Thành phố Thái Nguyên là nơi tập trung nhiều đơn vị, nhà máy, xí nghiệp lớn của Trung ương và địa phương nên vấn đề về đảm bảo An toàn vệ sinh lao động- Phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ- PCCN) luôn được thành phố coi trọng và đặc biệt quan tâm.
Hưởng ứng tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ- PCCN trong 4 ngày (từ 17 đến 21/3), T.P Thái Nguyên đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác ATVSLĐ- PCCN tại một số đơn vị đóng trên địa bàn.
Qua kiểm tra thực tế, nhìn chung các đơn vị thực hiện tương đối tốt về công tác ATVSLĐ- PCCN như: tuyên truyền bằng băng zôn, khẩu hiệu; dán nội quy PCCC ở địa điểm công cộng, trung tâm; các thiết bị PCCC (bình bột, bình khí, bể chứa nước, xô, chậu, thang...) luôn sẵn sàng khi có sự cố xảy ra; ký cam kết thực hiện nội quy ATVSLĐ- PCCN; quan tâm đến sức khoẻ, chế độ của người lao động; thành lập đội PCCC thường trực 24/24 giờ....
Tìm hiểu, chúng tôi thấy nhiều đơn vị đã làm tốt công tác ATVSLĐ - PCCN. Với công tác An toàn vệ sinh lao động, Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển nền móng Hồ Bắc là một trong điền hình làm tốt công tác này. Là một Công ty chuyên đóng ép cọc bê tông công trình, nếu chỉ có một sơ xuất nhỏ của công nhân trong lúc vận hành, điều chỉnh máy cũng có thể xảy ra tai nạn. Do vậy, công tác An toàn vệ sinh lao động được Công ty đặt lên hàng đầu. Với khẩu hiệu "An toàn mới tiến hành sản xuất, sản xuất phải đảm bảo an toàn" nên ngoài việc tổ chức hướng dẫn cho công nhân chấp hành tốt công tác An toàn vệ sinh lao động, Công ty còn trang bị bảo hộ lao động (quần áo, mũ, giầy, ủng, áo mưa, khẩu trang) cho người lao động.
Hàng năm, Công ty còn tổ chức mua mới các trang bị bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn lao động cho công nhân trong quá trình sản xuất. Riêng đội ngũ công nhân lái xe và vận hành máy đóng ép cọc bê tông, Công ty còn trang bị thêm kính và gang tay chuyên dụng. Ngoài tiền lương, Công ty còn hỗ trợ thêm tiền bảo hộ lao động cho mỗi công nhân 500.000 đồng/tháng. Thiết bị máy và công cụ sản xuất được đăng kiểm theo quy định, thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng và thay thế kịp thời để đảm bảo cho công việc. Do tính chất công việc chủ yếu phục vụ chủ đầu tư nên mặt bằng hoạt động phụ thuộc vào các đơn vị đang thi công. Vì vậy, công tác vệ sinh lao động, vệ sinh công nghiệp nơi thi công đơn vị đều làm tốt theo yêu cầu của các đơn vị quản lý công trường... Nhờ đó, khi thành lập (năm 2006 đến nay), Công ty không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.
Ngoài những điển hình nêu trên, Công ty In Thái Nguyên cũng là một đơn vị làm tốt công tác này. Trao đổi với anh Nguyễn Anh Hưởng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty In Thái Nguyên chúng tôi được biết: Là một đơn vị chuyên in ấn và kinh doanh các thiết bị ngành In nên ngoài công tác An toàn vệ sinh lao động, Ban giám đốc Công ty còn đặc biệt chú trọng đến công tác phòng chống cháy nổ. Công ty thường xuyên tổ chức, hướng dẫn cho công nhân nắm rõ các tiêu chí, khẩu hiệu về Phòng chống cháy nổ để từ đó người lao động có ý thức và chủ động hơn về công tác này trong quá trình sản xuất. Thường xuyên kiểm tra, giám sát vệ sinh tại nơi làm việc của mỗi công nhân từ đó phát hiện những thiết bị máy móc không an toàn để kịp thời sửa chữa, thay thế tránh xảy ra cháy nổ.
Với đặc thù sản xuất trong môi trường dễ xảy ra cháy nổ vì nguyên vật liệu chủ yếu là các loại giấy nên Công ty đã chủ động phối hợp với Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Công an tỉnh) tổ chức kiểm tra định kỳ máy móc và thiết bị chữa cháy; huấn luyện định kỳ cho đội ngũ phòng cháy chữa cháy của đơn vị để từ đó xây dựng phương án chữa cháy cụ thể sát với thực tế của Công ty. Luôn duy trì ban chỉ đạo và đội phòng cháy chữa cháy tại đơn vị để kịp thời cứu chữa khi có cháy nổ xảy ra... Để phục vụ cho công tác Phòng cháy chữa cháy, Công ty đã trang bị 1 thang tre và lắp đặt 18 bình chữa cháy MFZ4 tại phân xưởng máy, kho thành phẩm, phân xưởng sách, tổ gia lô, tổ vé số, kho hàng và các phòng chức năng… Do đó, từ năm 1993 đến nay, Công ty in Thái Nguyên không xảy ra sự cố cháy nổ dù là nhỏ nhất.
Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra này, bên cạnh những đơn vị thực hiện tốt công tác ATVSLĐ- PCCN thì tại một số đơn vị vẫn còn những tồn tại cần khắc phục đó là: Các nội quy về ATVSLĐ- PCCC đã cũ nát, mờ và bị xé rách nhiều chỗ; hệ thống đường dây, công tắc, ổ cắm điện đã quá cũ; chưa thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm đóng bảo hiểm và khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định; chưa có bình MFZ4; chưa có tủ thuốc sơ cứu ban đầu ở các nơi làm việc; người lao động không chịu mặc quần áo bảo hộ lao động và đeo khẩu trang trong lúc làm việc...
Thiết nghĩ, để hạn chế tối đa những rủi ro do trong lao động sản xuất, lãnh đạo mỗi đơn vị và người lao động cần có ý thức và trách nhiệm hơn trong công tác ATVSLĐ - PCCN. Các đơn vị cần thường xuyên kiểm tra điều kiện, môi trường lao động để kịp thời khắc phục ngay khi môi trường và các điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn lao động. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, nộp bảo hiểm cho người lao động. Các phòng, ban chức năng của thành phố cần phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng tham gia vào công tác ATVSLĐ - PCCN. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về ATVSLĐ- PCCN ở các đơn vị để kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm ATVSLĐ- PCCN.