Nâng cao đời sống văn hóa - xã hội cho đồng bào

08:36, 19/09/2014

Xã Phú Thượng (Võ Nhai) có khoảng 90% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số như: Nùng, Dao, Tày, Cao Lan, Sán Dìu… Những năm qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đã quan tâm tạo nhiều điều kiện để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Theo chân đồng chí Hoàng Văn Khánh, cán bộ văn hóa - xã hội xã, chúng tôi đến xóm Nà Kháo, một trong những xóm có phong trào văn hóa - văn nghệ sôi nổi nhất ở Phú Thượng. Vừa đến đầu xóm Nà Kháo, chúng tôi đã nghe được tiếng hát trầm bổng ca ngợi công lao sinh thành, dưỡng dục của người mẹ:  “…Gốc mẹ như nước nguồn tươi mát cho ruộng đồng gieo hạt/ Cho cây đời bát ngát tươi xanh…”

 

Đồng chí Hoàng Văn Khánh thông tin: Đó là tiếng hát của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) hát Then Nà Kháo đang tập luyện cho hội diễn văn nghệ sắp được tổ chức tại xã. Đón tiếp chúng tôi tại Nhà văn hóa xóm, chị Vũ Thị Thúy, Chủ nhiệm CLB vui vẻ: Để bảo tồn và phát triển làn điệu Then của đồng bào dân tộc Nùng, năm 2012, Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch, chính quyền xã đã giúp đỡ chúng tôi thành lập CLB hát Then Nà Kháo. Trước kia, khi chưa có CLB, chị em người Nùng tại xóm chủ yếu hát tại các dịp lễ, hội và chỉ trong quy mô dòng họ, điệu hát Then truyền thống không có điều kiện để phát triển. Từ khi CLB được thành lập đã thu hút được nhiều chị em trong xóm tham gia tập luyện, chia sẻ những làn điệu Then và biểu diễn tại một số dịp lễ hội của xóm, xã. Hiện, CLB đã có 20 thành viên, thế hệ trẻ trong xóm cũng dân biết đến và thêm yêu thích làn điệu của dân tộc mình. CLB không chỉ giúp chị em có nơi sinh hoạt tinh thần mà còn góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, niềm tin vào Đảng của đồng bào dân tộc Nùng trong xóm.

 

Rời xóm Nà Kháo, chúng tôi đến xóm Mỏ Gà, một trong những xóm văn hóa tiêu biểu của xã Phú Thượng. Xóm Mỏ Gà hiện có 173 hộ với 712 nhân khẩu, trong đó có trên 80% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Dẫn chúng tôi đi tham quan Nhà văn hóa khang trang ở trung tâm xóm, ông Hoàng Xuân Kiến, Trưởng xóm Mỏ Gà tự hào: Nhà văn hóa của xóm chúng tôi thuộc diện to đẹp hàng đầu trong huyện đấy! Nhà văn hóa có diện tích sử dụng khoảng 140m2 được hoàn thành năm 2013 với tổng số tiền là 300 triệu đồng. Trong đó, nhờ được tỉnh và huyện hỗ trợ 150 triệu đồng nên nhân dân trong xóm chỉ phải đóng góp 200 nghìn đồng/người. Ngoài hỗ trợ xây nhà văn hóa, các cấp chính quyền còn trang bị loa truyền thanh cho xóm. Từ ngày có loa truyền thanh, bà con đã được thông tin nhanh chóng và thường xuyên về tình hình thời sự ở Trung ương và cơ sở. Các cán bộ xóm cũng tiết kiệm được thời gian khi không còn phải đến từng nhà để gửi thông báo, tuyên truyền về các thông tin pháp luật, sản xuất cho đồng bào.

 

Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và ở xã Phú Thượng nói riêng đã được thụ hưởng nhiều chính sách. Hiện, trên địa bàn xã đã có 2 trường tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường THPT với cơ sở vật chất tương đối khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh địa phương. Đặc biệt, Trường Tiểu học Phú Thượng 2 tại xóm Ba Nhất, một trong những xóm khó khăn nhất của huyện Võ Nhai được xây mới vào năm 2013. Trạm Y tế xã Phú Thượng đã được xây dựng khang trang với đội ngũ y, bác sĩ  có đủ trình độ chuyên môn và nhiều trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Hiện 100% đồng bào dân tộc thiểu số ở xã được cấp bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định. Năm 2013, xã đã được trang bị 12 cụm truyền thanh tại trung tâm xã và tất cả các xóm để truyền phát những thông tin kinh tế - văn hóa - xã hội kịp thời và thường xuyên đến người dân.

 

Được biết, năm 2014, xã Phú Thượng đã có 4 xóm đăng ký sửa chữa và 5 xóm đăng ký xây mới nhà văn hóa xóm. Các xóm đều được tỉnh và huyện đồng ý hỗ trợ 50 triệu đồng đối với việc sửa chữa, 150 triệu đồng hỗ trợ đầu tư xây mới nhà văn hóa xóm. Đồng chí Hoàng Văn Khánh cho biết thêm: Khi biết thông tin sẽ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân các xóm đều rất phấn khởi và nhiệt tình tham gia đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng nhà văn hóa.

 

Bà Hoàng Như Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng cho biết: Bên cạnh hỗ trợ phát triển kinh tế, thời gian qua, chúng tôi đã tích cực chăm lo đời sống văn hóa - xã hội cho đồng bào. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã từng bước được nâng cao, đồng bào ngày càng thêm gắn bó với chính quyền, với các dân tộc khác, thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh. Cùng với đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã được đồng bào hưởng ứng tích cực, góp phần đẩy lùi nhiểu hủ tục, dần xóa bỏ mê tin dị đoan và gìn giữ văn hóa của các dân tộc.