Theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải về quản lý đường thủy nội địa và dựa trên hệ thống biển báo tại khu vực cầu Đa Phúc (thuộc huyện Phổ Yên - Thái Nguyên và huyện Sóc Sơn - Hà Nội) thì mọi phương tiện đường thủy không được dừng, đỗ cách chân cầu 200m về phía hạ lưu và 150m về phía thượng lưu. Tuy nhiên, đã từ lâu dường như các chủ phương tiện giao thông đường thủy hoạt động tại khu vực cảng Đa Phúc vẫn làm ngơ, ngang nhiên đỗ tàu, thuyền tại chân cầu để bốc dỡ, lưu thông hàng hóa.
Mặc dù cơ quan chức năng đã cắm biển cấm đỗ tàu thuyền theo quy định ở hai bên thượng lưu và hạ lưu của cầu Đa Phúc, nhưng gần như không mấy tác dụng. Tại đây, biển báo hiệu giao thông chỉ cho phép phương tiện đỗ hàng một nhưng vẫn thấy tàu thuyền đỗ hai, ba hàng, nhiều khi còn đỗ ngay dưới vị trí biển báo hiệu cấm dừng, đỗ. Điều đó khiến lòng sông bị thu hẹp lại, gây khó khăn cho các phương tiện chạy dọc tuyến khi qua đây. Theo phản ánh của người dân, các phương tiện dọc tuyến mỗi khi đi qua đều mất khá nhiều thời gian và phải rất thận trọng. Tuy chưa xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng tại khu vực này, nhưng va chạm nhỏ thì xảy ra thường xuyên.
Hằng ngày, có đến cả chục tàu, thuyền, xà lan chở đầy ắp hàng hóa đỗ sát dưới chân cầu. Những chiếc tàu có tải trọng lên tới vài trăm tấn nằm nối đuôi nhau dọc bờ sông. Phía bên trên, sát mố cầu, máy xúc, máy ngoạm vận hành suốt ngày đêm. Một số trường hợp còn múc sát chân cầu, rất nguy hiểm. Có chủ hàng còn làm lán ngay dưới chân cầu để tiện cho việc trông coi và duy trì hoạt động cả ngày lẫn đêm. Không ít trường hợp còn đổ đất đá lấn xuống lòng sông, tạo chỗ chứa vật liệu và biến thành nơi neo đậu phương tiện ngay sát cầu. Điều đáng nói là ở bờ sông bên phía huyện Sóc Sơn, một số đối tượng đã đổ đất đá làm thành một con đường xuyên gầm cầu chỉ để vận chuyển vật liệu, với hàng trăm lượt xe tải qua lại mỗi ngày, dẫn đến nguy cơ sạt lở chân cầu, ảnh hưởng đến kết cấu cầu.
Theo quan sát của chúng tôi, những chiếc tàu, xà lan khi đủ hàng, khởi động máy với vận tốc lớn đã tạo ra những luồng sóng ngầm khá mạnh đập thẳng vào trụ cầu. Nguy hiểm hơn, nhiều tàu đã va thẳng vào trụ cầu khi tránh nhau vì có quá nhiều tàu đỗ xung quanh.
Người dân địa phương phản ánh, phía bờ sông bên huyện Phổ Yên (thượng lưu), có Doanh nghiệp Vượng Hương - đơn vị chuyên hoạt động bến bãi, vận chuyển hàng hóa tại khu vực cảng Đa Phúc đã thuê lại đất sát đầu cầu để làm bãi lưu chuyển vật liệu. Bởi vậy, tại khu vực này có khá nhiều lượt tàu thuyền đậu lại để chuyển hàng hóa. Còn bên phía huyện Sóc Sơn (hạ lưu) cũng xuất hiện tới 2, 3 đơn vị hoạt động bến bãi sát mố cầu. Được biết, có một số bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng tại khu vực này đang hoạt động không phép và vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ cầu Đa Phúc.
Cầu Đa Phúc từ lâu được xem là cầu yếu, nhưng lại nằm trên tuyến Quốc lộ 3 cũ, một trong những huyết mạch giao thông nối Thái Nguyên với Hà Nội. Bởi vậy, để bảo vệ an toàn cho cây cầu, đề nghị chính quyền địa phương, các đơn vị hữu quan sớm quan tâm xử lý tình trạng lộn xộn tại khu vực này, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”.