Tìm vàng nơi rừng thẳm

08:54, 13/06/2012

Từ khi còn là điểm nóng về nạn đào mót vàng “thổ phỉ”, Mỏ vàng gốc Đá Mài - Bồ Cu, nơi heo hút nhất của vùng rừng núi Liên Minh (Võ Nhai), đã chứng kiến biết bao chuyện buồn vui, may rủi của không ít những số phận ngày đêm “đỏ mắt tìm vàng”. Hiện nay, mặc dù được khai thác theo phương pháp công nghiệp, quy củ hơn, song thực tế sự “hên xui” vẫn đeo bám nghiệp làm vàng.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, dân tứ xứ đã đổ về Mỏ vàng gốc Đá Mài để tìm vận may. Thời điểm đầu, do đường giao thông khó khăn lại chủ yếu đào “thăm dò” nên ít người biết mà lui tới đây. Nhưng chỉ khoảng 2 năm sau, từ tin đồn về một “bưởng” trúng vỉa hàng tạ vàng đã lan nhanh, kéo nhiều toán thợ chuyên khai thác thủ công từ các địa phương khác trong tỉnh và tỉnh lân cận lên mỏ. Vào thời điểm đông nhất có tới cả nghìn người đến đây làm vàng.

 

Người dân bản địa vẫn quen gọi khu vực này là Khe Dúi. Theo họ thì trước đây khu vực này là rừng nguyên sinh, độ che phủ lớn nên có nhiều muông thú sinh sống, trong đó nhiều nhất là loài dúi. Tuy nhiên, từ khi bãi vàng nổ ra, cây rừng cũng vì thế mà bị tàn phá, các loài thú cũng không còn xuất hiện nữa, chỉ trơ lại đá và đá nên người ta không gọi là Khe Dúi nữa. Cái tên Đá Mài cũng xuất hiện từ đó.

 

Mặc dù có rất nhiều người kéo lên đây, nhưng “cai quản” cũng chỉ có mấy “bưởng”. Trật tự bất thành văn của vùng vàng này là hầm của “bưởng” nào “bưởng” ấy quản, nếu xâm phạm thì phải bồi thường. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn nổ ra những tranh chấp mỗi khi có tin “bưởng” nào đó trúng vỉa. Một “bưởng” tên Hùng, từng nổi danh ở đất vàng Đá Mài hơn chục năm trước, nay giải nghệ về nhà mở trang trại chăn nuôi tại Đồng Hỷ, tâm sự: Chắc chẳng có nghề nào bạc như nghề làm vàng. Khi chưa tìm được vàng thì đoàn kết, thương nhau lắm, nhưng lúc trúng vỉa rồi lại quay ra tranh giành, chẳng còn tình nghĩa gì. Thời tôi làm đã chứng kiến nhiều cảnh hỗn chiến giữa các bưởng với nhau và ngay cả anh em trong đội cũng thế, không hiếm trường hợp bị thương hoặc phải bỏ mạng. Nhiều đối tượng từng tham gia làm vàng ở khu vực Đá Mài sau nhiều năm lăn lộn bãi bờ khi về tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Không ít trường hợp còn mang theo về nhà cả bệnh tật, tệ nạn làm khổ cho gia đình, người thân và xã hội. Ngày đó, Đá Mài có 6 hầm ăn sâu vào ngang núi, mỗi hầm có tới cả trăm “cửu vạn” làm vàng. Khu vực này lúc nào cũng sôi động bởi tiếng mìn nổ, tiếng búa đập đá và cảnh sinh hoạt hỗn độn của hàng nghìn người. Hoạt động khai thác vàng trái phép tại đây diễn ra trong cảnh bất lực của chính quyền địa phương.

 

Mãi tới năm 2008, sau khi HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công được cấp phép đầu tư khai thác vàng gốc tại Mỏ Đá Mài - Bồ Cu thì trật tự tại khu vực này mới chính thức được lập lại. Ngoài tiếp quản các hầm khai thác và gia cố thêm những khu vực xung yếu, HTX còn dành 12 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà xưởng tuyển thô ngay tại chân núi. Toàn bộ các hoạt động khai thác được tiến hành theo phương pháp công nghiệp, từ nổ mìn phá đá đến hệ thống máy xúc, xe vận tải, dây chuyền nghiền, tuyển… Dẫn chúng tôi đi thực tế tại các hầm đào vàng của đơn vị, anh Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Mỏ cho biết: Kiểu khai thác của chúng tôi là đào hầm bằng, xuyên vỉa, nghĩa là đào ngang vào lòng núi, nếu gặp vỉa vàng nào sẽ đào tiếp theo vỉa vàng đó. Bởi vậy, trong mỗi hầm có tới vài ba đường lò xuyên ngang, dọc. Do khai thác công nghiệp nên cả thảy chỉ có 15 công nhân hầm lò lao động.

 

Cảm nhận của chúng tôi khi đặt chân vào bên trong hầm lò khai thác vàng khác xa so với hầm khai thác than. Vào mùa hè, thường các hầm khai thác than nhiệt độ bên trong khá nóng, nhưng ngược lại, ở hầm khai thác vàng thì rất mát, đứng cạnh cửa hầm mà như đứng gần máy điều hoà vậy. Tuy vậy, do phải sử dụng mìn trong khai thác nên tiến càng sâu vào bên trong, không khí càng trở nên ngột ngạt, khó thở mặc dù hệ thống nén khí vẫn hoạt động. Do vậy, công nhân hầm lò được hưởng chế độ lao động trong môi trường độc hại.

 

Anh Linh Văn Điền, cán bộ chỉ huy nổ mìn của đơn vị cho hay, mỗi lần tổ chức nổ mìn, anh em công nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình từ giao nhận thuốc, khoan lỗ đến đặt kíp và cho nổ… để đảm bảo độ an toàn cao nhất. Tuỳ thuộc vào tiết diện gương lò mà bố trí số lượng lỗ khoan. Thường thì mỗi lần nổ phải khoan 18 lỗ với khối lượng khoảng 4-5 kg thuốc và tổ chức nổ mìn theo đúng hộ chiếu đã được lập trước đó.

 

Việc khai thác của người làm vàng theo hướng công nghiệp ngày nay không còn khó nhọc và mất an toàn như trước nữa, nhưng tính hiệu quả cũng không hơn là mấy. Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Mỏ tâm sự: Do không phải khai thác lộ thiên, khó xác định được rõ thân quặng, nên tính may rủi trong khai thác là rất cao. Nhiều khi khối lượng đất đá mang ra và đưa vào nghiền lớn nhưng lượng vàng có được lại không nhiều, tính ra có những đợt còn không đủ bù trừ vào các khoản chi phí khai thác. Tại Mỏ Đá Mài, công tác nghiền tuyển chỉ là phần tuyển thô, quặng sau đó sẽ được chuyển đến dây chuyền khác để tinh chế.

 

Hôm chúng tôi đến Mỏ Đá Mài, toàn bộ hệ thống sàng tuyển đều dừng hoạt động do nguồn quặng khai thác chậm, điện phục vụ sản xuất thường xuyên bị mất và không đủ tải. Một số hầm lò phải đóng cửa vì chưa đảm bảo độ an toàn… Như vậy, có thể nói công tác khai thác vàng tại Mỏ Đá Mài vẫn còn khá gian nan. Mặc dù được quản lý chặt chẽ và áp dụng các phương pháp khai thác hiện đại, song tính hiệu quả chưa thật sự cao.