Thái Nguyên đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng khẩn trương triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2009 – 2010.
Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tăng cương công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý và công khai các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiên quyết đóng cửa hoặc di dời các cơ sở gây ô nhiêm xmôi trường nghiêm trọng trong khu vực tập trung đông dân cư. Tăng cường công tác thẩm định, hậu kiểm báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư mới ngay từ khi bắt đầu khởi công xây dựng; yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường... Tỉnh cũng khẩn trương hoàn thiện quy hoạch môi trường, quy hoạch các khu chôn lấp, xử lý rác thải công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt, tiếp tục thu hút đầu tư của các tổ chức quốc tế cho các dự án bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Ô nhiễm môi trường tại tỉnh Thái Nguyên ngày càng trở nên trầm trọng, nhất là việc ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu vực khai thác khoáng sản và ô nhiễm tại các khu đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh, hiện nguồn nước mặt, nhất là nước sông Cầu - con sông lớn nhất tỉnh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm, sông Cầu tiếp nhận khoảng 35 triệu m3 nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa triệt để của trên 1.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, bệnh viện, các khu công nghiệp. Nguồn nước sông Công, nước hồ Núi Cốc cũng có dấu hiệu ô nhiễm các chất hữu cơ, vô cơ, kim loại nặng, dầu mỡ... Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm cũng đang đến hồi báo động, nhất là tại khu vực khai thác khoáng sản. Riêng tại khu vực Hà Thượng, Tân Linh (Đại Từ) hàm lượng asen trong nước ngầm đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,7 đến 8,2 lần; ở khu vực Quang Vinh (thành phố Thái Nguyên) và thị trấn Giang Tiên (huyện Phú Lương) hàm lượng xyanua vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,9 đến 12,9 lần...
Nguyên nhân của tình trạng này ngoài ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân chưa cao còn do công tác kiểm tra trong các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa thường xuyên, chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ mạnh. Tại các huyện, thị và xã, phường, thị trấn chưa có đội ngũ cán bộ chuyên trách về bảo vệ môi trường trong khi kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường hạn hẹp, mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu quan trắc môi trường. Đặc biệt, mặc dù đã gần 15 năm triển khai thực hiện Luật bảo vệ môi trường nhưng đến nay toàn tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa có một kế hoạch hành động tổng thể về bảo vệ môi trường trên địa bàn, do vậy chưa huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào công tác bảo vệ môi trường...