cải tiến thủ tục hành chính trong việc khám, chữa bệnh, chống phiền hà, tiêu cực trong các cơ sở y tế để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân...