64 mỏ trên địa bàn Thái Nguyên được cấp phép khai thác bao gồm các loại khoáng sản như kim loại màu, kim loại đen, phi kim, than đá, khoáng chất công nghiệp...đã góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh cũng như cả nước. Tuy nhiên, mặt trái của công nghiệp khai khoáng là huỷ hoại môi trường sinh thái và để giải quyết vần đề này, Nhà nuớc đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện giám sát, yêu cầu các tổ chức, cá nhân có tham gia khai thác, chế biến khoáng sản phải ký Quỹ phục hồi mô trường.
Việc ký Quỹ phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan, các doanh nghiệp tham gia khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn Thái Nguyên thực hiện từ đầu năm 2006 với tổng số tiền hiện có tại tài khoản phong toả (được hưởng lãi suất không kỳ hạn nhưng doanh nghiệp không được tự ý rút tiền nếu không có sự chấp thuận của cơ quan chức năng) do UBND tỉnh tạm quản lý là gần 2,5 tỷ đồng. Số tiền này được coi như “tiền tiết kiệm” để các doanh nghiệp sử dụng vào việc phục hồi môi trường, hoàn thổ trả lại mặt bằng sau khi đã kết thúc quá trình khai khoáng.
Thấy được tầm quan trọng của việc ký Quỹ phục hồi môi trường nên hơn 3 năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thường xuyên kiểm tra, đánh giá tác động môi trường để từ đó yêu cầu 64 mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tham gia ký Quỹ phục hồi môi trường. Việc chấp hành của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này bước đầu cũng đã đi vào nền nếp, có doanh nghiệp đã cam kết ký Quỹ với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: Mỏ Than Núi Hồng, Mỏ than Phấn Mễ, Mỏ sắt Trại Cau...
Tuy nhiên, qua nhận định của ngành chức năng, số tiền ký Quỹ của các doanh nghiệp hàng năm chưa tương xứng với lượng tài nguyên khoáng sản mà các đơn vị này đã khai thác. Việc đánh giá tác động môi trường đối với từng mỏ cụ thể cũng chưa chính xác, thiếu căn cứ khoa học nên dẫn tới một số đơn vị có thực hiện ký Quỹ nhưng chưa thấy hết được trách nhiệm, ý nghĩa của việc làm này. Do vậy, từ tháng 5/2008, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các tỉnh có hoạt động khai khoáng tổ chức kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp lập dự án đánh giá tác động môi trường. Sau đó tổ chức Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường cấp tỉnh để xem xét đối với từng trường hợp cụ thể.
Thực hiện sự chỉ đạo nêu trên, đến hết tháng 3 năm nay, đã có 14 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng xây dựng xong dự án đánh giá tác động môi trương và Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và ra quyết định phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường cho một số đơn vị.
Để đánh giá tương đối chính xác những tác động môi trường của hoạt động khai khoáng, ngoài đại diện các ngành liên quan của tỉnh, thành phần Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường cấp tỉnh còn mời thêm các chuyên gia về lĩnh vực môi trường đang công tác tại các viện nghiên cứu của Trung ương. Anh Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Hội đồng gồm đủ các thành phần do vậy việc báo cáo, phản biện thực hiện khách quan nên những kết luận về tác động môi trường đều được các doanh nghiệp đồng tình, chấp thuận.
Dự kiến, công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh sẽ kết thúc vào quý III năm nay và ngay sau đó các doanh nghiệp sẽ phải truy thu số tiền ký Quỹ phục hồi môi trường đã tạm dừng từ năm 2008 (từ khi thực hiện đánh giá tác động môi trường, các doanh nghiệp tạm dừng việc ký Quỹ), cộng với số tiền của năm 2009. Vẫn theo anh Tuấn, số tiền ký Quỹ phục hồi môi trường sau khai thác khoảng sản của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh sẽ tăng cao hơn nhiều và số tiền ký Quỹ không dừng ở con số 2,5 tỷ đồng như hiện nay mà phải là vài chục tỷ đồng trong những năm tới.
Hy vọng với việc đánh giá khách quan của các cơ quan chức năng và những giải pháp cụ thể, thiết thực mà các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đưa ra sẽ góp phần giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường sinh thái.