Hỏi và trả lời về Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009

14:51, 27/03/2009

1. Hỏi: Mục đích của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 là gì? Trả lời: Mục đích của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 là: Phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương; Đáp ứng nhu cầu thông tin đánh giá tình hình thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ từ năm 2000 đến năm 2010 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020, phục vụ công tác giám sát thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; Cung cấp các số liệu cơ bản về dân số và nhà ở của các đơn vị hành chính nhỏ nhất, bổ sung nguồn số liệu cho các cuộc điều tra thường xuyên, cung cấp dàn mẫu và cơ sở dữ liệu dân số, nhà ở cho các mục đích nghiên cứu khác nhau trong mười năm sau cuộc Tổng điều tra.

 

2. Hỏi: Đề nghị cho biết nội dung điều tra trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.
Trả lời: Nội dung điều tra trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 bao gồm:

1. Dân số chia theo giới tính, độ tuổi, dân tộc, tôn giáo, thành thị, nông thôn.
2. Tình trạng di cư.
3. Trình độ học vấn.
4. Tình trạng khuyết tật.
5. Tình trạng lao động - việc làm.
6. Tình trạng hôn nhân.
7. Mức độ sinh, chết và phát triển dân số.
8. Thực trạng về nhà ở.
9. Một số tiện nghi sinh hoạt của các hộ dân cư.

Những nội dung trên sẽ được điều tra ở các địa bàn điều tra toàn diện và địa bàn điều tra mẫu.

3. Hỏi: Tại sao 10 năm mới Tổng điều tra dân số và nhà ở một lần?

Trả lời: Tổng điều tra dân số và nhà ở rất tốn kém, phải chi hàng trăm tỷ đồng, phải huy động khoảng ba mươi vạn người tham gia trong khoảng thời gian nhiều tháng... Do vậy, về lý do kinh tế, không thể tiến hành tổng điều tra hàng năm được mà thường phải 5 năm hoặc 10 năm mới Tổng điều tra.

Chọn chu kỳ 10 năm là phù hợp với điều kiện kinh tế nước ta và thông lệ quốc tế.

4. Hỏi: Tại sao phải quy định thời điểm điều tra thống nhất trong cả nước?

Trả lời: Dân số luôn biến động. Hàng ngày, hàng giờ, luôn có trẻ em sinh ra, có người chết đi, có người chuyển từ nơi này đến nơi khác và ngược lại.

Để tránh điều tra trùng hoặc bỏ sót người, cần phải quy định thống nhất một thời điểm điều tra.

Cũng giống như các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở trước đây, thời điểm Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 được quy định thống nhất trong cả nước là : 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2009.

5. Hỏi: Những thông tin cá nhân mà người dân cung cấp cho cán bộ điều tra có được giữ kín không, có dùng cho các mục đích khác không?

Trả lời: Luật Thống kê quy định: Thông tin cá nhân được giữ kín;
Thông tin cá nhân được dùng để tổng hợp chung vào dân số của xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố và cả nước, chứ không dùng cho bất kỳ mục đích nào khác.

 

 

 

Mẫu áp phích về Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009
của Ban Chỉ đạo Trung ương gửi xuống các địa bàn.

6. Hỏi: Đơn vị điều tra là gì?

Trả lời: Đơn vị điều tra là "Hộ". Hộ bao gồm một người ăn ở riêng hay một nhóm người ở chung và ăn chung. Đối với hộ có từ hai người trở lên, có thể có hoặc không có quỹ thu chi chung. Các thành viên của hộ có thể có mối quan hệ hôn nhân, ruột thịt, họ hàng; hoặc kết hợp những người có quan hệ ruột thịt với những người không có quan hệ ruột thịt.

7. Hỏi: Từng người được điều tra ở đâu?

Trả lời: Từng người được điều tra tại hộ mà người đó thường xuyên ăn ngủ hay thực tế thường trú, không phân biệt đã được đăng ký hộ khẩu thường trú hay chưa.

8. Hỏi: "Hộ" trong Tổng điều tra dân số có gì khác với "Hộ" trong quản lý hộ khẩu không? Có liên quan đến việc "tách hộ, ngập hộ", "nhập khẩu, cắt khẩu" hoặc các chính sách kinh tế - xã hôi khác không?

Trả lời: Điểm khác nhau cơ bản giữa "Hộ" trong quản lý hộ khẩu và "Hộ" trong tổng điều tra dân số ở chỗ: Hộ theo quản lý hộ khẩu phải được ngành công an xác nhận. Còn "Hộ" trong tổng điều tra dân số không cần ngành công an xác nhận.

