Buồn… như thư viện huyện

10:25, 14/08/2013

Thư viện huyện là một thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu, mở mang tri thức nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Song một thực tế là, bạn đọc đang “quay lưng” với thư viện khiến cho hình ảnh thư viện huyện chỉ tồn tại như một kho sách hỗn hợp.

Đối lập với không khí mua bán tấp nập xung quanh của khu phố thương mại bên cạnh chợ Đình Cả là một không gian, tĩnh lặng không một bóng người của Thư viện huyện Võ Nhai. Ngôi nhà bám mặt phố hơn 7m, phòng đọc rộng chừng 70m2 nhưng chỉ có duy nhất một nhân viên trông coi... hai dãy bàn ghế cô quạnh.

 

Chị Lường Khánh Ly được Trung tâm văn hóa - Thể thao (VHTT) huyện giao nhiệm vụ phụ trách thư viện cho biết: Từ đầu năm đến nay mới chỉ phát hành được 30 thẻ thư viện cho bạn đọc, nhưng cũng chẳng thấy ai đến thư viện, gần 2 tháng qua mới chỉ có 2 người cao tuổi ở gần đây đến mượn báo, tạp chí về đọc. Tính bình quân cả năm thi mỗi ngày chỉ có 2-3 người đến thư viện, nhưng chủ yếu là đến để vào mạng Internet. Thư viện chỉ đông người vào dịp nghỉ hè, nhưng không phải độc giả đến đọc hay mượn sách, mà là các cháu học sinh đến để dùng máy tính và vào mạng Internet miễn phí, còn sách báo thì nằm im. Có lẽ vì sự vắng vẻ nên Thư viện ít được đầu tư, qua quan sát thực tế cho thấy, hầu như mọi thứ trong khuôn viên đều cũ, xuống cấp, tường loang ố nước thấm từ mái xuống ẩm mốc, hệ thống công trình phụ, nhà vệ sinh... đều không sử dụng được.

 

Đồng chí Ma Tiến Chiển, Giám đốc Trung tâm VHTT - đơn vị chủ quản Thư viện chia sẻ: “Thư viện hiện thiếu cả về cán bộ chuyên trách, thiết bị, cơ sở vật chất xuống cấp, nhưng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Hàng năm theo chương trình mục tiêu quốc gia, chúng tôi được nhận hơn chục đầu sách, trị giá từ 40-50 triệu đồng, nhưng với mức độ bạn đọc như hiện tại thì dần dần Thư viện sẽ trở thành kho chứa sách mà lại không đúng tính chất của kho. Nếu xác định là đơn vị sự nghiệp có thu thì phải có cơ chế thu hút đầu tư thêm các loại hình dịch vụ khác tích hợp, ăn theo hoạt động của thư viện. Còn xác định loại hình phục vụ công cộng thì cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa cả về hình thức và nội dung để thu hút bạn đọc. Do hoạt động theo kiểu không có thì thiếu, có thì không mấy ai đến nên chúng tôi không thể tuyển được cán bộ chuyên trách. Chính vì vậy cán bộ hiện đang đảm nhiệm là học chuyên môn giáo dục thể chất. Đơn vị lại thiếu người, khi có việc cần huy động thì buộc phải đóng cửa thư viện để điều cán bộ này về Trung tâm làm chuyên môn”.

 

Cùng cảnh như Thư viện huyện Võ Nhai, Thư viện huyện Đồng Hỷ nằm sâu trong khuôn viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, xã khu vực dân cư, cách trung tâm thị trấn Chùa Hang hơn 1km. Có lẽ ở vị trí khuất nẻo này nên bạn đọc không dễ tìm đến được! Chị Nguyễn Thị Mùi làm thủ thư cho chúng tôi biết: Bình quân mỗi năm chỉ phát mới được hơn 30 thẻ, lưu lượng bạn đọc đến thư viện mỗi ngày khoảng 4-5 người, chủ yếu là thiếu niên, nhi đồng vào sử dụng Internet và các cụ hưu trí mượn tạp chí, còn cán bộ công nhân, viên chức lao động hầu như là không có, trong khi không gian ngồi đọc có thể đáp ứng được 25 người. Bạn đọc ngày một thưa vắng là vậy, nhưng sách cũng nghèo nàn, sách mới, nhưng không phù hợp. Hàng năm chúng tôi tiếp nhận sách theo chương trình mục tiêu quốc gia trị giá 20-30 triệu đồng, nhưng chỉ có khoảng 60% đầu sách là phù hợp và đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, số còn lại là các loại sách mang tính chuyên ngành đặc thù, không phổ thông đại chúng, hoặc hết giá trị thời sự. Ví dụ như cuốn “Quy định mới về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” xuất bản năm 2010, đến năm 2012 mới đưa về thư viện, trong thời gian đó Nhà nước đã ban hành thêm rất nhiều nội dung mới hơn nội dung của cuốn sách. Hoặc như cuốn: “Giáo trình hàn hồ quang tay - hàn khí ” (Nhà xuất bản Bách Khoa - Hà Nội) chẳng ai đọc, vì thuần túy là giáo trình dạy học, giá như đó là kỹ thuật, ứng dụng, hướng dẫn... thì nông dân sẽ nghiên cứu. Còn luân chuyển về cơ sở rồi lại hồi lại vẫn mới nguyên, trong khi trị giá cuốn sách là 160 nghìn đồng. Cuốn sách “Thơ ca dân gian Tày - Nùng xứ Lạng” cũng trị giá hơn một trăm nghìn, nhưng cũng không ai đọc, giá mà cuốn sách này nghiên cứu về vùng đất Thái Nguyên, Đồng Hỷ, chắc sẽ có nhiều bạn đọc quan tâm. Giá trị cao, số lượng bản nhập về cũng lên đến 40-50 quyển, như vậy giá trị đã lên đến vài triệu đồng mà bỏ không, thật lãng phí!”. Được biết hàng năm, Thư viện huyện đều có báo cáo, đề xuất lên Sở VHTT&DL, Thư viện tỉnh về nhu cầu nhập sách đúng với nhu cầu bạn đọc, song cũng chỉ nhận được câu trả lời là sách do chương trình mục tiêu quốc gia cấp.



Có thể nói, trước sự bùng nổ về công nghệ thông tin, truyền thông, văn hóa đọc đã có nhiều thay đổi, các thông tin đều có thể dễ dàng khai thác trên điện thoại, máy tính, dẫn đến hệ thống thư viện cũng chịu tác động nhất định. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, bên cạnh sự tăng cường quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của Nhà nước, hệ thống thư viện cần được xã hội hóa trong đầu tư và phát triển, bản thân ngành Thư viện cần đổi mới hình thức, nội dung hoạt động hợn nữa mới có thể thu hút bạn đọc.



Xin được trích dẫn câu nói của đại thi hào văn học Nga M. Go-rơ-kithay lời kết: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”. Và tuy sách rất quý nhưng không tự đến với con người mà con người phải tìm lấy sách để đọc.