Tạo việc làm cho người lao động ở Phổ Yên

11:10, 13/08/2013

Năm 2013, huyện Phổ Yên đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 5,5 nghìn lao động. Để hoàn thành và phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu này, nhiều giải pháp đã được huyện đưa ra. Qua kết quả những tháng đầu năm cho thấy, các giải pháp này đã phát huy hiệu quả ngay cả trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.

Để thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm cho 5,5 nghìn lao động năm 2013, theo ông Nguyễn Công Thịnh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch từ đầu năm để các xã, thị trấn tuyên truyền các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Nhiều giải pháp có tính khả thi cao cũng được huyện chỉ đạo các ban ngành phối hợp với các xã, thị trấn vào cuộc. Trong đó, giải pháp đầu tiên được huyện đưa ra đó là giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Theo thống kê, trong những tháng đầu năm 2013, từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã giải ngân gần 1,6 tỷ đồng cho 78 dự án của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp và đã giải quyết việc làm cho gần 100 lao động.

 

34 tuổi, anh Bùi Song Đạo xã Đắc Sơn (Phổ Yên) mới tìm được cho mình được một công việc phù hợp và có thu nhập cao sau hơn 10 năm trải qua đủ các nghề từ thợ cơ khí, thợ xây, thợ nề… Đầu năm 2013, anh Đạo được tuyển vào làm công nhân Công ty TNHH Ngôi Sao hy vọng (trên địa bàn xã Đắc Sơn) chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi với mức thu nhập gần 6 triệu đồng/tháng. Anh cho biết: “Đây là công việc đem lại thu nhập cao nhất trong số các nghề tôi đã làm. Không chỉ thu nhập tốt, thời gian làm việc trung bình gần 50 giờ mỗi tuần (cả làm thêm) cũng phù hợp với điều kiện sức khỏe của tôi”.

 

Cùng được tuyển dụng với anh Đạo thời điểm đó có gần 20 công nhân khác có hộ khẩu cùng huyện. Để có thể tuyển thêm lao động, Công ty Ngôi Sao hy vọng đã mở rộng quy mô sản xuất sau khi được bổ sung thêm vốn trong đó có 300 triệu đồng từ vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Ông Phan Văn Bình, Giám đốc Công ty cho biết: Qua nhiều năm tiếp cận và sử dụng nguồn vốn này, Công ty đã liên tục mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo việc làm cho 70 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho biết: Tuy nguồn vốn còn eo hẹp, nhưng mỗi năm, các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn cũng giải quyết việc làm cho 150 đến 200 lao động. Đây là nguồn vốn thiết thực hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động địa phương đặc biệt là lao động nông thôn.

 

Giải pháp thứ hai được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất đó là đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo. Căn cứ vào kết quả rà soát nhu cầu học nghề năm 2013, UBND huyện đã giao chỉ tiêu kế hoạch đào tạo nghề cho các cơ sở đào tạo, các xã, thị trấn với tổng số là 55 lớp với trên 1,9 nghìn học viên. Trong đó, huyện đặt mục tiêu đào tạo nghề phi nông nghiệp 35 lớp cho trên 1,2 nghìn học viên; đào tạo nghề nông nghiệp 20 lớp cho 700 học viên. Với lao động đã được đào tạo nghề, huyện chỉ đạo các ngành phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để tuyển dụng lao động có trình độ phù hợp. Riêng với doanh nghiệp có nhu cầu lao động với số lượng lớn như Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV), huyện đã tổ chức hội nghị để Công ty giới thiệu cơ hội việc làm, thu nhập, thông tin tuyển dụng đến các lãnh đạo chủ chốt của huyện, xã, các ban, ngành đoàn thể và người lao động có nhu cầu việc làm trên địa bàn. Ngoài ra, Phòng LĐTBXH huyện cũng phối hợp với Công ty SEV và Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên hàng tuần tổ chức các buổi tuyển dụng lao động làm việc cho Công ty SEV tại tỉnh Bắc Ninh.

 

Nắm bắt được tình hình khó khăn của kinh tế toàn cầu nên năm nay, Phổ Yên chỉ đặt chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 50 đến 70 lao động thông qua xuất khẩu lao động. Để tuyển dụng lao động cho các thị trường tiềm năng, huyện đã đề nghị các công ty thực hiện tư vấn đến từng lao động có nhu cầu để phát huy hiệu quả cao nhất. Bên cạnh những giải pháp trên, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn lại Ban Chỉ đạo đồng thời tăng cường nắm bắt thông tin tuyển dụng để hỗ trợ, giúp đỡ người lao động về thông tin việc làm, thu nhập, điều kiện tuyển dụng, điều kiện làm việc, xuất khẩu lao động...

 

Từ các biện pháp trên, 6 tháng đầu năm 2013, huyện Phổ Yên đã giải quyết việc làm mới cho gần 3 nghìn lao động, đạt 54% kế hoạch năm 2013. Trong đó, từ chương trình xuất khẩu lao động, huyện đã thẩm tra và giới thiệu cho 4 đơn vị tuyển dụng giải quyết việc làm cho 36 lao động. Trong 6 tháng đầu năm, các ngành của huyện Phổ Yên đã phối hợp với các cơ sở đào tạo trên 1 nghìn học viên, bằng 52,7% kế hoạch năm 2013, trong đó, 65% học viên được đào tạo nghề phi nông nghiệp, 35% học viên được đào tạo nghề nông nghiệp. Tại các hội nghị tuyển dụng của Công ty SEV, trên 3 nghìn lao động của Phổ Yên đã tham gia tuyển dụng trong đó có gần 1,4 nghìn lao động được tuyển dụng vào làm việc tại nhà máy của Công ty SEV trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Thịnh cho rằng: Công tác giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động đã qua đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách trong giai đoạn hiện nay để sớm đưa Phổ Yên thành thị xã Công nghiệp vào năm 2015 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra. Ông Thịnh cũng cho biết, để thực hiện thắng lợi mục tiêu giải quyết việc làm cho 5,5 nghìn lao động năm 2013, từ nay đến cuối năm, phòng LĐTBXH sẽ tham mưu cho UBND huyện tiếp tục tuyên truyền rộng rãi tới người lao động có nhu cầu việc làm về cơ hội việc làm của các nhà tuyển dụng đặc biệt là Công ty SEV và các nhà sản xuất phụ trợ cho SEV; đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn. Đặc biệt, với những vùng bị ảnh hưởng bởi các dự án, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện phối hợp với Sở LĐTBXH tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động để làm cầu nối giữa các doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động trên địa bàn.