Một việc chưa từng trên cả nước vừa diễn ra tại xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam: Nhân dân được tổ chức bổ phiếu kín để chọn hộ nghèo.
Từ ngày 7-3, Bình Sa tiến hành bình xét lại hộ nghèo. Phương pháp bình chọn là lập danh sách những hộ nằm mấp mé giữa tiêu chuẩn nghèo và cận nghèo (thu nhập từ 190.000 - 210.000 đồng/tháng) đưa ra bình chọn công khai trong dân sau đó biểu quyết bằng cách giơ tay (lâu nay Bình Sa vẫn dùng cách này). Thế nhưng kết quả đạt đươc trái với sự mong đợi của xã: Hộ không đủ tiêu chuẩn nghèo không chịu bị đưa ra khỏi danh sách, nhiều người khóc lóc van xin, biến những cuộc bình xét thành nơi "ôn nghèo, kế khổ".
Chưa hết, hàng loạt hộ ngoài danh sách hộ nghèo đồng loạt viết đơn xin "được làm" hộ nghèo. Đơn khiếu nại tới tấp gởi lên UBND xã và các cơ quan ở T.Ư. Dân Bình Sa cho rằng phương pháp bình chọn như trên là thiếu công bằng, hộ nào có đông bà con thì giơ tay nhiều, hộ nào dù là nghèo thật nhưng ít bà con thì ít tay giơ lên, vì thế rớt oan uổng ra khỏi danh sách nghèo. Đưa đơn chán thấy không giải quyết, dân Cố Linh ào ạt kéo lên xã... đấu tranh. Vậy là xã phải tổ chức bỏ phiếu.
Tổ 3 thôn Cố Linh được chọn là điểm bỏ phiếu đầu tiên. Chiều 26-3, cán bộ xã, thôn, tổ hợp dân tổ 3 đưa ra 2 danh sách: nghèo (20) và cận nghèo (52 hộ) đề nghị bà con cho ý kiến đồng ý hay thêm - bớt và sau đó bỏ phiếu kín. Theo ông Nguyễn Văn Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sa, sở dĩ phải bình chọn cả hộ cận nghèo vì trên đã có chủ trương hỗ trợ một phần bảo hiểm y tế cho đối tượng này.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thông, để tổ chức bầu hộ nghèo ở 24 tổ trong xã, thì riêng tiền in danh sách các hộ đã hết 2,4 triệu đồng. Rồi việc triển khai bầu cử, cán bộ chủ chốt của xã cũng không thể vắng mặt ở bất cứ tổ nào, trong khi đó dịch tai xanh trên heo vẫn đang hoành hành, rầy nâu, đạo ôn đang phá lúa dữ dội...
Điều băn khoăn nhất của chúng tôi là liệu những thùng phiếu đặt ra có "cứu" được cán bộ xã, thôn, tổ thoát khỏi khiếu kiện, khiếu nại của dân không? Nhìn nhiều bà con sau khi bổ phiếu vẫn cứ xán đến bàn chủ tọa ý kiến, rồi phản ứng không công bằng chỗ này, thiếu khách quan chỗ nọ, chúng tôi nghĩ rằng mọi chuyện sẽ khó yên ổn.