Chính phủ sẽ chi hơn 23.140 tỉ đồng trong hơn 10 năm với mục tiêu: Trung bình mỗi năm, đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, nâng tỉ lệ lao động nông thôn được đào tạo từ 20% (năm 2010) lên 50% (năm 2020).
Bộ LĐ-TB-XH dự báo lao động nông thôn và lao động nông nghiệp có xu hướng giảm dần: Năm 2010 có khoảng 34,2 triệu lao động, đến năm 2015, con số này giảm còn 33,1 triệu và năm 2020 chỉ còn 32,1 triệu.
Nhiều lao động ở các vùng nông thôn chưa mấy mặn mà với việc học nghề. Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, lý giải học xong, học viên không có việc làm hoặc có việc làm, làm ra sản phẩm nhưng không tiêu thụ được.
Ông Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, dự báo từ nay đến năm 2020, cung cấp lao động cho khoảng 2.075 làng nghề, mỗi năm cần đào tạo nghề thêm khoảng 350.000 - 400.000 lao động. Tương tự, các vùng chuyên canh cây nguyên liệu cũng cần khoảng 96.000 người qua đào tạo nghề. Một số tập đoàn, tổng công ty lớn có nhu cầu khoảng 800.000 lao động... Trong khi đó, số lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có nhu cầu học nghề khoảng 50.000 người mỗi năm.
Đề án này sẽ tổ chức dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề và đủ điều kiện xét tuyển. Chính phủ sẽ chi hơn 23.140 tỉ đồng trong hơn 10 năm với mục tiêu: Trung bình mỗi năm, đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, nâng tỉ lệ lao động nông thôn được đào tạo từ 20% (năm 2010) lên 50% (năm 2020).
Một trong những giải pháp đặc biệt trong đề án này là khuyến khích thanh niên làm nông nghiệp. Cấp thẻ học nghề cho lao động nông thôn hiện đang được thí điểm tại Hà Nội. Tới đây, việc cấp thẻ này sẽ được triển khai trong toàn quốc. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Đào Xuân Học, cho biết mỗi lao động nông thôn đủ điều kiện sẽ được cấp thẻ trong thời gian 5 năm để học nghề. Trong thẻ học nghề cũng thể hiện các ngành nghề sẽ học như: sản xuất nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp... tùy theo từng đối tượng sẽ có các chế độ khác nhau. Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước là cơ quan phát thẻ và có trách nhiệm quản lý.
Sau khi nghe ý kiến từ các địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao việc đào tạo nghề cho nông dân sẽ do Bộ NN-PTNT chủ trì; đào tạo nghề phi nông nghiệp giao do Bộ LĐ-TB-XH; Bộ Nội vụ đảm nhận đào tạo cán bộ, công chức địa phương. Việc kiểm tra, thực hiện triển khai chương trình được giao cho Hội Nông dân.
Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chuyển từ đào tạo theo khả năng của học viên sang theo nhu cầu của xã hội, có cơ chế khuyến khích lao động nông thôn vay đi học với lãi suất 0% (cam kết học xong ở lại nông thôn, làm nông dân). Giáo viên dạy nghề sẽ được ở nhà công vụ. Một số tỉnh sẽ được chọn thí điểm dạy nghề lưu động.