Phổ Yên: Vi phạm Luật Đê điều vẫn chưa chấm dứt

09:16, 01/04/2009

Hằng năm, tại tuyến đê Phổ Yên xảy ra hàng chục vụ vi phạm Luật Đê điều, nhưng cán bộ Hạt Quản lý đê và chính quyền địa phương chỉ biết lập biên bản, tạm đình chỉ vi phạm. Rồi ngay sau đó, người vi phạm lại tiếp tục vi phạm.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2009, trên tuyến đê Phổ Yên đã xảy ra 13 vụ vi phạm, trong đó 2 vụ xây nhà tạm, 2 vụ làm lều quán, còn lại do các hộ dân tự làm đường lên mái đê, xây tường rào hoặc đổ đất làm sân nhà.

 

Được biết: Tuyến đê Phổ Yên có tổng chiều dài 18,6 km, gồm 2 đoạn: Chã và sông Công. Theo lý trình đê Chã, kể từ đoạn K0, xã Tân Hương qua xã Đông Cao, Tân Phú đến K10 + 600 xã Thuận Thành có chiều dài 10,6 km; đê sông Công kể từ đoạn K0 xã Tân Hương qua xã Trung Thành đến K8 xã Thuận Thành có chiều dài 8 km. Đây cũng là một đoạn của dòng sông Cầu và sông Công có mức lũ hung dữ, nên tuyến đê này được Nhà nước đầu tư xây dựng đảm bảo có sức chống chịu ở mức lũ báo động 3. Nhưng trên tuyến đê này, nhiều đoạn cả mái đê phía sông và mái đê phía đồng lại bị chính người dân địa phương vi phạm.

 

Anh Nguyễn Đình Thành, cán bộ phụ trách đê cho biết: Chúng tôi rất vất vả để tuyên truyền giải thích, vận động nhân dân không vi phạm vào hành lang an toàn đê, nhưng chỉ câu trước, câu sau là bà con kéo đến… thách thức. Quả nhiên, ngay tại hiện trường vi phạm vào mái đê của gia đình ông Lê Văn Quý, xóm Tân Thịnh, thôn Vân Trai (Tân Phú), một số bà con đã phản ứng gay gắt, cho rằng cán bộ Hạt gây khó dễ. Một số bà con lại cho rằng việc đổ đất, làm nhà vào mái đê càng làm cho đê… được chắc hơn. Có mặt ở đó, bà Lê Thị Vượng, người cùng xóm với ông Quý khoe: Kia là nhà tôi. Tôi xây nhà, làm sân lên mái đê từ lâu rồi. Anh bảo, nếu không đổ đất, làm sân vào maí đê, hỏi lấy đâu ra đường đi?… Cùng thôn Vân Trai, ông Trần Văn Hào, xóm 1 cũng mới xây tường bao vào sát mép đê từ trung tuần tháng Ba. Khi chúng tôi hỏi:

 

- Bác có biết mình vi phạm Luật Đê điều không?

 

- Tôi có biết. Nhưng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tôi. Tôi có quyền sử dụng mảnh đất đó.

 

- Bác có thể cho tôi xem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình?

 

- Hiện gia đình đang thế chấp Giấy đó để vay tiền ngân hàng…

 

- Hầu như các hộ dân cư ở ven đê đều đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên khi vi phạm chúng tôi cũng chỉ biết lập biên bản, đồng thời ra quyết định đình chỉ vi phạm. Song ngay cả khi lập biên bản thì người vi phạm vẫn cứ ngang nhiên vi phạm. - Anh Lê Đức Dũng, cán bộ kỹ thuật phụ trách đê phàn nàn.

 

Dọc triền đê, khi nhiều ngôi nhà tường xây đã lên rêu còn chình ình như một thách thức, thì những vi phạm mới tiếp tục nảy sinh, điển hình như vụ vi phạm của gia đình ông Trần Quang Việt, xóm Thanh Vân (Tân Phú) đã xây dựng quán bán hàng trên diện tích 116 m2. Cùng ở xã Tân Phú còn có gia đình bà Ngô Thị Tuế, xóm Tân Thịnh làm nhà ở vi phạm vào đê gần 100 m2; gia đình ông Ngô Thượng Tứ, xóm Tiến Bộ làm nhà vào hành lang bảo vệ đê, diện tích vi phạm hơn 60 m2… Bằng cách đầu năm làm móng, giữa năm xây tường và cuối năm làm mái, mỗi lần vi phạm cán bộ Hạt Quản lý đê đến lập biên bản, ra quyết định đình chỉ yêu cầu hộ vi phạm trả lại hiện trạng đê ban đầu, nhưng biên bản đã lập, quyết định đình chỉ đã ký, song không có ai chấp hành. Vì cán bộ Hạt cũng như chính quyền địa phương không có một chế tài xử phạt hữu hiệu nào để răn đe, giáo dục đối với hộ vi phạm Luật Đê điều.

 

Nghiêm trọng hơn, trong suốt thời gian từ tháng 12/2008 đến hết tháng 2/2009, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng khai thác khoáng sản Hưng Tín đã thực hiện việc khai thác cát sỏi ở khu vực Mom Kiệu (Thuận Thành). Quá trình khai thác, vận chuyển, Công ty này đã làm cho mặt đê bị xuống cấp. Nhưng đến tận cuối tháng 2/2009 việc khai thác, vận chuyển cát sỏi qua đê của Công ty mới bị đình chỉ (?).

 

Trên đường về trụ sở văn phòng làm việc của Hạt quản lý đê Phổ Yên, bà Nguyễn Thị Yến cho biết:

 

- Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm ban hành chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hộ vi phạm Luật Đê điều; thứ hai là khi địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sinh sống gần đê, hoặc cấp phép cho cá nhân, tổ chức được khai thác cát, sỏi dưới lòng sông, cán bộ quản lý đê được tham gia tư vấn với chính quyền địa phương. Còn quan trọng nữa là cần xây dựng được kế hoạch giải phóng hành lang bảo vệ đê rộng 5 mét, thống nhất được mốc giới giữa đất ở và đất thuộc phạm vi an toàn đê. Đầu tư xây dựng 1 con đường giáp chân mái đê để vừa làm đường phòng hộ đê, đồng thời là đường dân sinh…

 

- Như thế có nhiều quá không chị?

 

- Không nhiều, vì đây cũng là mong muốn của hàng vạn người dân địa phương.

 

Nghe bà Yến nói vậy tôi hiểu đây chính là những vấn đề hết sức cấp thiết đang đặt ra hiện nay để góp phần bảo vệ an toàn cho các tuyến đê. Và trước hết, việc xử lý các vụ việc vi phạm gây ảnh hưởng xấu đén chất lượng các tuyến đê cần phải được xử lý triệt để, hiệu quả hơn…