“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta…”

08:12, 25/03/2011

Thanh niên là đối tượng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Năm 2011 đã được Đảng, Nhà nước chọn là Năm Thanh niên. Đây là niềm vinh dự to lớn cho tuổi trẻ, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cho thế hệ chủ nhân tương lai và cũng là tạo môi trường và cơ hội cho tuổi trẻ cống hiến. Không phải đến năm 2011, Đảng, Nhà nước ta mới lấy là “Năm Thanh niên” mà nhớ lại hơn 10 năm trước, năm 2000 cũng đã được chọn là “Năm Thanh niên Việt Nam”.

 

Năm 2004, Đảng, Nhà nước lại dành cho thanh niên sự ưu ái nữa khi đồng ý lấy tháng 3 hàng năm là Tháng Thanh niên. Nhờ có những quyết định này mà thanh niên đã nhận được nhiều hơn sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của cấp ủy, sự tạo điều kiện thuận lợi từ các cấp chính quyền và sự tham gia phối hợp của các ngành, các lực lượng xã hội.

 

Thanh niên chúng ta ngày nay được sống trong môi trường hoà bình, trong thời đại khoa học công nghệ bùng nổ, có nhiều điều kiện để học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Nhiều bạn trẻ đã vươn lên “lập thân, lập nghiệp”, làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một trong những động lực giúp họ trưởng thành, phát triển là nhờ được khơi dậy, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ.

 

Phong trào tình nguyện chỉ mới hình thành từ sau Cách mạng Tháng Tám, phát triển mạnh mẽ qua hai cuộc kháng chiến gian khổ và mở ra một diện mạo mới sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Hiện nay, hàng ngày vẫn có hàng nghìn đoàn viên, thanh niên trực tiếp tham gia các hoạt động tình nguyện. Những phong trào “Mùa hè xanh tình nguyện”, “Hiến máu nhân đạo”, “Tình nguyện vì môi trường”, “Tiếp sức mùa thi”, “Sinh viên tình nguyện tham gia hoạt động tại vùng khó khăn”… và còn rất nhiều phong trào, nhiều hoạt động sáng tạo nữa ở các cấp bộ đoàn đã được tổ chức nhằm khơi dậy, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên. Gần đây còn có rất nhiều tấm gương của các “hiệp sĩ đường phố” bắt cướp, bắt “đinh tặc” làm nức lòng người dân. Họ là ai? Đó cũng là những thanh niên, họ tình nguyện làm việc nghĩa hiệp, chống lại bất công, vì sự bình an của mọi người.

 

Thái Nguyên có lợi thế là tỉnh có tỷ lệ học sinh, sinh viên, thanh niên công nghiệp chiếm số đông trong thanh niên. Vì vậy, từ nhiều năm nay, Thái Nguyên trở thành đơn vị có phong trào xung kích, tình nguyện sôi nổi trong cả nước. Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên lần thứ XII, nhiệm kỳ 2007-2012 đã đề ra 6 mục tiêu chung, trong đó có mục tiêu “Phát huy tính xung kích, tình nguyện của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Mục tiêu này được cụ thể bằng phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và 4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp“. Phong trào 5 xung kích gồm: Xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội; Xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; Xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; Xung kích thực hiện cải cách hành chính;  Xung kích trong hội nhập kinh tế quốc tế. Phong trào “Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” được cụ thể hoá với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, hiệu quả như: Chiến dịch tình nguyện hè, Tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo; Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh... Bên cạnh đó là các hoạt động thi đua học tập, đi đầu xây dựng xã hội học tập; tiến quân vào khoa học - công nghệ; thi đua lập nghiệp, lao động sáng tạo; xung kích bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội…

 

Bên cạnh những cống hiến to lớn đó của thanh niên, hiện nay, ngay ở Thái Nguyên cũng còn một bộ phận giới trẻ đang phai nhạt lý tưởng, lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, có xu hướng chạy theo lối sống thực dụng, buông thả. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường. Xu hướng tuyệt đối hoá đời sống vật chất, coi trọng lợi ích cá nhân hơn lợi ích cộng đồng, lấy đó làm thước đo, làm tiêu chí cho mọi hoạt động…  đang là một thách thức rất lớn đối với tổ chức Đoàn, đối với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

 

Giải pháp hàng đầu để khắc phục hạn chế trên đây là phải đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống lành mạnh cho thanh niên. Nhưng quan trọng hơn nữa là phải làm cho thanh niên trở thành chủ thể của quá trình giáo dục ấy, để họ tự ý thức, tự giáo dục. Muốn vậy, những kiến thức về chính trị, đạo đức phải được phân tích, truyền đạt một cách khoa học, có sức thuyết phục, trở thành vốn sống của mỗi người, chứ không nên làm cho nó xơ cứng, thành những giáo lý chung chung, trừu tượng.

 

Nói đến xung kích, tình nguyện, phần lớn thanh niên đều đồng lòng, nhất trí. Nhưng cũng có những bạn trẻ cho rằng: “Ngày nay cái gì cũng phải tuân theo quy luật vật chất quyết định ý thức”, vậy thì làm sao có chuyện tình nguyện? Thực ra, những người đó đã mắc một sai lầm: họ không phân biệt được đâu là vật chất, đâu là những cái chỉ thuộc về vật chất (chứ không phải là bản thân vật chất). Trong thực tiễn, sẽ có nhiều thứ thuộc về tinh thần lại quyết định những thứ thuộc về vật chất. Nếu không như vậy, thì làm sao chúng ta có thể chiến thắng được những kẻ thù có sức mạnh vật chất gấp hàng trăm, hàng ngàn lần chúng ta? Nếu không như vậy, thì làm sao những chiến sĩ kiên trung có thể hy sinh cả thân mình để bảo vệ cách mạng? Sức mạnh của sự quyết tâm, của sự đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, của lý tưởng “Vì độc lập, tự do của Tổ quốc”… mới là sức mạnh vĩ đại, vô bờ bến, đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thanh niên: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Trước những thời cơ, vận hội mới, thanh niên chúng ta cần thấy rõ trách nhiệm, bổn phận của mình là phải ra sức học tập, lao động, cống hiến và rèn luyện nhiều hơn nữa. Các cấp bộ đoàn, cấp uỷ và chính quyền cần tạo mọi điều kiện và quan tâm, giúp đỡ một cách sâu sát, thiết thực nhất để thanh niên trưởng thành, phát huy hết nhiệt huyết của mình trong tinh thần xung kích, tình nguyện.

"Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay", câu hát trong bài hát “Khát vọng tuổi trẻ” đã thôi thúc bao thế hệ thanh niên Việt Nam học tập, lao động, chiến đấu và xả thân vì Tổ quốc. Khát vọng của tuổi trẻ không phải là mong muốn được nhận, mà là được cống hiến! Đó là một lý tưởng cao đẹp. Điều đó cũng hoàn toàn không duy ý chí, bởi vì ý nghĩa đích thực của cuộc sống: sống là lao động, sống là vươn lên và sống là có ý thức trách nhiệm với bản thân mình, với xã hội. Khát vọng đó vẫn như ngọn lửa đang bừng cháy trong trái tim triệu triệu thanh niên Việt Nam hôm nay…