Võ Nhai khẩn trương khắc phục sạt lở

11:18, 13/08/2013

Những trận mưa lịch sử liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện Võ Nhai, nhất là về giao thông và thủy lợi. Đó là điều bất thường từ hàng chục năm nay. Huyện đang tích cực huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ và cần sự hỗ trợ kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng.

Ngày 11/8, chúng tôi cùng Đoàn kiểm tra của huyện Võ Nhai đi xác định mức độ thiệt hại do mưa lũ thời gian gần đây tại 2 xã Sảng Mộc và Nghinh Tường. Đi gần đến trụ sở UBND xã Vũ Chấn (trên tuyến đường Cúc Đường - Vũ Chấn - Nghinh Tường - Sảng Mộc), chúng tôi thấy điểm sạt lở có khối lượng đất, đá lớn do cơn bão số 6 vừa qua đã được huyện huy động lực lượng khẩn trương san gạt để nối lại giao thông. Cũng trên tuyến đường này, đoạn từ xã Nghinh Tường đi xã Sảng Mộc trước đó đã bị sạt lở ta luy âm nghiêm trọng tại 3 vị trí, mới đây lại sạt thêm tại 5 điểm...

 

 

Từ UBND xã Sảng Mộc, Đoàn đến điểm sạt lở đầu tiên thuộc địa phận xóm Khuổi Chạo, trên tuyến đường từ trung tâm xã đi các xóm Nà Lay, Khuổi Chạo và Tân Lập có chiều dài hơn 10km. Được coi là điểm sạt lở nhỏ nhưng cả trăm mét khối đất đá đã vùi lấp hoàn toàn một đoạn đường, xe ô tô không thể đi tiếp. Các thành viên phải tiếp tục hành trình bằng cách cuốc bộ và đi nhờ xe máy của người dân địa phương. Càng vào trong, các điểm sạt lở càng có khối lượng đất, đá lớn hơn. Riêng cầu Tân Lập đã bị lũ mạnh làm sập mố và gẫy một phần thân cầu, chia cắt giao thông. Anh Hoàng Hữu Cao, Trưởng xóm Tân Lập nói: Chúng tôi đã huy động người dân bắc cầu tạm bằng ván gỗ để đi lại tạm thời, nhưng hễ cứ mưa lũ là cầu tạm lại bị cuốn trôi… Theo thống kê thì do ảnh hưởng của cơn bão số 6, các tuyến giao thông trên địa bàn xã Sảng Mộc bị sạt lở hơn 10 vị trí, tổng khối lượng đất, đá ước tính trên 1.100m3. Trong khi đó, những thiệt hại về giao thông do các đợt mưa trước đó chưa thể khắc phục hoàn toàn, làm cho việc đi lại của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

 

Tại xã Nghinh Tường, Đoàn đi kiểm tra tuyến đường bị sạt lở nặng nhất là tuyến từ trung tâm xã đi các xóm Bản Nưa, Bản Rãi, Hạ Lương và Thượng Lương (thông sang huyện Bình Gia, Lạng Sơn) và một số công trình thủy lợi bị ảnh hưởng do mưa bão. Kết quả cho thấy, tuyến đường có chiều dài 13km này bị sạt lở tới 11 điểm, chủ yếu do 2 cơn bão số 5 và số 6, tổng khối lượng đất, đá gần 8.000m3. Có những điểm như tại xóm Thượng Lương, khối lượng đất, đá sạt lở ước tính khoảng 2.000m3, đoạn đường dài hơn 100 mét đã bị vùi lấp hoàn toàn do ta luy cao khoảng 20 mét ập xuống. Về công trình thủy lợi, hàng chục mét kênh dẫn nước từ đập Kim Mang (phục vụ tưới tiêu cho 65ha lúa) bị sụt, nứt vỡ…

 

Ngoài 2 xã này thì theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Giảm nhẹ thiên tai huyện Võ Nhai, các xã trên địa bàn như: Liên Minh, Tràng Xá, Phương Giao, Thượng Nung, Thần Sa… cũng bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt mưa bão gần đây, sạt lở tại nhiều tuyến đường với khối lượng cả chục nghìn mét khối đất, đá, nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng. Chỉ tính đến hết tháng 7 thì tổng giá trị thiệt hại do thiên tai đối với huyện Võ Nhai đã lên tới 32,7 tỷ đồng, riêng tháng 7 là 26 tỷ đồng (chưa tính thiệt hại do 2 cơn bão số 5 và số 6 vì chưa có thống kê chính xác). Thiệt hại nặng nhất là các công trình giao thông và thủy lợi (ngoài những tuyến đường bị sạt lở thì một số cầu, cống cũng bị sập, gẫy, cuốn trôi). Ông Đào Xuân Phượng, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Giảm nhẹ thiên tai huyện Võ Nhai cho biết: Những trận mưa lũ lịch sử diễn ra thời gian qua đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện, nhất là giao thông và thủy lợi. Đó là điều bất thường từ hàng chục năm nay. Mặc dù luôn chủ động và tập trung, nỗ lực khắc phục nhưng do nguồn lực có hạn nên những vị trí bị thiệt hại lớn (cầu bị sập, cuốn trôi), huyện đang phải chờ kinh phí hỗ trợ từ trên.

 

Được biết, việc khắc phục sạt lở trên các tuyến đường của một số xã đã tiến hành trong tháng 6 và tháng 7 phần lớn do các nhà thầu ứng vốn thi công. Mới đây, huyện Võ Nhai đã có công văn đề nghị tỉnh cấp kinh phí 24,5 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại về giao thông và thủy lợi. Trong khi chờ sự hỗ trợ thì huyện cũng rất chủ động trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Bởi thế sau khi kiểm tra, ông Đào Xuân Phượng yêu cầu các xã tiếp tục phát huy nội lực, huy động sức dân nhanh chóng khắc phục những chỗ sạt lở nhỏ để tạm thời nối lại giao thông, đồng thời lập rào chắn và cắm biển cảnh báo tại những khu vực có nguy cơ để người dân phòng tránh tai nạn; tiếp tục rà soát và khẩn trương di chuyển những hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Đề nghị 2 đơn vị được chỉ thầu khẩn trương khắc phục những vị trí sạt lở lớn và cầu, cống bị hư hỏng; sửa chữa, gia cố các công trình thủy lợi để kịp thời phục vụ tưới tiêu.

 

Cũng trong ngày, Đoàn kiểm tra tới xóm Tân Lập, xã Sảng Mộc huy động 64 người dân xúc hót đất, đá tại những điểm sạt lở nhỏ, lấp các rãnh sâu và phát quang tuyến đường qua xóm, xẻ gỗ để bắc lại cầu tạm… Ông Nông Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc cho biết: Thời gian gần đây, chúng tôi đã thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, thường xuyên huy động nhân dân khắc phục sạt lở, tu sửa đường giao thông, nhưng rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ cấp trên do khối lượng sạt lở, thiệt hại quá lớn so với khả năng khắc phục của xã; để người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.