Việc kê khai "Hộ" trong tổng điều tra dân số như trên, giúp cho Nhà nước nghiên cứu cấu trúc hộ của dân số, tránh cho điều tra trùng hoặc bỏ sót, điều đó không liên quan gì đến các tiêu chuẩn để "tách hộ, nhập hộ" hoặc "nhập khẩu, cắt khẩu" hiện do ngành công an quẩn lý; đồng thời cũng không liên quan đến các chính sách kinh tế - xã hội khác, như: thu thuế nhà/đất, cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà, huy động nghĩa vụ,...

9. Hỏi: Nếu tuổi thật khác với tuổi khai trong chứng minh thư hoặc các giấy tờ khác thì khai tuổi nào?

Trả lời: Tuổi thật của một người có thể khác với tuổi kê khai trong chứng minh thư hoặc các giáy tờ khác. Yêu cầu trong Tổng điều tra dân số là khai tuổi thật. Điều đó không có nghĩa việc kê khai này sẽ là căn cứ để sửa chữa tuổi trong các giấy tờ hợp pháp khác.

10. Hỏi: Hôn nhân là quyền tự do, là chuyện riêng của mỗi người, tại sao lại phải kê khai?

Trả lời: Hôn nhân là chuyện riêng của mỗi người, nhưng tình trạng hôn nhân của mỗi người giúp cho việc nghiên cứu các yếu tố xã hội cũng như phong tục, tập quán ảnh hưởng đến hôn nhân của mỗi địa phương.

Trên mỗi tờ phiếu có ghi "Thông tin trên phiếu điều tra được giữ kín" tức là đã cân nhắc đến khía cạnh riêng tư của mọi người dân.

11. Hỏi: Điều tra giới tính, dân tộc, tôn giáo để làm gì?

Trả lời: Điều tra giới tính, dân tộc, tôn giáo để biết có bao nhiêu nam giới, nữ giới, có bao nhiêu dân tộc, bao nhiêu tôn giáo, trên cơ sở đó giúp cho Đảng và Nhà nước có chính sách phù hợp về giới và bình đẳng giới, có chính sách xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho các dân tộc, cũng như các chính sách về tôn giáo phù hợp, bảo đảm tự do, tín ngưỡng cho mọi người theo Pháp lệnh Tôn giáo.

12. Hỏi: Tổng điều tra dân số và nhà ở thu thập thông tin về tình trạng việc làm vì mục đích gì?

Trả lời: Dân số, lao động, việc làm hiện đang là vấn đề thời sự mà Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Một trong những mục đích của Tổng điều tra dân số lần này là nhằm xác định số người trong độ tuổi lao động, số người có việc làm và nghề nghiệp của họ, số người thất nghiệp... trên cơ sở đó Nhà nước có quy hoạch cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động, việc làm.

13. Hỏi: Điều tra nhà ở để làm gì?

Trả lời: Điều tra nhà ở để biết được thực trạng nhà ở của nhân dân, giúp Nhà nước có cơ sở lập kế hoach xây dựng nhà ở, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của nhân dân.

14. Hỏi: Khai "Trình độ chuyên môn, kỹ thuật" của mỗi cá nhân để làm gì?

Trả lời: Tình độ chuyên môn, kỹ thuật của lao động ở một địa phương hay một quốc gia phản ánh tiềm năng khoa học và công nghệ của địa phương hay quốc gia đó.

Nước nào có tỷ lệ người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao sẽ có khả năng đáp ứng lao động có kỹ thuật cao. Như vậy, khai mục này là để đánh giá tình độ kỹ thuật của đất nước. Mặt khác, số liệu về lĩnh vực này còn là căn cứ để xây dựng kế hoạch đào tạo, sử dụng lực lượng lao động có kỹ thuật đó.

15. Hỏi: Những người tạm vắng trong suốt thời gian diễn ra cuộc điều tra thì ai cung cấp thông tin cho điều tra viên?

Trả lời: Chủ hộ hoặc thành viên của chủ hộ sẽ cung cấp thông tin cá nhân của những người tạm vắng cho điều tra viên. Néu chủ hộ không nắm được cụ thể những thông tin về nghề nghiệp, chuyên môn kỹ thuật, hoặc đơn vị làm việc của người đi vắng, thì chủ hộ có thể liên hệ với người đi vắng qua điện thoại để có thể có được thông tin đúng.

