45 doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải hành khách và hàng nghìn tổ chức, hộ cá thể kinh doanh vận tải hàng hoá trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân chọn lựa chọn phương tiện khi có nhu cầu. Tuy nhiên, việc có nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, đòi hỏi cần sự “đổi mới” liên tục trong nội tại các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh cũng như sự quản lý của Nhà nước…
Có đủ tư cách pháp nhân mới được kinh doanh vận tải hành khách
Từ năm 1995, thành phần kinh tế tư nhân được phép tham gia nhiều khâu trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách nên thị trường này trở nên sôi động. Lợi ích là người dân không phải chờ đợi khi có nhu cầu đi lại, vé đi xe ô tô khách không còn đắt đỏ, khan hiếm. Nhưng chính do có sự phát triển “nóng” nên có thời điểm, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách rơi vào tình trạng bừa bãi, chất lượng phương tiện, thái độ phục vụ thấp. Bởi thế, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu ngành chức năng, các tỉnh, thành trong nước phối hợp, tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Trong đó, Nhà nước yêu cầu các tổ chức có pháp nhân (hợp tác xã hoặc doanh nghiệp) mới được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách.
Thực hiện chủ trương này, nhiều xe ô tô khách “chuồng gà” ở một số địa phương trong tỉnh ta… đã bị chấm dứt hoạt động; một số hộ gia đình kinh doanh vận tải hành khách cũng phải “ngồi lại” để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp; tiến hành nâng cấp, đầu tư mới phương tiện vận tải hành khách, thay đổi thái độ phục vụ. Do vậy, đến năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 45 tổ chức có đủ tư cách pháp nhân được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách nhưng quản lý tới 360 xe ô tô khách chạy tuyến cố định và 561 xe tắc-xi. Ông Lê Văn Vịnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông -Vận tải cho biết: Chính sách thắt chặt quản lý vận tải hành khách của Nhà nước đã làm thay đổi căn bản quy mô kinh doanh của các tổ chức kinh doanh vận tải hành khách, chất lượng phương tiện và thái độ phục vụ được nâng lên rõ rệt. Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn cần tiếp tục tăng cường quản lý, nhất là tình trạng chạy không đúng tuor, tuyến, chở quá số người quy định, thái độ phụ vụ của nhân viên thiếu văn minh, lịch sự với hành khách của một số ít nhà xe.
Bất cập trong quản lý vận tải hàng hoá
Khác với lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách, từ năm 2000, Nhà nước có chính sách cởi mở để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phương tiện tham gia vào lĩnh vực vận tải hàng hoá. Do vậy, số đầu phương tiện vận tải hàng hoá trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Lượng phương tiện lớn như vậy nhưng Sở Giao thông-Vận tải hiện chỉ quản lý hoạt động hành nghề 30 đầu xe ô tô vận tải có đầu kéo công-ten-nơ (diện xe vận tải phải quản lý theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải) của 2 doanh nghiệp là: Công ty cổ phần Thái Hưng và Doanh nghiệp tư nhân Quang Anh và có 15 doanh nghiệp kinh doanh vận tải tham gia Hiệp hội vận tải ô tô Thái Nguyên với tổng số trên 200 đầu phương tiện thường xuyên báo cáo hoạt động chuyên môn cho cơ quan quản lý, Hiệp hội. Còn lại các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hoá khác trên địa bàn tỉnh không hề có thông tin, báo cáo về hoạt động kinh doanh mà chỉ kiểm định phương tiện theo định kỳ.
Đồng chí Bùi Xuân Trưởng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: Số lượng tổ chức, cá nhân có xe ô tô tải tham gia kinh doanh vận tại hàng hoá trên địa bàn tỉnh rất lớn nhưng quản lý Nhà nước về hoạt động này còn hạn chế. Triển khai Nghị định số 86 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ tháng 12-2014), chúng tôi sẽ rà soát, phối hợp với UBND của 9 huyện, thành, thị để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải hàng hoá về các mặt: Chất lượng phương tiện, lĩnh vực kinh doanh, phạm vi hoạt động và một số nghiệp vụ vận tải liên quan.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hoá chuyên nghiệp đang rất mong Nhà nước thắt chặt quản lý để đảm bảo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hoá. Đặc biệt họ đều lên án vấn đề phương tiện vận chuyển hàng hoá chở quá tải, quá khổ gây hư hại đường giao thông, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Quang Anh (tổ 13, phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên) cho biết: Để hoạt động kinh doanh có hiệu quả và bền vững, chúng tối đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm phương tiện hiện đại, tuyển dụng lái xe, người lao động có tay nghề, đạo đức tốt. Chúng tôi cũng rất đồng tình với các chính sách quản lý của Nhà nước để từng bước lành mạnh hoá thị trường vận tải hàng hoá nhưng cũng đề nghị cần thực hiện nghiêm túc trên phạm vi cả nước để mọi tổ chức, cá nhân đều phải thực hiện, tránh tình trạng chỗ thực hiện nghiêm, chỗ buông lỏng sẽ càng làm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hoá diễn biến phức tạp hơn.
