Nghịch lý thừa - thiếu chợ ở Đồng Hỷ

09:15, 08/03/2014

Đồng Hỷ là một huyện thuần nông nên hệ thống chợ nông thôn có vai trò rất quan trọng trong việc giúp người dân và các địa phương có điều kiện giao lưu, trao đổi, mua bán hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền. Nhưng, hiện nay việc quản lý, phát triển chợ nông thôn trên địa bàn huyện vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Nghịch lý thừa, thiếu chợ là tình trạng đã và đang diễn ra trong nhiều năm nay ở huyện Đồng Hỷ. Tại một số địa phương tập trung đông người buôn bán như: xã Hóa Thượng, xã Nam Hòa, thị trấn Sông Cầu…thì lại không có chợ hoặc chợ đã xuống cấp nghiêm trọng vẫn phải đợi kinh phí sửa chữa. Ngược lại, có những nơi dù đã được đầu tư xây chợ mới với số tiền lên đến vài tỷ đồng thì lại chịu cảnh “đìu hiu” vì không có người vào buôn bán.

 

Để tìm hiểu về hiện trạng chợ ở huyện Đồng Hỷ chúng tôi đã đến chợ Trung tâm xã Quang Sơn. Đây là khu chợ được xây mới từ năm 2009 với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. Diện tích mặt bằng của chợ là 6.000m2, trong đó có nhà Đình chợ, nhà Ban Quản lý, nhà để xe, nền chợ được trải bê tông. Tuy có chợ mới khang trang nhưng chỉ những ngày chợ họp theo phiên thì các tiểu thương mới ngồi trong chợ buôn bán, còn những ngày thường họ dựng một khu chợ tạm với hơn chục gian hàng ngay cạnh cổng chợ trung tâm xã, sát với lòng đường. Tại đó, các mặt hàng nông sản, thực phẩm được bày bán la liệt, ai muốn mua đồ chỉ cần dừng xe dưới lòng đường là có thể thoải mái ngã giá.

 

Buổi sáng là thời điểm chợ tạm này hoạt động tấp nập nhất, các tiểu thương ở đây dù biết rất rõ việc buôn bán của mình là nguy hiểm và gây cản trở giao thông nhưng họ vẫn nhất quyết không chịu vào trong chợ. Bà Nguyễn Thị Đường, một người bán rau, củ ở ngoài chợ cho biết: Chợ tạm này đã hình thành từ hơn 2 năm nay, lúc đầu chúng tôi cũng ngồi bán bên trong chợ mới nhưng vì người mua rất ít khi vào đó dẫn đến tình trạng ế ẩm kéo dài nên chúng tôi mới chuyển ra ngoài, bán ở đây hầu như ngày nào tôi cũng hết hàng.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Quang Sơn cho biết: Mặc dù chợ được xây ở ngay trung tâm xã nhưng việc các tiểu thương không chịu vào trong chợ buôn bán đã gây nên tình trạng lãng phí, chính quyền địa phương và Ban Quản lý chợ cũng nhiều lần đi nhắc nhở đối với những quầy hàng lấn chiếm lề đường nhưng cứ dẹp được hôm trước thì hôm sau lại đâu vào đấy.

 

Ngược lại với sự lãng phí chợ ở xã Quang Sơn, hàng chục năm nay người dân ở xã Khe Mo mong mỏi được xây dựng một khu chợ mới để phục vụ nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa nhưng chưa biết đến bao giờ mới có. Khu chợ hiện tại của xã chỉ là chợ tạm do người dân tự dựng lên từ năm 2002 với diện tích khoảng 2.200m2. Các lều, quán trong chợ được làm bằng tranh tre, nứa lá, nền chợ là nền đất, chợ không có hệ thống thoát nước, không được phân khu rõ ràng nên ảnh hưởng rất lớn đến việc mua bán của người dân.

 

Theo những người buôn bán ở chợ Khe Mo thì chợ hiện có gần 60 hộ kinh doanh cố định, phục vụ nhu cầu mua bán cho hơn 2.000 người dân trong xã và các địa phương lân cận. Vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch hàng tháng là chợ phiên, các tiểu thương ở địa phương không có chợ như xã Hóa Thượng cũng đến đây buôn bán nên chợ thường trong tình trạng quá tải. Hơn nữa, do chợ không có nhà để xe nên phần lớn người dân cứ đi thẳng xe đạp, xe máy vào trong khiến chợ càng thêm chật chội. Sợ nhất là những hôm trời mưa to, chợ bị ngập úng, không thể buôn bán được, còn trời mưa nhỏ thì nền chợ trở nên nhão nhoét, bùn đất bám đầy vào hàng hóa khiến cả người bán lẫn người mua đều ngán ngẩm.

 

Ông Đinh Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khe Mo cho biết: Người dân ở Khe Mo chủ yếu sống nhờ vào cây chè nên việc có được một khu chợ khang trang để người dân mua bán, tiêu thụ nông sản là điều rất cần thiết. Do không có chợ nên hiện tại nhiều người dân trong xã đã phải mang chè sang các chợ khác để bán.

 

Huyện Đồng Hỷ hiện có 18 xã, thị trấn thì mới có 13 chợ. Trong đó có một chợ loại 2 là chợ Chùa Hang, còn lại đều là chợ loại 3. Nói về những tồn tại, hạn chế trong hệ thống chợ nông thôn của huyện, ông Dương Văn Thuận, Phó phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Đồng Hỷ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2/3 số chợ được xây dựng trên 10 năm, qua thời gian sử dụng dài lại ít được đầu tư, cải tạo thường xuyên nên phần lớn các chợ này đều đã xuống cấp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc buôn bán của người dân. Mặt khác, công tác quản lý chợ thường là khoán cho cá nhân tự quản lý và thu, chi nộp ngân sách theo khoán thu nên việc quản lý lỏng lẻo, không triệt để trong việc thu ngân sách, Ban quản lý chợ do xã thành lập hoạt động kém hiệu quả vì không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và hoạt động kiêm nhiệm là chính. Một khó khăn nữa là hầu hết các địa phương được giao quản lý chợ không có đủ nguồn kinh phí để đầu tư xây mới, cải tạo chợ, trong khi đó việc huy động mức đầu tư lớn từ phía các hộ tham gia kinh doanh buôn bán tại chợ đều rất khó thực hiện. Tình trạng một số hộ bán hàng tại chợ không tuân thủ theo như đăng ký ban đầu, tự ý chuyển sang bán mặt hàng mới dễ tiêu thụ hơn hoặc không chịu vào trong chợ mà bán hàng ngay cạnh lòng đường cũng gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý…

 

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ nông thôn, thiết nghĩ huyện Đồng Hỷ nên đề nghị các xã, thị trấn thành lập Ban quản lý trực thuộc UBND xã, thị trấn để làm tốt công tác quản lý, tránh thất thu và sử dụng sai nguồn thu từ phí, lệ phí chợ; hàng năm huyện nên dành 1 khoản kinh phí cho việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các Ban quản lý chợ; yêu cầu Ban quản lý chợ ở các địa phương thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về hoạt động của chợ cho UBND huyện để có hướng giải quyết những vướng mắc, tồn tại…