16. Hỏi: Tại sao nói "Tổng điều tra dân số và nhà ở vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của người dân và mỗi người dân phải làm gì trong tổng điều tra dân số và nhà ở?

Trả lời:

* Là quyền lợi vì mục đích cao nhất của tổng điều tra dân số và nhà ở là phục vụ việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh, văn hóa, xã hội của đất nước, trên cơ sở đó nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân. Ví du như: Muốn có kế họch xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện cần phải biết số dân của mỗi khu vực và hiện trạng nhà ở, tỷ lệ giáo viên, học sinh, bác sĩ của địa phương,...

* Là nghĩa vụ bởi vì, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình là một bộ phận cấu thành của xã hội. Vì vậy phải có trách nhiệm đóng góp vào các công việc chung của xã hội giúp các cơ quan chức năng làm tốt công việc của mính, cụ thể là:
- Bố trí thời gian phù hợp cho điều tra viên đến điều tra;
- Cung cấp chính xác những thông tin của bản thân và của các thành viên trong hộ cho điều tra viên.

17. Hỏi: Giáo viên và học sinh có vai trò, vị trí như thế nào đối với cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở? Giáo viên và học sinh cần phải làm gì để giúp tổng điều ta dân số và nhà ở?

Trả lời: Giáo viên và học sinh là những người có trình độ học vấn và có lực lượng hùng hậu, do vậy, giáo viện và học sinh có vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc Tổng điểu tra. Họ có thể giúp làm công tác tuyên truyền, giải thích mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra đối với gia đình họ và những người xung quanh; họ có thể dẫn lối, chỉ đường cho cán bộ điều tra đến các hộ để điều tra và đặc biệt hơn, những cuộc mít tinh, cổ động của giáo viên, học sinh thực sự gây không khí ngày hội, làm cho người dân phấn chấn, hào hứng tham gia cuộc Tổng điều tra.

Để thể hiện được vị trí, vai trò của mình đối với cuộc Tổng điều tra, giáo viên, học sinh cần phải:

* Đối với giáo viên:
- Nghiên cứu, nắm vững mục đích, ý nghĩa của tổng điều tra dân số để tuyên truyền, giải thích cho gia đình mình và những người xung quanh; Giúp đỡ điều tra viên khi họ gặp khó khăn;
- Nhắc nhở các em học sinh làm tốt nhiệm vụ của mình trong công tác tuyên truyền cho tổng điều tra dân số.

* Đối với học sinh:
- Nắm vững những nội dung về cuộc tổng điều tra do Ban giám hiệu và các thầy, cô giáo phổ biến để tuyên truyền, giải thích cho gia đình mình và những người xung quanh;

- Tham gia các hoạt động như mít tinh, cổ động nhằm tuyên truyền cho tổng điều tra dân số do nhà trường, địa phương tổ chức;
- Giúp đỡ điều tra viên như dẫn lối, đưa đường để điều tra viên đến các hộ nhanh chóng, thuận lợi.
- Nhắc nhở những người trong gia đình và những người xung quanh là ngày 01 tháng 4 sẽ điều tra dân số để mọi người chuẩn bị đón điều tra viên.

18. Hỏi: Trong suốt quá trình diễn ra cuộc điều tra mà không có điều tra viên nào đến điều tra, người dân phải làm gì?

Trả lời:

- Nếu trong suốt quá trình diễn ra cuộc điều tra mà không có điều tra viên nào đến điều tra, người dân báo ngay cho Ban chỉ đạo xã/phường hoặc người có trách nhiệm ở nơi mình cư trú; cách nhanh và tốt nhất là, nếu có điều kiện hãy gọi điện thoại theo đường dây nóng. Số điện thoại đường dây nóng sẽ được thông báo về các địa phương.

Chúng tôi cũng lưu ý là:

+ Gọi cho đường dây nóng, người gọi không phải trả tiền dù là máy cố định hay di động;
+ Thông tin qua đường dây nóng được bảo mật và số máy của người gọi không lưu giữ ở bất kỳ nơi nào.
+ Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương hoan nghênh tinh thần hợp tác và giúp đỡ của tất cả các hộ, của các cán bộ thôn, xóm, ấp, bản, tổ dân phố, các đoàn thể quần chúng và chính quyền các cấp để cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 tiến hành thắng lợi.

Ban Chỉ đạo Tổng điều tra
dân số và nhà ở Trung ương