Dự thảo mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về quản lý xe thô sơ, mô tô 2 bánh, 3 bánh kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa quy định, người điều khiển các loại xe này phải có phù hiệu hoặc trang phục do UBND cấp tỉnh quy định.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, dự thảo đang tiếp tục sửa đổi và lấy ý kiến dư luận để làm sao bỏ bớt phiền hà cho người lao động (người lái xe).
“Chúng tôi rất ghi nhận ý kiến phản biện, xây dựng của báo chí trong thời gian qua và việc sửa đổi này là để người kinh doanh xe ôm, xe thô sơ có điều kiện được kinh doanh dễ dàng. Bớt thủ tục, giấy phép khi muốn tiếp tục hành nghề. Nhưng tôi nhắc lại quan điểm, nghề này cần được quản lý, dần dần từng bước. Tất nhiên dự thảo này tiếp tục lấy ý kiến dư luận”- ông Thanh nói.
Dự thảo thông tư mới này hướng dẫn những nguyên tắc chung để UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể về hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh, 3 bánh và các loại xe tương tự ở địa phương.
Tuy nhiên, đáng chú ý là, thông tư này cũng hướng dẫn UBND các tỉnh quy định cụ thể phạm vi, tuyến đường hoạt động, thời gian hoạt động đối với từng loại xe cụ thể đồng thời sẽ phải chỉ rõ điểm đón trả khách, hàng hóa.
Như vậy, có thể hiểu là, ở mỗi địa phương, sẽ có “vùng cấm” hay tuyến phố cấm xe ôm, xe 3 bánh hoạt động tùy vào quy định của tỉnh đó.
Dự kiến, thông tư này sẽ có hiệu lực từ 1/7/2009 và Thông tư số 03/2002/TT-BGTVT ngày 27/2/2002 của Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh, 3 bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa sẽ bị bãi bỏ.
Song, đến cuối ngày hôm qua (26/3) nhiều lãnh đạo sở GTVT các tỉnh, trong đó có Sở GTVT Hà Nội cho hay, chưa hề nhận được dự thảo thông tư mới này.
Điều 3 của thông tư dự thảo quy định người điều khiển phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe mô tô 2 bánh, 3 bánh và các loại xe tương tự nêu rõ:
1.Có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú
2. Đủ sức khỏe và được khám định kỳ theo quy định của Bộ Y tế
3. Đủ tuổi lái xe theo quy định hiện hành
4. Có giấy phép lái xe hoặc hiểu biết giao thông đường bộ theo quy định hiện hành
5. Có phù hiệu hoặc trang phục do UBND cấp tỉnh quy định để phân biệt người điều khiển phương tiện hoạt động vận chuyển kinh doanh công cộng với các đối tượng tham gia giao thông khác.