Tính đến thời điểm này có thể khẳng định toàn tỉnh đã hoàn tất các bước chuẩn bị sẵn sàng cho ngày 1/4 (thời điểm 0 giờ thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước).
Từ cuối năm 2008, Cục Thống kê - cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo đã tiến hành xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện phương án Tổng điều tra dân số và nhà ở trên địa bàn tỉnh. Các văn bản của Đảng, Nhà nước, của Ban Chỉ đạo Trung ương, một số tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra đã được triển khai.
Để thuận lợi cho công tác tổng hợp và sử dụng số liệu quản lý dân số sau này, tỉnh ta thống nhất quy định địa bàn điều tra là đơn vị hành chính cấp thôn, xóm. Trường hợp đặc biệt nếu trong thôn, xóm có quá ít hộ (dưới 30 hộ) hoặc quá nhiều (trên 300 hộ) thì mới ghép hoặc chia tách địa bàn điều tra. Trên cơ sở đó, Cục Thống kê đã phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, phân định ranh giới lãnh thổ hành chính để phục vụ công tác vẽ sơ đồ, lập bảng kê và phân công trách nhiệm điều tra.
Để việc vẽ sơ đồ và lập bảng kê được chính xác, Ban Chỉ đạo thống nhất sử dụng cán bộ địa chính và văn phòng ở các địa phương. Theo đó, đã tuyển chọn được 450 người vẽ sơ đồ, lập bảng kê và xác định được 3.064 địa bàn điều tra (trong đó có 450 địa bàn điều tra mẫu còn lại là địa bàn điều tra toàn bộ) với 290 nghìn hộ dân. Ban Chỉ đạo đã tuyển chọn được 1.600 điều tra viên và 400 tổ trưởng điều tra. Đối với các điều tra viên là lực lượng trực tiếp điều tra, quyết định chất lượng của cuộc điều tra, vì vậy việc tuyển chọn cũng đảm bảo các yêu cầu đề ra. Đặc biệt, trong cuộc Tổng điều tra này được nhập tin bằng công nghệ quét, vì vậy việc lựa chọn điều tra viên phải hết sức chú ý khả năng viết chữ số rõ ràng, cẩn thận. Một đối tượng nữa cần tuyển chọn kỹ lưỡng đó là các tổ trưởng điều tra - đây là lực lượng cầu nối giữa Ban Chỉ đạo cấp xã với điều tra viên. Tổ trưởng điều tra có trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các hoạt động của điều tra viên và tuyên truyền vận động đối tượng điều tra…
Về công tác tập huấn nghiệp vụ điều tra, Cục Thống kê đã tham mưu với tỉnh sử dụng lực lượng giảng viên là cán bộ thống kê cấp tỉnh tiến hành tập huấn cho cấp huyện và cấp xã, chứ không giao khoán cho từng cấp. Chính từ tính cấp thiết và yêu cầu của cuộc Tổng điều tra nên trong quá trình tập huấn rất coi trọng lý thuyết đi đôi với thực hành. Đối với địa bàn điều tra mẫu phải tập huấn trong 8 ngày, yêu cầu các điều tra viên phải phỏng vấn và ghi chép đầy đủ 42 câu hỏi về dân số và 15 câu hỏi về nhà ở, một số đồ dùng sinh hoạt... Với địa bàn điều tra toàn bộ tiến hành tập huấn trong 4 ngày. Sau mỗi buổi lý thuyết đều có thực tế tại cơ sở, các học viên tiến hành phỏng vấn tại hộ phải có đánh giá, nhận xét và rút kinh nghiệm. Đến nay đã hoàn tất việc tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ điều tra và qua kiểm tra, các điều tra viên đều nắm vững chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu, sẵn sàng bước vào cuộc Tổng điều tra.
Tuy nhiên, công tác điều tra dân số và nhà ở trên địa bàn tỉnh cũng không thể lường trước một số khó khăn, phức tạp do dân cư đông (trên 1,13 triệu dân), địa bàn rộng (trên 3.500km2). Trên địa bàn có 24 trường đại học, cao đẳng, ngoài số sinh viên ngoại trú tiến hành điều tra bình thường thì với số lượng sinh viên thuộc diện điều tra đặc thù (không điều tra nhà ở) là sinh viên nội trú khoảng 3 vạn người. Đây là lực lượng thường xuyên biến động nên công tác điều tra khó bảo đảm tính chính xác. Một khó khăn nữa là ở khu vực nông thôn phần lớn lực lượng lao động không thường xuyên có mặt ở địa phương mà ra ngoài tìm việc làm. Khi nền kinh tế khủng hoảng dẫn đến thiếu việc làm, người lao động lại đổ về nông thôn. Đó cũng là một trong những khó khăn của cuộc Tổng điều tra lần này…