Sau mấy ngày chịu tác động của hoàn lưu cơn bão số 3, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều bị ảnh hưởng, trong đó ba địa phương bị thiệt hại nặng nhất là các huyện Phú Lương, Đại Từ và T.P Thái Nguyên. Ngay khi nước rút, các địa phương đã tập trung cao độ chỉ huy các lực lượng, phương tiện cùng người dân ra sức khắc phục hậu quả thiên tai.
Sáng 19-9, có mặt tại các điểm xảy ra ngập úng cục bộ trên địa bàn huyện Phú Lương, chúng tôi nhận thấy cơ bản nước đã rút, chính quyền địa phương đang tổ chức lực lượng cùng dọn nhà cửa, khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại chăn nuôi, san gạt đường làng, ngõ xóm và ra đồng giúp bà con thau rửa, dựng lại những diện tích lúa bị đổ rạp.
Gia đình chị Hoàng Thị Hường, xóm Cổng Đồn, xã Cổ Lũng (Phú Lương)
phun thuốc, vãi vôi bột để tiêu độc khử trùng khu chuồng trại của gia đình.
Cổ Lũng là một trong 4 xã của huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thông kê cho thấy, xã có khoảng 160 ha lúa, trên 220 nhà bị ngập trong nước, 3 nhà bị sập, gần 600 con lợn bị chết. Trong đó, thiệt hại nhiều nhất là 2 trang trại lợn của gia đình chị Hoàng Thị Hiền, xóm Làng Phan với gần 500 con lợn thịt bị chết và của gia đình chị Hoàng Thị Hường, xóm Cổng Đồn với 50 con lợn thịt bị nước cuốn trôi. Chị Hường kể: Lúc bị ngập, trong chuồng có 160 con lợn thịt, chỉ cứu được 90 con, còn lại đều bị trôi theo dòng nước. Chúng tôi rất mong được chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ để người chăn nuôi đỡ thiệt thòi.
Thống kê cho thấy, toàn huyện thiệt hại do bão số 3 gây ra ước tính trên 70 tỷ đồng. Ông Phạm Hoàng Sơn, Bí thư Huyện ủy Phú Lương cho biết: Huyện đã huy động 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức trong huyện xuống cơ sở giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Trong đó, Sư đoàn 346 huy động trên 200 chiến sĩ giúp bà con nạo vét kênh mương, sửa chữa nhà cửa để ổn định cuộc sống trước mắt. Huyện cũng trích tiền hỗ trợ để cấp nước uống và 2.000 tấn gạo (nguồn xã hội hóa) cứu trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Trung tâm Y tế huyện đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay sau bão tới 100% các xã, thị trấn. Trong ngày 19-9, Trung tâm Y tế huyện đã cấp phát 35kg thuốc CloraminB cho các xã, thị trấn bị ảnh hưởng nặng nhất để tránh dịch bệnh xảy ra và lây lan.
Còn tại T.P Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy công tác khắc phục hậu quả đang được tập trung triển khai ở 3 khu vực chịu ảnh hưởng là xã Tân Cương, phường Quang Vinh và phường Cam Giá. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tiến Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết: Ngay trong chiều ngày 18-9, sau khi nước rút, chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ, các đoàn thể và bà con nhân dân kịp thời di chuyển tài sản, vật nuôi cho 75 hộ gia đình ở những điểm bị ngập úng về nhà an toàn.
Còn với phường Quang Vinh, theo chị Nguyễn Thị Đào, Phó Chủ tịch UBND phường thì cũng ngay chiều ngày 18-9, phường đã điều động 3 xe ôtô tải đưa các cháu học sinh mẫu giáo và tiểu học về nhà để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, phường cũng khuyến cáo người dân tích cực kiểm tra đồng ruộng, đối với những diện tích lúa bắt đầu chín, bà con tranh thủ thời tiết tạnh ráo để thu hoạch. Đối với diện tích lúa bị đổ gãy, bà con đã buộc dựng để hạn chế nảy mầm trên bông. Đối với phường Cam Giá, cũng đã cử 20 người gồm công an, quân đội, dân quân trực để ngăn cản người dân không được vớt củi gây nguy hiểm ở khu vực đập Thác Huống. Đối với 2 hộ có nạn nhân bị chết đuối trên địa bàn, lãnh đạo thành phố cũng đã đến động viên, thăm hỏi và hỗ trợ mỗi gia đình số tiền 4,5 triệu đồng.
Đại Từ cũng là địa phương chịu thiệt hại khá nặng về tài sản, hoa màu sau bão. Theo thống kê sơ bộ, ước tính thiệt hại trên toàn địa bàn lên tới hàng chục tỷ đồng. Ngay sau khi nước rút, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn huy động lực lượng hỗ trợ sửa chữa nhà cửa cho các hộ bị thiệt hại, vận động nhân dân khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh môi trường để sớm ổn định đời sống và sản xuất. Ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước mắt, huyện cấp 170 thùng mỳ tôm, 60 thùng nước, lương khô để hỗ trợ cứu đói khẩn cấp cho các gia đình bị nước lũ chia cắt, mất hết tài sản, bố trí nơi ở mới cho bà con; hỗ trợ 6 triệu đồng cho gia đình ông Dương Văn Giang, xóm Đá Thần, xã An Khánh là hộ dân có nhà bị sập hoàn toàn…
Theo ông Nguyễn Trường Thành, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh thì Ban đã có văn bản yêu cầu tất cả các địa phương bị thiệt hại từ bão số 3 đều phải thống nhất thực hiện các nhiệm vụ sau: Kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết, thiệt hại nặng về tài sản; tổ chức kiểm tra, đánh giá thiệt hại, huy động lực lượng tập trung hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt; triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước nhằm ngăn ngừa bệnh dịch ở người; vệ sinh phòng bệnh cho gia súc, gia cầm và ngăn ngừa không để phát sinh dịch bệnh sau lũ lụt.
Thống kê sơ bộ những thiệt hại về người do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh đến 18 giờ ngày 19-9: Đã có ít nhất 5 người chết gồm: - Bà Trương Thị Kim Yến, sinh năm 1971, tại xóm 10, xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) bị lật thuyền chết đuối. - Bà Nguyễn Thị Thức, sinh năm 1963, tại tổ 8, phường Gia Sàng, (T.P Thái Nguyên) do bị ngã xuống ruộng sâu chết đuối. - Bà Nguyễn Thị Nhung, sinh năm 1968, tại tổ 22, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) đi qua đường tràn Tân Ấp, xã Phúc Thuận (Phổ Yên) ngã xuống hạ lưu tràn bị nước cuốn trôi. - Cháu Dương Anh Dũng, sinh năm 2010, xóm Cao Sơn 3, xã Sơn Cẩm huyện Phú Lương bị nước cuốn trôi. - Cháu Vũ Văn Quý, sinh năm 1999, xóm Việt Long, xã Bàn Đạt (Phú Bình) bị nước cuốn trôi. |