2 lần từ cõi chết trở về: Lần thứ nhất ở chiến trường miền Nam; lần thứ hai do bị tăng áp huyết đột ngột, ông Khuất Duy Thán, thương binh ¾, nạn nhân chất độc da cam ở xóm Đội Cấn, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên vẫn chưa một lần buông xuôi, phó mặc cuộc đời cho số phận.
Những năm tháng nghèo khó nhất, ông đã từ chối nhận nhà, vườn cây tình nghĩa, vì theo ông: Trong xã hội còn nhiều người nghèo khổ, hơn mình. Và ông đã lao động để vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành người thương binh tiêu biểu, công dân kiểu mẫu của T.P Thái Nguyên.
Trận ốm “thập tử nhất sinh” hồi tháng 4 năm nay khiến cựu chiến binh Khuất Duy Thán gầy dộc. Nhưng khi trò chuyện với chúng, ông tự tin, từng câu nói đều toát lên niềm lạc quan yêu đời. Ông bảo: Hôm đang cùng một số đồng đội chuẩn bị lên đường đi thăm Thành cổ Quảng Trị, huyết áp tăng đột ngột khiến tôi xa xẩm mặt mày, phải vào bệnh viện cấp cứu. Lúc đó, tôi cảm nhận được cái chết lan dần từ chân, tay về tim. Tôi đã trăn trối với vợ con. Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Điôxin Thành phố đã mang cho tôi bộ quần áo để khâm niệm; bạn bè đứng quanh nói lời vĩnh biệt.
Vậy nhưng lần nữa tử thần… chê ông. Từ bao năm nay, trong cơ thể ông mang rất nhiều căn bệnh. Bệnh nào cũng nặng - nặng nhất là căn bệnh xơ vữa động mạch chủ rải rác toàn thân. Không phải tới cái tuổi 65 ông mới thấy trong cơ thể đau mỏi. Mà gần như suốt cuộc đời, trong người ông lúc nào cũng có hàng vạn mũi kim đâm chọc, có lúc như đàn kiến lửa đói mồi giằng xé lá gan, có lúc cơn đau lại lộng ra từ óc. Tôi biết, đó là hậu quả của thứ chất độc hóa học do Đế quốc Mỹ trải xuống chiến trường miền Nam.
Năm 21 tuổi (1968), ông Thán xung phong đi bộ đội. Sau 2 tháng huấn luyện ở Bờ Rạ (Đại Từ), ông cùng đồng đội hành quân vào mặt trận phía Nam. Đời binh lửa, ông trải qua biết bao trận đánh, chứng kiến nhiều mất mát, hy sinh vậy mà lòng trai vẫn “phơi phới dậy tương lai”. Ông được kết nạp Đảng sau trận Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm. Vào mặt trận, cánh lính vẫn nói với nhau là có ngày đi chứ không có ngày về. Bởi bom B52, đạn, pháo thù dữ dằn cày xới đất quê hương, ông bảo: Có ngày địch bắn liên hồi tới 12 vạn quả đạn pháo, tiếp đến B52 trải thảm vào trận địa, vậy mà khi tiếng bom, đạn vừa ngưng, bộ đội ta từ các hầm hào nhảy lên bờ công sự reo hò như chưa từng có chiến tranh.
Giây lát dừng lời, ông nghĩ suy rồi kéo ống quần lên khỏi đầu gối cho tôi xem bên chân phải. Cẳng chân lồi lõm từng vết sẹo đen đúa. Ông kể: Trận đó chân phải bị mảnh đạn đánh gẫy xương, còn chân bên trái bị dập nát, bụng chân bị bay mất, khiến sau này đôi bàn chân tôi như… của đi mượn. Cũng sau trận đó, tôi phải chung sống với đôi chân thương tật và 31 mảnh đạn, pháo, nhiều mảnh đạn nằm cạnh huyệt đạo hiểm.
Sau những ngày điều trị ở Đoàn an dưỡng, năm 1974, ông Thán xin phép đơn vị được trở về Thanh Hóa đón vợ. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Nghị, cán bộ thiết kế Ty Thủy lợi (Thanh Hoá). Ngày 2 người lấy nhau, đêm tân hôn chưa trọn vẹn thì ông cùng đơn vị lên đường làm nhiệm vụ. Vò võ chờ chồng, để ngày sum họp bà trở thành vợ thương binh, vợ nạn nhân chất độc da cam. Đưa nhau về xóm Đội Cấn, vợ chồng ông xin phép bố mẹ ra rìa làng lập nghiệp. Gia sản bố mẹ cho là 6 cân gạo, 1 chiếc xoong, con dao, cái cuốc. Bà Nghị nản lắm, bảo chồng: Anh ơi, vào đó chỉ có cỏ dại, muỗi mòng, buồn lắm, em sợ không sống nổi. Nói thế, nhưng bà vẫn cắp cái nón lá theo chồng.
