Về dự Hội nghị "Biểu dương các điển hình tiên tiến trong công tác tôn giáo năm 2013" có 50 đại biểu là cá nhân tiên tiến, nòng cốt, tin cậy, có uy tín được bình chọn từ cơ sở. Họ là những người có nhiều thành tích trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tôn giáo, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động ở địa phương. Xin trân trọng giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu đó.
Vận động giáo dân sống tốt đời, đẹp đạo
Ông Vũ Viết Ngợi, xóm Đèo Nứa, xã Phúc Thuận (Phổ Yên): Họ đạo Phúc Thuận có 75 hộ, 312 khẩu, sống tập trung tại các xóm: Coong Lẹng, Khe Lánh, Bãi Hu, Đèo Nứa. Họ đạo đã được Nhà nước cấp 1.600m2 đất để xây dựng nhà thờ nguyện. Với nhiệm vụ của mình, tôi đã động viên cán bộ, đảng viên và nhân xóm xóm Đèo Nứa thực hiện chủ trương hiến đất làm đường, trải nhựa trên 2km đi qua xóm; vận động nhân dân đóng góp 100% tiền xây dựng trạm biến áp 100KVA (trị giá trên 200 triệu đồng); huy động nhân dân đối ứng 40% tiền xây dựng 600m đường trục xóm. Đời sống của họ đạo luôn giữ được các giới luật của công giáo, đạo đức của giáo dân. Gia đình tôi luôn đi đầu trong xóm về sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao như chè cành, lúa lai, lợn siêu nạc… Năm 2012, thu nhập của gia đình tôi đạt 130 triệu đồng. Hằng năm tôi được công nhận là người công giáo mẫu mực, gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
Người Mông đang tích cực xây dựng đời sống mới
Ông Nguyễn Việt Bắc, xã Thượng Nung (Võ Nhai): Xã Thượng Nung có 40% là đồng bào dân tộc Mông, trong đó 98% theo đạo Tin lành. Là cán bộ phụ trách cơ sở ở các lũng cao của xã, tôi thường xuyên tiếp xúc với các tín đồ để nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của bà con. Có thể thấy đồng bào người Mông hiện nay đã loại bỏ được một số thói quen xấu trước đây như uống rượu say, nghiện hút, cờ bạc. Đồng bào đã có ý thức trong việc vận động con em nhập ngũ, tham gia các phong trào của địa phương. Năm 2010, khi có hiện tượng một số người Mông đi theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, chúng tôi đã kịp thời nắm bắt thông tin, tuyên truyền nhắc nhở. Năm 2013, tổ chức này hoạt động mạnh, xây nhà đòn trái với phong tục tập quán của người Mông, gây mất ổn định ở địa bàn xã Thượng Nung, xã đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo, phân công cho từng thành viên tuyên truyền, vận động. Bà con đã dần nhận thức đúng vấn đề, nhờ vậy tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Ứng dụng khoa học vào sản xuất để phát triển kinh tế
Ông Nguyễn Thanh Hải, xã Phú Cường (Đại Từ): Xóm Văn Cường 3 nơi tôi sinh sống được thành lập năm 1998, hiện có 125 gia đình, 580 khẩu, trong đó 80% là đồng bào theo đạo Công giáo. Nguồn thu nhập chính của người dân trong xóm là cây chè và đồi rừng. Tôi luôn vận động bà con trong xóm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như chuyển đổi cây chè hạt, chè đồi xuống cấp sang trồng chè cành. Đến nay, 100% hộ dân trong xóm trồng chè cành. Thực hiện Cuộc vận động Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, 70% gia đình trong xóm đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Riêng gia đình tôi, 15 năm qua đều đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Bản thân tôi được Thủ tướng Chính phủ tặng Huy chương Kháng chiến. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen sản xuất nông lâm nghiệp giỏi. UBND tỉnh tặng 7 bằng khen và nhiều phần thưởng khác.
Luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của bà con
Ông Phạm Đức Long, phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên: Liên tục làm Bí thư Chi bộ từ năm 2000 đến nay, tôi cùng các đồng chí trong cấp ủy khu dân cư Oánh vận động nhân dân làm hơn 2km đường bê tông, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng phục vụ dân sinh, viết lịch sử làng Oánh nhằm khơi dậy tình yêu quê hương cho các thế hệ con, cháu. Với các công trình phúc lợi do nhân dân đóng góp xây dựng, gia đình tôi đã ủng hộ gần 2,8 triệu đồng ngoài chỉ tiêu quy định. Đối với Ban Hành giáo, giáo họ và tổ quy Phật Oánh, tôi và các đồng chí trong Chi ủy luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, giữ mối quan hệ thân tình. Khi tổ Quy có việc gì cần thì chúng tôi tạo điều kiện, khi chúng tôi có việc gì cần đều được tổ Quy và bà con nhân dân giúp đỡ nhiệt tình.
Không để xảy ra tiêu cực trong sinh hoạt tôn giáo
Ông Nguyễn Văn Thanh, xóm Ngò Thái, xã Tân Đức (Phú Bình): Xóm Ngò Thái nằm ở cuối xã Tân Đức, nơi tiếp giáp 3 huyện: Phú Bình (Thái Nguyên), Yên Thế và Tân Yên (Bắc Giang). Xóm có 170 hộ dân với 665 nhân khẩu sinh sống. Chi bộ có 18 đảng viên, do tôi làm Bí thư từ năm 2001 đến nay. Tôi nhận thấy các hoạt động tín ngưỡng ngày càng quy mô cả về nội dung và hình thức, thu hút đông người tham gia. Từ đó, yêu cầu người có trách nhiệm trong việc nắm bắt tình hình sinh hoạt tôn giáo của đạo Phật, các biểu hiện sinh hoạt không thuần túy tôn giáo, mê tín dị đoan để có giải pháp kịp thời xử lý để các hoạt động tôn giáo đúng hướng, phù hợp với quy định của pháp luật, tránh những hiện tượng tiêu cực. Với vai trò đảng viên, cốt cán tôn giáo, tôi đã cùng với những người có trách nhiệm, cơ quan chức năng uốn nắn, xử lý không để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong sinh hoạt tôn giáo đạo Phật.
Đoàn kết Lương - Giáo cùng xây dựng quê hương
Bà Nguyễn Thị Lan, xóm An Sơn, xã Hoàng Nông (Đại Từ): Xóm An Sơn có 62 hộ, 233 nhân khẩu, 82% người dân theo đạo Công giáo. Xóm có 1 nhà thờ họ để người dân sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Chi bộ có 5 đảng viên, 3 đảng viên người Công giáo. Từ năm 1996 đến nay, tôi liên tục được hội viên phụ nữ bầu vào Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã kiêm Chi hội trưởng Phụ nữ xóm. Năm 2007, tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tôi cùng Chi bộ, Ban công tác Mặt trận xóm tuyên truyền, vận động bà con Công giáo chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết Lương - Giáo thương yêu đùm bọc giúp đỡ nhau. Tôi tuyên truyền các hội viên phụ nữ người công giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới. Câu lạc bộ "3 sạch" của xóm có 35 phụ nữ tham gia. Hàng tháng, các hội viên tổ chức thu dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Từ năm 2009 đến năm 2012, bà con đã hiến đất, đóng góp xây dựng 500m đường bê tông, trong đó 24 hộ công giáo hiến 4.000m2 đất để tham gia tuyến đường liên xã Tiên Hội - Hoàng Nông.