Ghi ở Thượng Nung

15:49, 23/09/2009

Thượng Nung (Võ Nhai) có 7 xóm, quy mô 4229ha và 2131 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Tày và Mông đời sống chủ yếu dựa vào làm nương rẫy, trình độ dân trí còn thấp. Do vậy, việc phát triển kinh tế– xã hội địa phương còn hạn chế, tình hình quản lý an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn gặp nhiều khó khăn.

Tìm hiểu về tình hình kinh tế- xã hội của địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch Ngô Văn Kiến cho chúng tôi biết:  Khó khăn lớn nhất của xã là giao thông. Đường cấp phối liên xã được làm mới năm 2003 đến nay đã bị xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ gà lớn. Chưa kể, đoạn đường này còn phải đi qua mấy cây cầu tạm, lớn nhất là cầu tạm qua sông Cúc Đường và sông Thượng Nung, mỗi khi có mưa lớn là giao thông đến xã lại bị gián đoạn, phải sử dụng bè để qua lại, chi phí mỗi lần từ 10 đến 15 nghìn đồng/ người/ lượt. Đường đến 3 xóm vùng cao là Lũng Hoài, Lũng Luông và Lũng Cà còn khó khăn hơn. Người dân ở đây chủ yếu đi bộ thay cho các phương tiện cơ giới. Học sinh ở các xóm này đến được trường THCS Thượng Nung phải mất từ 1,5 đến 2 tiếng đồng hồ đi bộ. Do vậy, hầu hết trẻ em ở đây đã bỏ học sau khi kết thúc bậc tiểu học. Tại đây có 3 phân trường cấp 1 bằng nhà tranh, vách đất đều đã xuống cấp, điều kiện dạy và học của thầy trò ở đây rất nhiều thiếu thốn. Đây cũng là 3 xóm vùng cao của xã chưa được hưởng điện lưới Quốc gia. 100% người dân trong xã sử dụng nước tự nhiên cho sinh hoạt, trong đó phần lớn là dùng nguồn nước tự chảy và nước suối. Nguồn nước sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nước trời.

Do điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế nên Thượng Nung vẫn là một xã nghèo của huyện Võ Nhai. Toàn xã hiện có 59% hộ thuộc diện nghèo, chỉ có 5% số hộ khá giả, còn lại thuộc diện trung bình và cận nghèo. Kinh tế của xã chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi theo hình thức tự cung, tự cấp nên năng suất thấp. Thu nhập bình quân trên đầu người năm 2008 chỉ đạt 3 triệu đồng/ người/ năm. Tính riêng vụ xuân năm 2009, Thượng Nung gieo cấy được 40ha lúa, năng suất đạt 150kg/ sào và 150ha ngô, đạt năng suất 140kg/ sào. Diện tích hoa mầu như lạc, đỗ có năng suất đạt thấp, khoảng 50kg/ sào.

 

Trong nhiều năm qua, Thượng Nung đã nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước thông qua các Chương trình 134, 135 và vốn vay ưu đãi cho người nghèo. Bằng nguồn vốn 135, tháng 12/2008 chợ Thượng Nung mới với vốn xây dựng là 1,2 tỷ đồng đã đi vào hoạt động, thúc đẩy hoạt động thương mại và dịch vụ của địa phương. Từ năm 2008 đến nay, xã đã tiếp nhận trên 300 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135, hỗ trợ người dân mua giống cây trồng, vật nuôi và trang thiết bị sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ 80% giá cây giống, 3 triệu đồng/ 1con trâu, bò giống, 750 nghìn đồng/ 1con lợn nái...Thông qua các tổ chức Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh đã có 800 triệu đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội đến được tay của các hộ nông dân trong năm 2008. Đồng thời, xã đã phối hợp với các ban ngành mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi tại trụ sở  UBND xã... Do vậy, những chương trình hỗ trợ này đã phát huy được tác tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 75% năm 2005 xuống 59% năm 2008. Tổng sản lượng lương thực có hạt tăng từ 540 tấn năm 2005 lên 720 tấn năm 2008. Đàn trâu bò tăng từ 610 con năm 2005 lên 895 con năm 2008. Đàn lợn tăng gấp đôi từ 1510 con năm 2005 lên 2990 con năm 2008...

 

Bằng sự đồng đồng thuận, chung sức của các ban ngành, đoàn thể và bà con các dân tộc trong xã, sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước, Thượng Nung đang có những bước chuyển mình đáng kể, từng bước khắc phục những khó khăn, tạo tiền đề cho những thay đổi lớn hơn trong thời gian tới.