Từng bước vươn lên thoát nghèo

12:16, 23/12/2010

Vài năm trở lại đây, nhờ có sự đầu tư của Nhà nước thông qua Chương trình 135, 134 và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, xã vùng cao Cúc Đường (Võ Nhai) đã xóa được đói và đang từng bước vươn lên thoát nghèo...

 

Chợ Cúc Đường tuy là chợ vùng cao nhưng việc trao đổi hàng hóa của người dân diễn ra sôi nổi không kém so với các chợ ở thị trấn. Hàng hóa được bày bán ở chợ gồm rất nhiều loại mặt hàng, nhưng nhiều nhất vẫn là những sản phẩm nông sản do người dân địa phương làm ra như khoai, rau, ngô, con gà, con vịt... Điều này phần nào cho thấy, cây trồng, vật nuôi của người dân nơi đây không chỉ để tự cung tự cấp như trước mà đã và đang dần trở thành hàng hoá.

 

Đồng chí Nông Anh Đài, Bí thư Đảng ủy xã nói: Trước kia, Cúc Đường vốn là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai: Tỷ lệ hộ nghèo cao (năm 2006 chiếm trên 65%); sản xuất còn mang tính tự cung, tự cấp; cơ sở hạ tầng thấp kém. Trước thực trạng đó, Đảng bộ xã đã có nghị quyết đề ra chỉ tiêu phấn đấu giảm nghèo là 5%/năm trở lên.

 

Xác định phải lấy việc phát triển cơ sở hạ tầng làm khâu đột phá đầu tiên trong xóa đói, giảm nghèo, xã đã tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án như: Chương trình 135, 134 và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác để tập trung xây dựng đường, điện, trường, trạm, thủy lợi và các công trình nước sạch sinh hoạt. Sau rất nhiều cố gắng của Đảng bộ, chính quyền xã và nhân dân địa phương, kết cấu hạ tầng cơ sở đã được đầu tư có trọng điểm, góp phần thiết thực phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của xã. Hiện nay, xã đã có hồ Nà Deng, đập dâng Nà Phùng cùng với hơn 3km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, 3 trạm bơm ở xóm Trường Sơn, Lam Sơn, Bình Sơn cũng đã được xây dựng đảm bảo nước tưới cho trên 200 ha lúa. Nước sinh hoạt cũng đã về tận từng nhà, người dân không phải đi xa hàng cây số để lấy nước về dùng như trước đây nhờ được đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tự chảy ở trung tâm cụm xã, ở xóm Bình Sơn, Tân Sơn. Đường giao thông cũng đã được quan tâm đầu tư xây dựng. Giờ đây, ô tô còn vào được tận các xóm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vận chuyển, trao đổi nông sản...

 

Về phía địa phương, lãnh đạo xã đã động viên, khuyến khích bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng trong sản xuất. Bên cạnh đó, hàng năm, xã phối hợp với các phòng, ban liên quan của huyện mở từ 6-8 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho trên 300 lượt hộ nông dân. Từ đó, nhận thức, tư duy về sản xuất nông nghiệp của người dân ngày càng được nâng lên. Diện tích cấy lúa 2 vụ ngày càng tăng, các giống lúa, ngô kém năng suất, chất lượng được thay thế dần bằng các giống lúa lai, ngô lai cho năng suất cao, chất lượng tốt. Do vậy, năng suất lúa đã tăng từ 40 tạ/ha (năm 2005) lên 50 tạ/ha (năm 2010), góp phần đưa tổng sản lượng lương thực có hạt của xã từ 972 tấn (năm 2005) tăng lên 1.483 tấn (năm 2010).

 

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng được người dân nơi đây chú trọng phát triển. Hiện xã có 246 con trâu, 185 con bò, trên 1.600 con lợn và trên 10 nghìn gia cầm các loại. Từ việc triển khai thực hiện nguồn vốn dự án phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 hỗ trợ máy móc như: Máy bơm nước, máy tuốt lúa, máy sao vò chè, các loại giống lúa lai, ngô lai.., đã giúp người nghèo có thêm tư liệu để phát triển sản xuất. Ngoài ra, các mô hình, dự án giảm nghèo như trồng luồng, “ngân hàng” bò, và đặc biệt là mô hình tổ hợp tác người nghèo đã tạo nên mối đoàn kết gắn bó giữa các hộ dân, giúp đỡ nhau về vốn, cùng chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, xuất hiện những mô hình hộ làm kinh tế giỏi. Thông qua nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án trồng rừng, việc đốt nương làm rẫy của người dân cũng đã được loại bỏ mà thay vào đó là việc nhân dân đã biết chủ động, tích cực nhận đất trồng và khoang nuôi rừng, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

 

Điển hình trong số này là gia đình ông Lê Văn Quyến, xóm Tân Sơn. Với quyết tâm làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất cằn cỗi của quê hương, cộng với sự hỗ trợ của của các chương trình, dự án, gia đình ông đã trồng được hàng chục ha keo, trên 100 gốc cây luồng để lấy măng và nguyên liệu giấy. Tính sơ sơ, đồi cây luồng cũng đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập trên 10 triệu đồng. Khoảng 4-5 năm nữa, gia đình ông sẽ thu khoảng 700-800 triệu đồng từ rừng keo...

 

Nhờ được sự đầu tư lớn của Nhà nước dành cho các xã đặc biệt khó khăn, cộng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự vươn lên của người dân, đến nay, xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống ở mức trên 40%. Đời sống vật chất, tinh thần cũng như diện mạo nông thôn Cúc Đường đang từng ngày khởi sắc.