Thứ 2, 24/02/2025, 19:42

Nhịp cầu nối những bờ vui

10:03, 22/12/2009

Khó có thể tả hết niềm vui của nhân dân 6 xã phía Bắc của huyện Phú Bình và khu Nam Gang Thép khi cây cầu Đồng Liên nối qua sông Cầu hoàn thành chính thức đưa vào sử dụng vào đúng ngày kỷ niệm 65 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12).

 

Đây là cây cầu đầu tiên của tỉnh được xây dựng theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Có mặt tại đây trong ngày thông xe kỹ thuật (19/12), chúng tôi bắt gặp cảnh các công nhân, cán bộ kỹ thuật đang khẩn trương hoàn thiện nốt công việc còn lại. Dù thời tiết khá lạnh, nhưng trên lưng áo họ vẫn lấm tấm những giọt mồ hôi. Biết hôm nay là ngày thông xe kỹ thuật, bác Nguyễn Đức Chanh, tổ 48 phường Hương Sơn T.P Thái Nguyên vui vẻ dẫn cháu nội đi bộ từ bên này sang bên kia cầu. Đi trên cây cầu mới bắc qua sông Cầu như một dải yếm đào bác không dấu nổi niềm vui: “Chỉ có Đảng, Nhà nước mới quan tâm và làm được như thế này. Bao nhiêu năm chúng tôi mong đợi có một cây cầu kiên cố bắc qua sông để bà con đi lại, buôn bán thuận tiện, đám trẻ không phải lo lắng khi đến trường khi qua cây cầu tạm hoặc gọi đò".

 

Cầu Đồng Liên được xây dựng theo kiểu cầu treo dây văng. Chiều dài của cầu 156m, tải trọng xe đi qua 3,5 tấn với tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng. Để thuận lợi trong đi lại cho bà con, UBND huyện Phú Bình đầu tư tiếp 2km đường bê tông nối từ chân cầu bên phía xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên tới bờ kênh sông Đào. Nhà chị Đào Thị Chanh, xóm Xuân Đám, có 2 con đi học ở bên khu Nam Gang Thép, để tránh nguy hiểm cho các cháu khi phải qua lại nhiều lần trên con sông này, anh chị đã dồn tiền vay mượn thêm mua nhà cho con ở. Tâm sự cùng chúng tôi, chị bảo: “Buổi tối đò thường không chở. Cứ hôm nào các cháu đi học thêm buổi tối hoặc tham gia hoạt động ngoại khóa đều phải ở nhờ nhà bà con, bạn bè bên đó. Khi con đi học về tới nhà tôi mới yên tâm. Nếu đi đường thẳng qua cầu Ba Đa tới trường thì xa tới 12-15km. Mà đa số các cháu ở mấy xã khu vực này đều học ở bên Gang Thép. Cũng vì lo cho các cháu, tôi phải chắt bóp mua tạm ngôi nhà bên đó cho 2 chị em nó ở để học”.

 

Cây cầu được xây dựng đúng với tâm nguyện của người dân 2 bên bờ sông. Vì thế, riêng xóm Xuân Đám đã có hàng chục hộ hiến trên 7.000 m2 đất thổ cư, canh tác, vườn với hàng nghìn cây ăn quả; phá trên 200m tường rào để xây dựng cây cầu và con đường bê tông đi qua. Theo tính toán của ông Vũ Đình Song với lưu lượng trên 1.000 người đi lại/ngày, áp với mức thu  phí qua cầu mà UBND tỉnh ban hành thì 15 năm doanh nghiệp mới thu hồi được vốn, bàn giao công trình cho địa phương quản lý. Tính toán như vậy, có lẽ nếu không vì tấm lòng với người dân nơi đây thì số tiền trên đầu tư ở lĩnh vực khác lợi nhuận và thu hồi vốn nhanh hơn rất nhiều. Vì thế, công trình này xây dựng không nhằm mục tiêu kinh tế, mà mang tính xã hội nhân văn sâu sắc