“Con đường” của Đảng

14:00, 23/12/2010

Xóm Lát Đá, xã Bình Sơn (thị xã Sông Công) có 86 hộ dân với trên 350 khẩu thì 97% là người Sán Dìu. Địa hình đồi núi nằm sâu trong xã và trải dài gần 5 km, mỗi quả đồi chỉ có được 1 đến 2 nóc nhà. Trước đây nếu gặp trời mưa thì gần như “nội bất xuất, ngoại bất nhập” bởi đường vào xóm rất khó khăn, trơn trượt lại có khe suối. Nhất là đoạn Dốc Đá. Thế nhưng từ năm 2009, xóm đã có được con đường bê tông kiên cố trải phẳng trên cái “cửa ải Dốc Đá” mà ngày xưa luôn là nỗi sợ hãi của người dân mỗi khi trời đổ mưa.

 

Vượt qua con Dốc Đá ấy, chúng tôi hỏi thăm đến nhà ông Trần Văn Cao, Bí thư Chi bộ xóm, 1 trong 2 bí thư chi bộ của xã  Bình Sơn được tham dự Hội nghị biểu dương các Bí thư chi bộ tiêu biểu người dân tộc thiểu số của tỉnh năm 2010. Án ngữ trên một quả đồi, nhà ông Cao được xây dựng kiên cố, rộng rãi, với đủ loại cây ăn quả, chè được trồng xung quanh. Tiếp chúng tôi với sự niềm nở trong bộ quần áo quân ngũ đã bạc màu, ông Cao cho biết: Xóm tôi có 16 đảng viên. Chúng tôi luôn tổ chức sinh hoạt chi bộ định kỳ hàng tháng để triển khai kịp thời các văn bản, công văn chỉ đạo của đảng ủy. Người dân tộc chúng tôi tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhờ có Đảng quan tâm bằng những chính sách cho đồng bào vùng sâu, xa người dân tộc… mà xóm tôi được hưởng lợi rất nhiều. Những hộ nghèo thì được hỗ trợ làm nhà theo các Chương trình 134, 167. Hộ nào cần vốn thì được vay từ các Hội nông dân, Hội Phụ nữ, Ngân hàng Chính sách… để đầu tư phát triển kinh tế. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống, nhiều hộ làm kinh tế rất khá như gia đình các anh Mưu Văn Hữu, Trần Văn Mạnh, Trương Văn Cường…

 

 

Bên cạnh đó, các chương trình khuyến nông, khuyến  lâm, cung cấp giống cây trồng và phân bón luôn đem lại cuộc sống ổn định cho bà con. Hơn nữa, các cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên đến tận xóm để phổ biến, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ 3 đến 4 lần/năm. Đặc biệt, nhiều năm trở về đây, bà con được Nhà nước cho vay vốn trồng 8ha chè cành thay cho cây chè hạt trước đây cho năng suất thấp. Người dân có rừng thì được Nhà nước hỗ trợ giống cây trồng và phân bón; dân trông coi, chăm sóc đến khi khác thác thì người dân và Nhà nước cùng hưởng. Tôi thấy chủ trương này thật đúng đắn. Đúng là dân có giàu thì nước mới mạnh. Nhận thức được điều đó nên trong mọi cuộc vận động, triển khai hay quyên góp, ủng hộ… do Đảng ta phát động, nhân dân trong xóm đều ủng hộ.

 

Qua câu chuyện cởi mở, chúng tôi được biết: vị già làng này đã từng đi bộ đội năm 1968 vào chiến trường miền Nam, đến năm 1977 xuất ngũ trở về quê hương. Năm nay đã bước sang tuổi 63, các con của ông đã yên bề gia thất con cháu đề huề. Đối với gia đình, ông luôn là chỗ dựa, là tấm gương để các con nhìn vào noi theo. Đối với xóm, ông là một “thủ lĩnh” có tinh thần trách nhiệm cao, luôn được bà con tín nhiệm, ủng hộ. 11 năm “vác tù và hàng tổng” kiêm phó Bí thư chi bộ, từ đầu năm 2010, ông lại được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ.

 

Từ nhà ông Cao nhìn ra phía xa, con đường bê tông thấp thoáng nổi lên giữa bạt ngàn màu xanh của cây. Tiễn tôi ra đến đoạn đường đẹp nhất xóm này, ông chỉ xuống mà nói: Nếu đoạn Dốc Đá này mà chưa được trải bê tông thì chắc là nhà báo không thể đi nổi bởi trước đây chỉ toàn đá hộc, lởm chởm. Đoạn đường dài 500m này được làm với số tiền trên 100 triệu đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ 60%). Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì xóm tôi không thể tự làm được đoạn đường này. Chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm. Chúng tôi kỳ vọng vào đợt Đại hội lần thứ XI sắp tới, Đảng ta sẽ tiếp tục dành quan tâm đến đồng bào dân tộc vùng sâu, xa, còn nhiều khó khăn như chúng tôi.