Không ít những tấm gương về việc hiến đất, tự tháo dỡ tài sản, công trình trên đất để lấy mặt bằng thi công xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như: đường giao thông, nhà văn hóa, trường học... Nhưng điều mà chúng tôi thấy băn khoăn là những tấm gương sáng đó hầu hết lại ở nông thôn. Còn điều này có thể xảy ra tại T.P Thái Nguyên?
Những lần đi thực tế, tiếp xúc với một số hộ dân trong diện chuẩn bị phải thu hồi đất, tài sản trên đất để dành mặt bằng xây dựng các công trình trên địa bàn T.P Thái Nguyên trước đây, chúng tôi thường thấy cảnh: Một vài người dân mặt mày đỏ gay, bức xúc đòi hỏi chế độ. Khi nhà báo thấy những đòi hỏi đó chưa đúng với quy định của pháp luật, giải thích, vận động thì sẵn sàng bị quy ngay vào tội “đồng lõa” với cán bộ cơ sở để ép dân! Còn chuyến đi thực tế viết bài về giải phóng mặt bằng tại phường Tân Thịnh ngày 2-4 vừa qua, chúng tôi lại chứng kiến những tấm lòng rất cao cả của nhân dân trong phường vì lợi ích chung của cộng đồng.
Trong ngôi nhà xây cấp 4 đã cũ, nội thất rất giản dị nhưng cách nói chuyện, ánh mắt, nụ cười của cụ Trần Đăng Cự đã 82 tuổi ở tổ 4, phường Tân Thịnh khiến chúng tôi thấy thật gần gũi và đáng kính. Chuyện về việc hiến gần 300m2 đất trị giá cả tỷ đồng của gia đình cụ Trần Đăng Cự và các con của cụ để lấy mặt bằng, chuẩn bị thi công đường Z115 khiến nhiều hộ dân ở dọc hai bên tuyến đường này vừa nể phục, vừa bàn tán. Người có tấm lòng rộng mở thì cho rằng đây là việc làm đáng để học tập, người đang toan tính, tìm mọi cách đòi hỏi T.P Thái Nguyên phải đền bù giá đất, tài sản của họ theo “giá thị trường” lại cho rằng cụ Cự làm như vậy khiến họ vô cùng khó xử. Chẳng quan tâm đến chuyện mọi người khen hay trách móc mình, cụ Cự tâm sự với chúng tôi: “Con đường này đã xuống cấp, bao năm người dân sống trong khu vực phải chịu cảnh lầy lội, bụi mù khi đi lại hàng ngày, khổ nhất là các cháu học sinh, sinh viên. Nhìn cảnh đó, tôi thấy tiền không quý bằng hy sinh một chút quyền lợi của bản thân để cùng Nhà nước đầu tư nâng cấp tuyến đường...”
Không chỉ tự nguyện cam kết hiến đất, vận động các con hiến đất phục vụ xây dựng Dự án nâng cấp đường Z115 mà cụ Trần Đăng Cự còn là thành viên tổ tuyên truyền, vận động hiến đất của tổ dân phố số 4 đi thuyết phục những hộ chưa chấp thuận việc làm này. Là đảng viên, cán bộ nghỉ hưu nên cụ Cự được bà con ở tổ dân phố số 4 rất kính trọng, do vậy, lúc đầu có một số hộ không tình nhưng khi cụ đến giải thích họ đã nghe và ký vào tờ cam kết sẽ giao mặt bằng đúng tiến độ.
Cùng với cụ Trần Đăng Cự, bác Vũ Ngọc Ân là đảng viên, cựu chiến binh ở tổ dân phố số 4 cũng hiến trên 450m2 đất, trong đó có 230m2 đất thổ cư, vận động 11 hộ là con cháu trong họ ký vào biên bản cam kết hiến đất, tài sản trên đất phục vụ cho Dự án này.
Đường Z115 có tổng chiều dài 1.170m nối từ đường Quang Trung vào tới Trường vùng cao Việt Bắc với số vốn đầu tư cho xây dựng trên 5 tỷ đồng và dọc hai bên đường có 177 hộ chịu ảnh hưởng trực tiếp (mất đất hoặc phải phá bỏ công trình kiến trúc, cây trồng). Nhưng do có cách làm thuyết phục của chính quyền phường và sự tiên phong của một số đảng viên, cựu chiến binh, người cao tuổi sinh sống trong phường nên tính đến thời điểm ngày 2-4, toàn tuyến đường Z115 đã có 170 hộ ký vào biên bản cam kết tự nguyện bàn giao mặt bằng. Còn lại 7 hộ chưa đồng tình, đòi đền bù hoặc cấp đất tái định cư trên đất nông nghiệp của các hộ đang quản lý, sử dụng. Anh Nguyễn Thế Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thịnh cho biết: Đối với 7 hộ nêu trên phường sẽ tiếp tục tổ chức đoàn đến tuyên truyền, vận động. Trường hợp hộ mất nhiều đất ở đề nghị được tái định cư trên đất nông nghiệp của gia đình sẽ được xem xét, trình lãnh đạo UBND Thành phố trực tiếp giải quyết. Nếu như 7 hộ còn lại ở phường Tân Thịnh tình nguyện hiến đất, tài sản trên đất thì ngay cuối tháng 4 này UBND T.P Thái Nguyên sẽ phối hợp với Đại học Thái Nguyên để nâng cấp đường Z115 thành đường giao thông cấp II, có bề mặt đường rộng từ 19,5m đến 22,5m.
Khi trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng trên địa bàn, đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên khẳng định: Từ thực tế thi công nâng cấp 3,7km tuyến Quốc lộ 3 đoạn qua các phường Quang Vinh, Quán Triều, Tân Long nhân dân hai bên đường đều đã tình nguyện hiến đất, tự chặt cây, tháo dỡ công trình để bàn giao mặt bằng nên công trình này thi công rất thuật lợi. Do vậy, Dự án nâng cấp đường Z115 cũng như một số tuyền đường khác trong nội thành sẽ không có tiền dành cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng mà chính quyền các phường, xã phải chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động 100% số hộ bị ảnh hưởng tình nguyện bàn giao mặt bằng thì Thành phố mới quyết định cho thi công.
Qua thực tế triển khai Dự án nâng cấp 3,7km Quốc lộ 3 nêu trên và Dự án nâng cấp đường Z115 cho thấy: Trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phúc lợi xã hội trên địa bàn T.P Thái Nguyên, nhiều người dân đã thấy, thực hiện trách nhiệm với cộng đồng một cách tình nguyện, vui vẻ khi công tác này được thực hiện công khai, dân chủ, thu hút được sự vào cuộc của chính những người dân địa phương. Việc làm ý nghĩa này không chỉ giảm bớt gánh nặng từ ngân sách Nhà nước mà còn có tác dụng giữ ổn định xã hội. Vì trước đây đã có không ít dự án ở T.P Thái Nguyên số tiền chi cho đền bù không nhiều nhưng với cách làm chưa khoa học đã để lại hậu quả là dân khiếu kiện, gây bất ổn định trong một thời gian dài. Do vậy, việc tuyên truyền 2 mô hình trên nên được thực hiện rộng khắp để tạo sự chuyển biến mới trong nhân dân và hy vọng sau 2 công trình nêu trên sẽ còn nhiều hộ dân ở T.P Thái Nguyên hiến đất, tài sản trên đất để cùng với chính quyền Thành phố đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi khác, trong đó có nhiều tuyến đường giao thông.