Trên vùng đất hoang hóa đầy sim mua, một cái chòi được dựng lên che mưa, chắn nắng, hằng ngày, bà Nghị lo việc bếp núc, ông Thán gồng sức phát dọn bờ bãi. Sắn, khoai thay cơm sau 1 năm thì vợ chồng ông có được khu đất rộng 15.000m2. Chỗ đất trũng vợ chồng ông cải tạo được 4 sào ruộng cấy lúa, khu đất cao ông đào hố, đi nhặt những cây bạch đàn nhỏ về trồng rừng. Thấy nhu cầu vật liệu xây dựng của người dân cao, ông đạp xe về Phổ Yên, đến các khu lò gạch xin học nghề làm gạch. Vậy là hằng ngày ông lo việc đồng áng, tối lại cùng vợ xoay trần đóng gạch. Liên tục 12 năm, 2 vợ chồng ông đã bán được 28 vạn viên gạch, chưa kể 6 vạn viên gạch vợ chồng ông để lại xây ngôi nhà mái bằng 3 gian và 3 gian nhà ngang. Hết đất làm gạch, ông xoay sang làm cát lấy vốn cải tạo vườn bãi, mua sắm tiện nghi trong nhà. Ông bảo: Đôi chân mình không khỏe, trong cơ thể ủ nhiều thứ bệnh, lắm lúc đau mỏi, nhức nhối, song không dám nằm nghỉ, vì nằm xuống là không muốn dậy.
Những khi như thế, ông nhẩm lại nhiều lần câu nói “Thương binh tàn, nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ông gượng dậy, ngày xuống sông lấy cát bán cho các công trình xây dựng, tối về lên đồi, phá rừng bạch đàn gần 20 năm tuổi, song toàn cây gầy nhẳng giá trị kinh tế thấp, mang bán cho bà con làm củi đun. Con đông, 5 đứa trai, gái đều còn nhỏ nên chưa giúp được gì, ông một mình đào rạch, san bạt đất trồng chè. Hơn 1 năm sau, ông đã trồng được 7.000m2 chè. Cũng khi đó, Nhà nước giao thêm cho gia đình ông 10 sào đất ruộng. Ông bỏ hẳn nghề xúc cát bán cho công trình. Cả nhà chí thú việc cấy lúa, trồng chè, trung bình hằng năm gia đình ông thu hoạch được hơn 5 tấn thóc, gần 2 tấn chè búp khô. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông còn có lãi hơn 60 triệu đồng.
Nhờ làm kinh tế giỏi, gia đình ông trở thành địa chỉ đón tiếp nhiều đoàn nông dân, cựu chiến binh đến thăm quan, học tập. Nguyên Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT, ông Lê Huy Ngọ cũng đã đến thăm quan mô hình. Ông Ngọ nhắc nhở cán bộ đi cùng: “Nông thôn phải như thế này, các chú phải nhân rộng ra”. Năm 2010, ông mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng trang trại chăn nuôi, quy mô 6.000 con gà/lứa. Ông cho biết: Làm kinh tế nông nghiệp hiện nay chưa được ổn định về thị trường tiêu thụ. Năm 2011 trừ chi phí, trang trại gà cho gia đình thu nhập 350 triệu đồng. Nhưng sang năm 2012 này, gia đình có 2 lứa gà xuất bán, lứa đầu thắng 150 triệu đồng, nhưng lứa sau lỗ 135 triệu đồng. Không buông xuôi. Tôi đang làm vệ sinh chuồng trại, tháng 8 này nhập gà về nuôi phục vụ người tiêu dùng nhân dịp Tết Nguyên đán 2013.
Chia tay ông Thán, trên suốt dọc đường về, tôi thầm cảm phục tinh thần vươn lên của người thương binh, nạn nhân chất độc da cam Khuất Duy Thán: Trong cuộc sống, ông luôn là tấm gương sáng cho các con học tập. Khi rảnh việc, ông lại ngồi kể cho các cháu nội, ngoại của mình nghe chuyện về cuộc chiến đấu thống nhất đất nước.