Trách nhiệm từ hai phía
Kinh doanh vận tải tiềm ẩn nhiều rủi ro, môi trường lao động phức tạp nên để tồn tại, bản thân chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh vận tải phải “tự thân vận động” về mọi mặt, trong đó có vấn đề tự quản trị. Ông Lương Văn Thưởng, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Khánh Thịnh cho biết: Ngoài những chính sách hỗ trợ về pháp lý, vốn vay, điều kiện hạ tầng giao thông thì 2 năm trở lại đây, Nhà nước liên tục đưa ra những chính sách để thắt chặt quản lý trong lĩnh vực này. Do vậy, các tổ chức, cá nhân không đủ tiềm lực về kinh tế, am hiểu về chuyên môn đã dần phải dừng hoạt động. Thời gian tới có thể vẫn còn thêm một số doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải buộc phải chuyển đổi ngành nghề vì các điều kiện, tiêu chí kinh doanh khắt khe mới được cơ quan chức năng có thẩm quyền đưa ra.
Trong quá trình hoạt động, nhiều chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong tỉnh đang kinh doanh vận tải hành khách, hàng hoá đã có những cách làm riêng để tạo dựng nền tảng kinh doanh, nhưng không phải tất cả tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh đã thành thạo việc quản trị doanh nghiệp, chuyên nghiệp. Qua tìm hiểu của chúng tôi, trên 70% số chủ doanh chưa có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên (quy định của Bộ Giao thông - Vận tải) và hạn chế một số kỹ năng, như: Xây dựng kế hoạch nhân sự chưa phù hợp nên lúng túng trong việc tổ chức, quản lý lao động; tổ chức điều tra, nghiên cứu thị trường chưa tốt; biện pháp khai thác phương tiện, vật tư kỹ thuật thiếu triệt để; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý kinh doanh vận tải chưa được áp dụng rộng rãi; chưa đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho người lao động. Đặc biệt, một bộ phận người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải, nhất là lái xe, phụ xe chưa được qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ nên vẫn còn thái độ hành xử theo kiểu “chợ búa”.
Ông Lê Đình Thi, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Thái Nguyên cho biết: “Nếu các tổ chức, cá nhân phủ nhận vai trò quản trị doanh nghiệp đối với kết quả kinh doanh là ầu trĩ. Bởi trong thực tế, kinh doanh vẫn có lãi, doanh nghiệp vẫn phát triển nhưng chủ doanh nghiệp, người lao động thiếu kiến thức chuyên môn, quản lý kém thì sự phát triển đó thiếu bền vững. Tôi cho rằng để kinh doanh vận tải hiệu quả thì khi chủ doanh nghiệp không có trình độ chuyên môn cần phải thuê lao động đã qua đào tạo nghiệp vụ”.
Đối với vấn đề về cơ chế, chính sách trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, đại diện Sở Giao thông - Vận tải và đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể đang tham gia vào lĩnh vực này đều cho rằng: Hoạt động kinh doanh vận tải chỉ hiệu quả, từng bước chuyên nghiệp khi các cơ chế, chính sách quản lý của Nhà nước phải có lộ trình cụ thể, phù hợp với thực tế phát triển và có tính ổn định tương đối. Vẫn theo ông Lê Văn Vịnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, khi ban hành chính sách quản lý, điều tiết, cơ quan chuyên môn cấp trên nên xem xét cả những mặt có lợi, bất lợi đối với người dân và doanh nghiệp. Bởi chính sách phù hợp sẽ kích thích sự phát triển, ngược lại sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh vận tải không chỉ đem lại lợi ích lớn về kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc kiềm chế sự xuống cấp của hạ tầng giao thông, từng bước ngăn ngừa, tiến tới đẩy lùi các yếu tố gây ra tai nạn giao thông.